MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu bất động sản tăng kịch trần trong phiên 27/12, chuyên gia cảnh báo rủi ro từ đà tăng "siêu nóng" cho những nhà đầu tư tham gia “sâu”

Cổ phiếu bất động sản tăng kịch trần trong phiên 27/12, chuyên gia cảnh báo rủi ro từ đà tăng "siêu nóng" cho những nhà đầu tư tham gia “sâu”

"Sẽ là vội vàng để nói rằng cổ phiếu bất động sản đã không còn hấp dẫn, song đà tăng "nóng" như giai đoạn cuối năm 2021 sẽ khó tiếp diễn khi định giá đã ở mức cao".

Thị trường chứng khoán mở cửa tuần cuối cùng của năm 2021 trong tâm lý khá tích cực với sắc xanh chi phối tại nhiều nhóm ngành. Sau những nhịp chỉnh khoảng cuối phiên sáng do áp lực giảm của nhóm vốn hóa lớn, VN-Index đã quay đầu tăng mạnh lên trên ngưỡng tham chiếu, để rồi giữ vững mạch tăng đến khi kết phiên, đóng cửa tại mức 1.488,88 điểm, tương ứng tăng 11,85 điểm trong phiên 27/12.

Điểm sáng trong phiên tăng điểm của thị trường hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa. Hàng loạt cổ phiếu tăng hết biên độ và "trắng bên bán", dư mua giá trần hàng triệu đơn vị như CEO tăng 10% lên 63.800 đồng/cổ phiếu, IDJ tăng 9,8% lên 43.600 đồng/cổ phiếu, DIG tăng 7% lên 96.300 đồng/cổ phiếu, LDG tăng 6,9% lên 21.050 đồng/cổ phiếu, CII tăng 6,9% lên 41.700 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu bất động sản tăng kịch trần trong phiên 27/12, chuyên gia cảnh báo rủi ro từ đà tăng siêu nóng cho những nhà đầu tư tham gia “sâu” - Ảnh 1.

Hàng loạt cổ phiếu BĐS tăng kịch trần trong phiên 27/12

Tuy không tăng kịch trần nhưng các mã như DRH, HQC, L14, FLC, HHV, NBB, DXG, HUT, TDC,….cũng có mức tăng tốt trên ngưỡng 2%. Đà tăng của nhóm bất động sản này cũng chỉ bắt đầu xuất hiện từ phiên chiều, còn diễn biến buổi sáng chủ yếu đều đi ngang tham chiếu hoặc giảm điểm.

Tại nhóm vốn hóa lớn hơn, CTD bứt phá tăng 3,2% KDH tăng 3,9%, VIC tăng 2,6%, NVL hay PDR cũng "xanh giá" khi kết phiên qua đó càng củng cố thêm đà tăng của cả nhóm cũng như toàn thị trường. Trong đó, VIC trở thành "công thần" lớn nhất khi đóng góp 2,45 điểm tăng cho VN-Index; ngoài ra DIG, KDH, TCH cũng góp mặt trong danh sách những cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho thị trường trong phiên đầu tuần.

Như vậy, sau khoảng 2-3 phiên điều chỉnh cuối tuần trước, cổ phiếu bất động sản bất ngờ quay đầu tăng mạnh cho thấy sức "nóng" của nhóm này chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, đồng thời dòng tiền trên thị trường vẫn đang ồ ạt chảy vào những nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ cao.

Đà tăng "siêu nóng" đang tạo ra bong bóng tạm thời tại nhóm cổ phiếu bất động sản

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta chỉ ra một chỉ số mà nhà đầu tư nên dần quan tâm hơn chính là tỷ lệ Earnings-price ratio (E/P). Tỷ lệ này là nghịch đảo của tỷ lệ P/E quen thuộc được sử dụng lâu nay. Ông Minh chỉ ra rằng, trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô 2022 có nhiều điểm đáng lưu ý, đặc biệt là yếu tố lạm phát, thì tỷ lệ E/P nên được sử dụng để so sánh mức sinh lời của cổ phiếu so với lãi suất ngân hàng. Một cổ phiếu tốt là cổ phiếu có mức E/P ít nhất cao hơn lãi suất ngân hàng tại cùng thời điểm.

Từ luận điểm này, ông Minh chỉ ra rằng nhóm cổ phiếu bất động sản mà trọng tâm là những mã vốn hóa vừa và nhỏ hiện có tỷ lệ E/P xuống dưới mức 6% bởi giá cổ phiếu đã tăng quá nhanh, tương ứng E/P đã thấp hơn cả lãi suất ngân hàng cho thấy tính hấp dẫn đã không còn quá cao. Phải lưu ý thêm rằng, EPS của các doanh nghiệp BĐS có sự phân hóa lớn. Do vậy nếu chỉ xét riêng nhóm cổ phiếu BĐS vốn hóa nhỏ thì định giá cổ phiếu cũng đang ở mức cực kỳ cao, có thể gọi là cổ phiếu "siêu nóng" đồng nghĩa rủi ro sẽ tăng rất cao.

Mặt khác, điểm rơi lợi nhuận các doanh nghiệp BĐS – xây dựng thường vào quý 1 thay vì quý 4 như thời gian qua, như vậy mùa báo cáo tài chính quý 4 sắp tới sẽ ít khả năng ghi nhận mức lợi nhuận đột biến. Do đó, có thể nói rằng đà tăng nóng đang tạo ra một "bong bóng" tạm thời tại dòng cổ phiếu này, tiềm ẩn rủi ro lớn cho những nhà đầu tư tham gia "sâu".

Trong thời gian tới, vị chuyên gia đến từ Chứng khoán Yuanta đánh giá cổ phiếu BĐS sẽ trở nên thực chất hơn, những cổ phiếu doanh nghiệp có quỹ đất lớn, tài chính tốt sẽ vẫn tăng tích cực.

Trong khi đó, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp đánh giá về mặt bản chất, câu chuyện cổ phiếu bất động sản tăng liên quan đến nhiều yếu tố.

Thứ nhất, trong khoảng đầu năm 2022 tới, các doanh nghiệp bất động sản khả năng cao sẽ tiến hành xin ý kiến cổ đông trong mùa đại hội về việc phát hành cổ phiếu nhằm huy động vốn cho hoạt động kinh doanh bởi lẽ đây là dòng vốn có chi phí rẻ nhất. Điều này tạo ra nhu cầu cần đẩy giá cổ phiếu lên cao trong thời gian này để làm tiền đề. Thứ hai, cú hích đến từ phiên đấu giá đất Thủ Thiêm cũng là nguyên nhân tác động đến tâm lý kỳ vọng giá trị doanh nghiệp cũng như giá cổ phiếu cũng được tăng cao. Thứ ba, xuất phát từ một số hội nhóm "hô hào" nhằm đẩy giá cổ phiếu, một bộ phận nhà đầu tư cá nhân (F0) lập tức nhảy vào với kỳ vọng về mức sinh lời lớn, cũng tạo ra một dòng tiền lớn chảy vào những cổ phiếu này.

Không bàn tới những cổ phiếu có chỉ số tài chính hay hưởng lợi thực sự, vẫn có hàng loạt cổ phiếu "ăn theo", tăng giá bất thưởng trong khi giá trị doanh nghiệp gần như không có điểm nổi bật, lợi nhuận mỏng, thậm chí nhiều doanh nghiệp trong số đó còn đang âm vốn chủ sở hữu. Ông Điệp đánh giá những cổ phiếu này sẽ được thị trường nhìn nhận lại, qua đó tiến tới sự phân hóa riêng tại nhóm cổ phiếu bất động sản này.

"Sẽ là vội vàng để nói rằng cổ phiếu bất động sản đã không còn hấp dẫn, song đà tăng "nóng" như giai đoạn cuối năm 2021 sẽ khó tiếp diễn khi định giá đã ở mức cao. Những cổ phiếu "xấu", "tăng ảo" sẽ trở về đúng mặt bằng giá thực sự, nhưng những cổ phiếu có triển vọng thực sự có thể sẽ tiếp tục tăng giá khi dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào", vị Chuyên gia cho hay.

Ông Điệp cho rằng cổ phiếu bất động sản sẽ vẫn là dòng hấp dẫn, nếu nhà đầu tư có thể lựa chọn được những mã tốt thì kể cả mức giá đã tăng cao vẫn sẽ thu về thành quả rất khả quan.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên