Cổ phiếu BID tăng kịch trần lập đỉnh mới, vốn hóa BIDV vượt mốc 300.000 tỷ đồng
Vốn hóa thị trường của BIDV tăng thêm 100.000 tỷ chỉ sau chưa đầy 4 tháng, lập kỷ lục hơn 303.000 tỷ đồng (~13 tỷ USD). Con số củng cố vững chắc vị trí số 2 sàn chứng khoán về vốn hóa của BIDV.
Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch cuối tuần đầy khởi sắc với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là BIDV (mã BID). Cổ phiếu này bất ngờ tăng kịch trần, qua đó leo lên lập đỉnh mới 53.200 đồng/cp. So với thời điểm bắt đầu nổi sóng hồi đầu tháng 11/2023, thị giá BID đã tăng gần 50%.
Vốn hóa thị trường của BIDV cũng theo đó tăng thêm 100.000 tỷ chỉ sau chưa đầy 4 tháng, lập kỷ lục hơn 303.000 tỷ đồng (~13 tỷ USD). Con số củng cố vững chắc vị trí số 2 sàn chứng khoán về vốn hóa của BIDV. Đây cũng là lần thứ 2 trong lịch sử có một ngân hàng chạm ngưỡng này. Trước đó là Vietcombank – cái tên giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa nửa triệu tỷ đồng.
Cổ phiếu BID tăng mạnh mang lại niềm vui không nhỏ cho cổ đông, trong đó có Keb Hana Bank. Với 15% cổ phần đang nắm giữ tại BIDV, khoản đầu tư này của nhà băng Hàn Quốc hiện có giá trị thị trường lên đến 45.500 tỷ đồng (~2 tỷ USD). Ước tính, Keb Hana Bank đang "tạm lãi" hơn 1 tỷ USD sau hơn 4 năm làm cổ đông chiến lược tại BIDV chưa kể cổ tức tiền tươi đã "bỏ túi".
Từ sau khi Keb Hana Bank trở thành cổ đông chiến lược năm 2019, BIDV đã liên tục tăng trưởng mạnh. Năm 2023, ngân hàng lãi trước thuế hợp nhất 27.600 tỷ đồng, tăng 20,6% so với thực hiện năm 2022. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận của nhà băng này vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Với mức lợi nhuận này, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big 4, chỉ sau Vietcombank (hơn 41.000 tỷ đồng).
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản BIDV đạt 2,3 triệu tỷ đồng; tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng TMCP có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Tiền gửi khách hàng đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 15,7%. Cho vay khách hàng đạt 1,78 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,8% so với đầu kỳ. Tại thời điểm cuối năm, nợ xấu của BIDV ở mức 22.229 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tương ứng ở mức 1,25%.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, BIDV cho biết dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, dự kiến tăng 14%; Huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức ≤1,4%...
Trong báo cáo phân tích công bố hồi tháng 12/2023, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết câu chuyện phát hành riêng lẻ vẫn đang được BIDV xúc tiến sang năm 2024. Ngân hàng đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cho nhà đầu tư. Thời gian qua, BIDV nỗ lực thực hiện, đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong nước không thuận lợi đã làm giảm nhu cầu. BIDV sẽ làm việc với NHNN, các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp nhất.
Đời sống Pháp luật