MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu BCI rớt giá: Trong 1 tháng “bay” mất một nửa thành quả tăng của 4 tháng

BCI được biết đến là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại phía Tây Nam thành phố, nhưng do gặp phải vấn đề vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến việc triển khai dự án hiện gặp nhiều khó khăn.

Cuối tháng 9/2015, sau nhiều lời đồn đoán của thị trường trước động thái cơ cấu cổ đông tại CTCP Đầu tư Bình Chánh (mã chứng khoán: BCI) thì CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán KDH) đã chính thức tuyên bố trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp có quỹ đất sạch lớn nhất nhì Tp.Hồ Chí Minh này. Trong thời gian sau đó, KDH đã nâng tỷ lệ sở hữu tại BCI lên 57,3% và biến BCI thành công ty con của mình.

Kỳ vọng vào tương lai của Bình Chánh sau giá cổ phiếu BCI bền bỉ tăng trong 4 tháng và đạt đỉnh tại 25.900 đồng/cp – tương đương mức tăng 30%. Nhưng chỉ từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, giá cổ phiếu này liên tục đi xuống với trạng thái thanh khoản thấp, rớt 15%.


Diễn biến giá cổ phiếu BCI 6 tháng qua

Diễn biến giá cổ phiếu BCI 6 tháng qua

Kỳ vọng vào Bình Chánh đã không còn?

Áp lực từ các dự án chậm tiến độ

Báo cáo tài chính hợp nhất (đã soát xét) quý 2/2016 cho biết, doanh thu và LNST nửa đầu năm của BCI mới chỉ đạt lần lượt 24% và 20% kế hoạch đề ra cả năm, tương ứng 100 tỷ đồng doanh thu và 24 tỷ đồng LNST. Theo Ban lãnh đạo BCI thì nguyên nhân chính đến từ việc triển khai chậm các dự án trọng điểm khu vực huyện Bình Chánh và sự giảm sút lãi từ BigC An Lạc.

Cụ thể, tại dự án Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, việc chuyển hình thức thu tiền từ thu hàng năm sang thu tiền 1 lần cho toàn thời gian còn lại đang trong giai đoạn đàm phán tái kỳ hợp đồng thuê mới nên chưa có doanh thu tại thời điểm này.

Trong nửa cuối năm 2016, doanh thu của BCI từ mảng bất động sản nhà ở, khu công nghiệp vẫn chưa sáng sủa do vướng phải các thủ tục pháp lý. Với tỷ lệ sở hữu tại BigC An Lạc tiếp tục duy trì ở mức 20%, lợi nhuận từ công ty liên kết này được kỳ vọng có thể ghi nhận kết quả tốt hơn vào thời điểm cuối năm do tính chất mùa vụ, nhưng cũng không quá khả quan do đây vẫn là giai đoạn đầu tái cấu trúc hoạt động của BigC Việt Nam.

Đối với các khoản lợi nhuận đột biến được nhà đầu tư cho rằng có thể đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh 2016 (tương tự năm 2015) như lợi nhuận từ việc bán đất 2 lô 158 An Dương Vương và 510 Kinh Dương Vương, doanh nghiệp cũng cho biết chưa có kế hoạch cụ thể. Do đó BCI sẽ rất khó để hoàn thành được kế hoạch đề ra cho năm 2016.

Cần thời gian cho việc giải quyết các thủ tục pháp lý

BCI được biết đến là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại phía Tây Nam thành phố, nhưng do gặp phải vấn đề vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến việc triển khai dự án hiện gặp nhiều khó khăn. BCI cho biết sẽ có những biện pháp cụ thể để giải quyết các vướng mắc về pháp lý, thúc đẩy các dự án mới đưa sản phẩm ra thị trường, tuy nhiên cũng cần phải mất thêm khoảng 2-3 năm nữa triển vọng đóng góp doanh thu từ các dự án này nói riêng và hoạt động kinh doanh chung của toàn Công ty mới thực sự rõ ràng.

Có thể thấy, các vấn đề pháp lý chính là vướng mắc khó khăn nhất của doanh nghiệp này. BCI cùng với sự tham gia vào ban quản trị của KDH (sau khi trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 57%) được kỳ vọng là sẽ có nhiều thay đổi mới trong việc giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý, thúc đẩy tiến độ các dự án chậm triển khai, tuy nhiên kết quả thực tế vẫn còn phải chờ thời gian trả lời.

Cuối quý 2/2016, giá trị hàng tồn kho của BCI lên đến gần 2.223 tỷ đồng, chiếm tới hơn 67% tổng tài sản. Trước tình hình không mấy khả quan tại các dự án lớn hiện nay thì Công ty có khả năng sẽ phải tiến hành trích lập dự phòng theo quy định. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá trị sổ sách của doanh nghiệp.

Với một loạt những thông tin không khả quan như vậy, không khó hiểu khi giá cổ phiếu BCI èo uột như hiện nay.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên