Cổ phiếu các ngân hàng phục hồi sau đà bán tháo: Nỗi sợ đã bị "đánh bay" sau vụ giải cứu lịch sử Credit Suisse
Cổ phiếu các ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đã tăng trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi Credit Suisse bán mình cho UBS dưới sự bảo trợ của Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ.
- 20-03-2023Hai diễn biến tích cực trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng ngân hàng toàn cầu
- 20-03-2023Dow Jones tăng 200 điểm khi các nhà đầu tư hy vọng vụ giải cứu lịch sử Credit Suisse sẽ ngăn khủng hoảng tiềm ẩn với lĩnh vực ngân hàng
- 20-03-2023Cổ phiếu HSBC bị bán mạnh tại Hồng Kông vì lo ngại những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng
- 20-03-2023Nhà Trắng tìm đến Warren Buffett, người từng giải cứu những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ
Trong một thỏa thuận được chống lưng bởi các cơ quan quản lý Thụy Sĩ, UBS Group AG đã đồng ý trả 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,2 tỷ USD) để mua lại Credit Suisse AG. Ngân hàng 167 năm tuổi từng có giá trị vốn hóa đỉnh là 90 tỷ USD.
Thương vụ mua lại này đã xóa tan những lo ngại trên thị trường tài chính Mỹ và châu Âu, giúp các cổ phiếu Ngân hàng có thể phục hồi trở lại sau suốt nhiều ngày bị bán tháo vì những vấn đề liên quan tới ngành ngân hàng toàn cầu.
Dù giảm đầu phiên nhưng cổ phiếu các ngân hàng tại châu Âu đã tăng trở lại. Trong khi đó, Citigroup và JPMorgan Chase của Mỹ lần lượt tăng 2,7% và 2,6%.
“Tin tốt đang nhiều hơn tin xấu trong lĩnh vực ngân hàng. Đầu tiên và quan trọng nhất chính là sự hợp nhất giữa Credit Suisse và UBS, giúp xóa bỏ nhiều mối nguy tiềm tàng với hệ thống tài chính toàn cầu”, Art Hogan, lãnh đạo cấp cao tại B. Riley Wealth, cho biết.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách từ Washington tới châu Âu đều khẳng định rằng sự hỗn loạn hiện tại khác xa với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước khi mà các ngân hàng có nguồn lực tài chính vững chắc hơn cùng khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Ngoài ra, nhằm ngăn chặn những vấn đề hiện hữu thổi bùng một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn, các ngân hàng trung ương cũng đã ngay lập tức cam kết tăng cường bơm thanh khoản bằng đồng USD để ổn định hệ thống tài chính toàn cầu.
Lần đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết họ đã tham gia cùng Ngân hàng Trung ương Canada, Anh, Nhật Bản, EU và Thụy Sĩ trong một nỗ lực chung nhằm tăng cường thanh khoản cho thị trường.
Việc tăng lãi suất không ngừng của FED nhằm dập tắt lạm phát được coi là yếu tố tây ra sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature vài ngày trước. Tuy nhiên, trước những biến cố này, nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng FED có thể sẽ làm chậm, hoặc tạm dừng việc tăng lãi suất trong kỳ họp dự kiến kết thúc ngày 22/3 nhằm đảm bảo sự ổn định trong lĩnh vực tài chính.
Tuy nhiên, niềm vui không dành cho tất cả các ngân hàng ở Mỹ. Những quan ngại xung quanh số phận của Ngân hàng First Republic tiếp tục khiến cổ phiếu của nó bị bán tháo. Trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu này giảm 47,11%, tụt xuống còn 12,18 USD/cổ phiếu. Trong 5 ngày giao dịch gần nhất, cổ phiếu này đã mất 75,5% giá trị.
Cú bán tháo diễn ra sau khi S&P Global tiếp tục hạ bậc xếp hạng tín dụng của Ngân hàng First Republic, nói rằng việc các ngân hàng hàng đầu nước Mỹ bơm 30 tỷ USD có thể không giải quyết được các vấn đề với thanh khoản của ngân hàng này.
Tuy nhiên, Ngân hàng First Republic có lẽ là cái tên hiếm hoi tiếp tục bị bán tháo. Trong khi cổ phiếu các ngân hàng danh tiếng hàng đầu tăng vài phần trăm, PacWest Bankcorp (PACW.O) đã tăng 17% sau khi tuyên bố dòng tiền gửi đã ổn định và tiền mặt sẵn có của họ vượt quá số tiền gửi mà không có bảo hiểm.
Tham khảo: Reuters
Nhịp sống Thị trường