MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu chứng khoán dậy sóng: Đâu là những lý do để "xuống tiền"?

Cổ phiếu chứng khoán dậy sóng: Đâu là những lý do để "xuống tiền"?

Có vẻ như, cổ phiếu chứng khoán sau khi bị lãng quên suốt cả năm ròng thì đã bắt đầu phát đi tín hiệu bứt phá về giá và khối lượng, báo hiệu một con sóng mới có thể đang bắt đầu.

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, nhóm cổ phiếu chứng khoán bất ngờ thăng hoa với sắc tím hiện diện trên nhiều cổ phiếu. Có vẻ như, cổ phiếu chứng khoán sau khi bị lãng quên suốt nhiều năm ròng thì đã bắt đầu phát đi tín hiệu bứt phá về giá và khối lượng. Đối với những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, giá-khối lượng cùng phát đi tín hiệu thì thường đồng nghĩa với việc một con sóng mới có thể đang hình thành. Họ cho rằng, có ít nhất 6 lý do nên suy nghĩ để quyết định có "xuống tiền' hay không đối với nhóm cổ phiếu này.

Cổ phiếu chứng khoán dậy sóng: Đâu là những lý do để xuống tiền? - Ảnh 1.

Điểm danh những cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh phiên 8/12/2020

Thứ nhất: 2020 là năm công ty chứng khoán chắc chắn sẽ bội thu doanh thu môi giới chứng khoán. Thật vậy, thống kê cho thấy khối lượng và giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng vọt gần gấp đôi so với năm ngoái. Đi kèm với giá trị giao dịch đương nhiên sẽ là khoản thu phí hoa hồng môi giới đổ về các công ty chứng khoán.

Tâm lý "ăn xổi", đầu tư "kiểu T+3" của nhóm đầu tư mới giúp cho vòng quay trên thị trường chứng khoán nhanh hơn bao giờ hết. Đương nhiên, kẻ được hưởng lợi là công ty chứng khoán đang ở giữa và thu phí giao dịch.

Tất nhiên, năm 2020 cũng là năm mà công cuộc cạnh tranh giảm phí lên đến đỉnh điểm nhưng dù có giảm mạnh phí thế nào đi nữa, con số giá trị giao dịch tăng khủng khiếp cũng tạo ra kỳ vọng các công ty chứng khoán thu bộn tiền phí và góp phần không nhỏ vào kết quả kinh doanh của công ty.

Thứ hai: Thu lãi margin. Số lượng nhà đầu tư mới (F0) trên thị trường chứng khoán đã mang theo lượng tiền 'khổng lồ' lên sàn. Nhưng, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán không chỉ là "tiền thịt-tiền thật" của nhà đầu tư mà còn là tiền đòn bẩy của các công ty chứng khoán. 

Với quy chế dễ vay, dễ trả của hoạt động cho vay margin hiện hành, nhà đầu tư mặc sức dùng tiền của công ty chứng khoán để giao dịch trên thị trường chứng khoán, cố gắng thu lợi nhiều nhất cho bản thân. 

F0 đương nhiên chưa đủ "già kinh nghiệm" để tính toán ra được số tiền lãi margin mà họ phải trả cho công ty chứng khoán và họ cũng không quan tâm nhiều. Nếu thị trường chứng khoán cứ tăng không ngừng nghỉ, tài khoản tăng mấy chục phần trăm mỗi vụ trade nhanh thì đương nhiên họ cũng chẳng cần quan tâm mức lãi 10-14%/năm của lãi suất đi vay.

Thứ ba: Hàng loạt ngân hàng kéo nhau lên sàn chứng khoán. Ngân hàng vốn dĩ có số lượng cổ đông lớn trong đó có cán bộ công nhân viên của ngân hàng. Làn sóng ngân hàng kéo nhau lên sàn niêm yết cũng kéo theo một lượng nhà đầu tư mới kèm dòng tiền mới cho thị trường chứng khoán. Không những thế, làn sóng này cũng mang theo những nhà đầu tư "giàu có" lên thị trường và những nhà đầu tư này làm việc lâu năm trong ngành tài chính nên họ hiểu, khi lãi suất tiền gửi đang ngày càng thấp dần thì lấy "của để dành" lâu năm lên sàn chứng khoán một thể cùng với làn sóng ngân hàng niêm yết là chuyện...dễ hiểu.

Thứ tư: Tự doanh. Nếu như những năm trước, tự doanh khiến nhiều công ty chứng khoán "lên bờ xuống ruộng" vì ai cũng có thể đầu tư sai, kể cả công ty chứng khoán thì năm nay tình hình có phần sáng sủa hơn khi các công ty chứng khoán hầu hết đều thay đổi chiến thuật. Cùng với việc tư vấn cho "ông nọ, ông kia" lên sàn thì việc nắm giữ cổ phiếu của "ông nọ, ông kia" từ giai đoạn còn sơ khai và rồi, cứ cổ phiếu nào lên sàn cũng tăng trần nhiều phiên liên tiếp đã giúp cho "túi tự doanh" của nhiều công ty chứng khoán phình to ra. Nhiều công ty khả năng sẽ lãi rất đậm.

Không chỉ thế, các công ty chứng khoán là những bên nắm rõ nhất sức mạnh của dòng tiền mới. Mỗi ngày, có những công ty chứng khoán mở mới hàng trăm tài khoản và dòng tiền rót vào nên họ dễ dàng nhận thấy con sóng chứng khoán mạnh mẽ như thế nào. Đương nhiên, đa phần các công ty chứng khoán sẽ không bỏ lỡ cơ hội vàng này. 

Thứ năm: Bốn yếu tố kể trên đương nhiên tác động đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán và những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm đều có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, không phải lúc nào doanh nghiệp kinh doanh tốt cũng đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu sẽ tăng. Nhiều nhà đầu tư chỉ dựa vào 4 yếu tố trên đa phần đều trượt chân khỏi sóng chứng khoán hoặc nói đúng hơn là cố vào bắt sóng nhưng không bắt được và phải đành bán ra. Đã gần 3 năm nay, không có con sóng chứng khoán nào đủ lớn.

Tuy vậy, lần này có vẻ khác. Thống kê giao dịch cho thấy hoạt động mua, bán cổ phiếu chứng khoán đã rất sôi động kèm biển chuyển tăng giá xuất hiện ở nhiều cổ phiếu. Thậm chí, số cổ phiếu chứng khoán đạt khối lượng giao dịch hàng triệu cổ phiếu/phiên không phải là hiếm. 

Phiên giao dịch hôm nay cũng cho thấy, nhà đầu tư đã khởi động dòng tiền cho nhóm cổ phiếu lâu nay vẫn im hơi lặng tiếng này. HCM, SSI, SHS đạt khối lượng giao dịch hàng triệu/chục triệu cổ phiếu cho thấy dòng tiền đã kích hoạt.

Thứ sáu: Giá cổ phiếu nhóm chứng khoán chưa tăng so với mặt bằng chung. Do bị lãng quên suốt nhiều năm, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán dường như đang khá rẻ so với những cổ phiếu đã tăng mạnh mẽ thời gian qua. Đây có thể là một động lực lớn để đánh giá liệu có hay không sóng giá cổ phiếu và nên hay không "xuống tiền" cho nhóm này.

Theo phân tích nhanh của một số chuyên gia tài chính, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã hội tụ đầy đủ những yếu tố lớn đang là trợ lực tăng giá cho nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường luôn luôn tồn tại những yếu tố bất ngờ không ai kiểm soát được nên việc bắt đáy là tùy thuộc nhận định của mỗi người. Ngoài ra, sau phiên tăng điểm bất ngờ hôm nay, hầu hết các cổ phiếu chứng khoán đã tăng trên 5% nên việc "đua lệnh" đương nhiên là rủi ro hơn những người đã bắt đúng thời điểm "vào tiên" ngày hôm nay.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên