MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu bia, hàng không: Hiệu ứng "Đại ca" lên sàn, "em út" lũ lượt tăng

Hiệu ứng lên sàn của các ông lớn đang mang lại tác động tích cực cho các cổ phiếu trong ngành bởi lẽ “nước lên, thuyền lên”. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bia và hàng không là những ngành đặc thù, có tiềm năng tăng trưởng rất lớn và đây là vấn đề mấu chốt thu hút sự chú ý từ giới đầu tư.

Trước kia, nhóm cổ phiếu bia, hàng không ít được giới đầu tư quan tâm dù hoạt động kinh doanh khá hiệu quả bởi tính thanh khoản thấp và có khá ít sự lựa chọn. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn trong thời gian gần đây khi các cổ phiếu bia, hàng không đã được giới đầu tư săn đón ráo riết và có mức tăng trưởng vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường.

Nổi sóng nhờ các "đại ca" lên sàn

Cuối tháng 8 vừa qua, những thông tin về việc Chính phủ đẩy mạnh quyết tâm thoái vốn kết hợp niêm yết trên TTCK với 2 đại gia ngành bia là Sabeco và Habeco đã khiến thị trường nổi sóng. Trên thị trường OTC, cổ phiếu Sabeco hiện đang được chào mua với mức giá 160.000 đồng, cao gấp đôi so với cách đây 3 tháng. Còn với Habeco (BHN), thị giá cổ phiếu hiện đang dao động quanh ngưỡng 100.000 đồng, cao gấp 2,5 lần giá chào sàn Upcom.

Không chỉ cổ phiếu các công ty mẹ như Sabeco, Habeco tăng mạnh mà các công ty con như WSB, SMB, BSP, SCD, HAT…cũng có nhịp tăng phi mã hàng chục phần trăm đã cho thấy sự kỳ vọng lớn từ giới đầu tư với ngành bia.

Tương tự nhóm bia, các cổ phiếu hàng không như SGN, NCT, SAS, NCS cũng bứt phá mạnh trong vài phiên giao dịch gần đây. Có lẽ, hiệu ứng từ việc TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lên sàn vào ngày 21/11 hay Vietnam Airlines chuẩn bị lên Upcom, VietJet Air có kế hoạch IPO trong thời gian tới đã khiến nhóm cổ phiếu hàng không dậy sóng.

Còn nhiều dư địa tăng trưởng

Có thể thấy, hiệu ứng lên sàn của các ông lớn đang mang lại tác động tích cực cho các cổ phiếu trong ngành bởi lẽ “nước lên, thuyền lên”. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bia và hàng không là những ngành đặc thù, có tiềm năng tăng trưởng rất lớn và đây là vấn đề mấu chốt thu hút sự chú ý từ giới đầu tư.

Như trường hợp ngành bia, Sabeco và Habeco hiện đang nắm giữ 60% thị phần bia Việt Nam, một thị trường màu mỡ, giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp. Riêng trong năm 2015, Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia và là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 Châu Á và nằm trong top 25 thế giới.

Tuy vậy, thống kê cho thấy mức tiêu thụ bia trên đầu người của Việt Nam hiện mới đạt 57,09 lít bia mỗi năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 92,07 lít của nhóm 25 nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, tập trung chủ yếu ở độ tuổi 15 – 54 (chiếm 61,91%) và đây là độ tuổi tiêu thụ bia nhiều nhất. Điều này cho thấy ngành bia Việt Nam còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.

Ngoài ra, tầng lớp trung lưu và giàu có tiếp tục tăng nhanh, dự báo sẽ tăng gấp đôi lên tới 33 triệu người, tương đương khoảng 1/3 dân số Việt Nam đến năm 2020. Việc thu nhập gia tăng nhanh chóng sẽ giúp tiêu thụ bia, đặc biệt phân khúc bia cao cấp tăng mạnh.

Bên cạnh đó, Sabeco, Habeco còn đang sở hữu hệ thống hàng chục nhà máy hiện đại, quy mô lớn. Các nhà máy này phần lớn nằm tại các công ty con, liên kết như WSB, SMB, BSP….Trong khi việc xin phép mở nhà máy bia mới hiện không hề dễ dàng và điều này càng khiến các doanh nghiệp bia trở nên hấp dẫn hơn.


Sabeco, Habeco chiếm 60% thị phần bia Việt Nam

Sabeco, Habeco chiếm 60% thị phần bia Việt Nam

Với nhóm hàng không, có thể thấy nhu cầu đi lại, du lịch bằng đường hàng không ngày càng trở nên phổ biến và điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành. Số liệu từ Tổng cục du lịch cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2016, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng vọt lên 6,78 triệu lượt, vượt qua con số trong cả năm 2015.

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam hiện là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, ước tính của một CTCK top đầu trên thị trường cho rằng lượng hành khách và hàng hóa sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lần lượt là 13,9% và 10% trong vòng 5 năm tiếp theo. Hiện tại, ngành hàng không của Việt Nam vẫn trong giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng và sẽ còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.

Ngoài việc các "đại ca" trong ngành lên sàn và trở thành hàng hóa chất lượng cao trong mắt nhà đầu tư thì nó cũng sẽ thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và nâng cao vị thế chứng khoán Việt Nam và tăng quy mô vốn cho toàn thị trường.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên