MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm sàn trước làn sóng "call margin" của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm sàn trước làn sóng "call margin" của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp

Tâm điểm chú ý của thị trường phiên hôm nay dồn về nhóm cổ phiếu ngành bất động sản khi đồng loạt giảm sàn, mất thanh khoản.

Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán ngay trong phiên đầu tuần. VN-Index có thời điểm “trôi xa” mốc 1.000 điểm với mức giảm hơn 25 điểm, trước khi hồi phục đôi chút về cuối phiên. Tâm điểm chú ý của thị trường phiên hôm nay dồn về nhóm cổ phiếu ngành bất động sản khi đồng loạt giảm sàn, mất thanh khoản.

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm sàn

Điển hình như NVL “nằm sàn” khi mới mở đầu phiên với gần 10 triệu cổ phiếu trong tình trạng dư bán, trong khi trắng bên mua. Đặc biệt, khối lượng khớp lệnh chỉ còn Kết phiên 7/11, cổ phiếu NVL dừng lại mốc 55.800 đồng/cp, đánh dấu phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp, thị giá cổ phiếu cũng mất gần 32% chỉ trong 1 tháng.

Tương tự, PDR cũng giảm hết biên độ ngay từ đầu phiên xuống 34.900 đồng/cp, đánh dấu phiên giảm giá thứ 13 liên tiếp của cổ phiếu bất động sản này.

Cổ đông PDR cũng rơi vào cảnh bị “nhốt sàn” khi có đến 9 triệu cổ phiếu dư bán sàn, nhưng chỉ có vỏn vẹn 280 nghìn đơn vị được khớp lệnh trong phiên. Nếu so với mức giá cách đây 1 tháng, thị giá PDR đã “bay hơi” đến 32% giá trị.

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm sàn trước làn sóng call margin của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp - Ảnh 1.

Không thoát khỏi cảnh “nằm sàn”, DIG cũng giảm mạnh xuống chỉ còn vỏn vẹn 15.450 đồng/cổ phiếu. Dù có đến gần 8 triệu cổ phiếu chất sàn không có người mua, song thanh khoản DIG vẫn khá khẩm hơn hai mã trên với hơn 2 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Trong thời kỳ cổ phiếu bất động sản thăng hoa, DIG từng được mệnh danh là “siêu cổ phiếu” với đà tăng nóng bằng lần, tiệm cận gần mốc 100.000 đồng/cp. Tuy nhiên, hiện tại thị giá DIG trở về nơi bắt đầu khi trượt dài về vùng đáy 2 năm. So với vùng đỉnh cũ, cổ phiếu DIG đã giảm gần 85% giá trị.

Cổ phiếu KBC – đại diện nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng giảm hết biên độ, dư bán sàn đến 5,5 triệu đơn vị trong phiên. Điểm sáng là thanh khoản KBC vẫn duy trì gần 6 triệu đơn vị khớp lệnh trong phiên. Cổ phiếu KBC nối dài chuỗi giảm liên tiếp từ hồi tháng 8. Đến phiên 7/11, thị giá dừng ở mức 15.350 đồng/cp, tương đương đã mất hơn nửa giá trị chỉ sau 3 tháng.

Ngoài những đại diện kể trên, nhiều mã bất động sản khác như DXG, NLG, ITA, HDC, TCH, CEO, CKG... đều đồng loạt giảm hết biên độ, dư bán hàng trăm đến hàng triệu cổ phiếu. Những trụ lớn biên độ giảm nhẹ hơn, đơn cử như VHM giảm 1,3%, VIC giảm 1,7%,...

Nhiều lãnh đạo bị “call margin”

Cùng với đà giảm của cổ phiếu bất động sản, nhiều lãnh đạo công ty liên tiếp bị “call margin” trong thời gian gần đây.

Đơn cử như PDR, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố bán giải chấp 750.000 cổ phiếu của ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch PDR từ ngày 7/11/2022.

Đồng thời, TVSI cũng thông báo bán bắt buộc 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings từ ngày 7/11. Đây là tổ chức có liên quan đến Chủ tịch là ông Đạt.

Tương tự với DIG, làn sóng “call margin” cũng liên tục gọi tên lãnh đạo DIG trong thời gian gần đây. Mới đây, Chứng khoán Yuanta Việt Nam thông báo sẽ bán giải chấp 2,13 triệu cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp từ ngày 7/11.

Cùng diễn biến, Chứng khoán Mirae Asset cũng đã thông báo về việc sẽ bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn từ ngày 4/11. Trước khi bị các CTCK “call margin” đồng loạt gần đây, ông Nguyễn Thiện Tuấn từng bị bán giải chấp hơn 3 triệu cổ phiếu DIG trong 2 ngày 27 và 28/10.

Trước đó, lãnh đạo của các công ty bất động sản Hodeco (HDC) và LDG cũng bị bán giải chấp cổ phiếu.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp bất động sản

Trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp bất động sản, đà giảm của nhóm cổ phiếu này không quá khó hiểu.

Thực tế, trái phiếu là một kênh huy động vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, kênh huy động vốn này đã gặp khó kể từ khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Do đó, dòng vốn chảy vào hoạt động kinh doanh bất động sản gặp khó, dự án chậm triển khai, nguồn cung các dự án mới khan hiếm.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng kiểm soát chặt tín dụng hơn, đặc biệt là dòng vốn chảy vào các hoạt động kinh doanh bất động sản. Trong khi nút thắt về tín dụng chưa được tháo gỡ, các kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn của nhiều doanh nghiệp cũng phải tạm dừng hoặc hoãn cũng gây áp lực lên việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Những khó khăn kể trên đang ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp bất động sản nói chung cũng như cổ phiếu bất động sản nói riêng.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên