Cổ phiếu chứng khoán liên tục bùng nổ, định giá liệu còn hấp dẫn?
Hàng loạt cái tên nổi bật như MBS, BSI, SSI, CTS, FTS, VND, AGR,...tăng kịch trần trong phiên 12/9.
Sau phiên giảm sâu, VN-Index hồi mạnh 22 điểm nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu chứng khoán. Sắc xanh bao phủ trên hầu hết các cổ phiếu nhóm này, mức tăng phổ biến từ 5% trở lên, thậm chí nhiều cái tên như MBS, BSI, SSI, CTS, FTS, VND, AGR,.. còn tăng kịch trần.
Giao dịch trên nhóm chứng khoán cũng rất sôi động với khối lượng khớp lệnh trên nhiều cổ phiếu lên đến hàng chục triệu đơn vị. Trong đó, đáng chú ý nhất là bộ đôi SSI và VND còn nằm trong top đầu thanh khoản toàn thị trường với lần lượt 37 triệu và 35 triệu cổ phiếu khớp lệnh. VIX cũng là một cái tên đáng chú ý khi khớp lệnh cao thứ hai toàn sàn với hơn 38 triệu đơn vị được “sang tay”.
Phiên bứt phá mạnh đã nối dài đà hồi phục của cổ phiếu chứng khoán thời gian qua. Tính từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu nhóm này đã tăng hàng chục %, thậm chí bằng lần. Đa phần những cái tên nổi bật như SSI, VND, VCI, HCM, MBS, SHS, VIX, FTS,… đều đã trở lại vùng đỉnh 12-18 tháng.
Đà tăng tốc của nhóm chứng khoán xuất hiện sau thông tin lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng đáng kể trong tháng 8. Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 190.000 tài khoản trong tháng 8/2023, tăng 25% so với lượng tài khoản mở mới trong tháng liền trước và là mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm, kể từ tháng 7/2022. Tính đến cuối tháng 8, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước vượt mốc 7,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng gần 8% dân số.
Bên cạnh đà tăng của số lượng tài khoản mở mới, thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây. Giá trị giao dịch bình quân trên HOSE tháng 8 vượt ngưỡng 22.000 tỷ đồng/phiên và là mức cao nhất trong 17 tháng kể từ tháng 4/2022. Tính đến ngày 12/9, thanh khoản khớp lệnh bình quân cũng tăng vọt lên sát ngưỡng 24.000 tỷ đồng/phiên.
Thị trường giao dịch sôi động phần nào đến từ lượng nhà đầu tư quay trở lại thị trường hoặc gia tăng sử dụng margin khi lãi suất dần hạ nhiệt. Nhiều dự báo cho rằng thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hút tiền khi các kênh đầu tư khác vẫn kém phần hấp dẫn.
Chứng khoán Yuanta cho rằng khoản tiền gửi có giá trị khoảng gần 500 nghìn tỷ đồng sắp đáo hạn trong khoảng tháng 6 đến tháng 12/2023 sẽ có khả năng dẫn vốn chảy vào kênh cổ phiếu trong những tháng cuối năm 2022. Nhóm phân tích giả định rằng 10% số tiền gửi trên sẽ chảy vào thị trường, tương đương khoảng 49.000 tỷ đồng.
Đồng quan điểm, Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng trong môi trường lãi suất thấp, chứng khoán sẽ là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất. Bắt đầu từ cuối quý 2, dấu hiệu tích cực đã thể hiện từ dòng vốn vào thị trường chứng khoán. VNDirect kỳ vọng vào sự tươi sáng cho các CTCK trong nửa cuối 2023, nhờ dòng tiền mạnh đổ vào thị trường và hoạt động cho vay bùng nổ trở lại.
Kỳ vọng hệ thống KRX vào cuối năm
Bên cạnh đó, kỳ vọng hệ thống giao dịch mới do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) được đi vào vận hành cuối năm 2023 cũng là “tin vui” cho các CTCK. Theo đó, hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ mang đến các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam như: giao dịch trong ngày (T+0), bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn (option contract)...; tạo tiền đề giải quyết các nút thắt để tiến tới được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi như: thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.
Giao dịch T+0 và được bán khống cổ phiếu sẽ là cú huých giúp TTCK phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, giao dịch T+0 có thể góp phần thu hút được lượng lớn các nhà đầu tư tham gia khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh. Đây cũng là yếu tố sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí để nâng hạng thị trường theo đánh giá của FTSE và MSCI.
Theo VNDirect, hệ thống KRX sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn, đồng thời giảm thời gian thanh toán từ T+1,5 như hiện nay, từ đó có thể thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn. Cùng với đó, hệ thống mới cũng sẽ giúp giải quyết các vấn đề cần thiết để được nâng cấp lên thị trường mới nổi.
Với những nỗ lực của cơ quan quản lý, các thành viên tham gia thị trường, triển vọng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm trở thành hiện thực trong tương lai gần. Điều này sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với TTCK Việt qua đó thu hút thêm nhiều dòng vốn ngoại, với dự báo vào khoảng 3,5 - 4 tỷ USD.
Định giá không còn quá hấp dẫn sau nhịp tăng nóng
Nhận định về nhóm cổ phiếu chứng khoán, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS cho rằng triển vọng lợi nhuận quý 3 của nhóm này vẫn sáng sủa hơn đáng kể nhờ gia tăng nguồn thu môi giới, cho vay margin, tự doanh. Lợi nhuận cải thiện kết hợp với kỳ vọng hệ thống KRX được triển khai, tiềm năng về nâng hạng thị trường giúp dòng tiền tại nhóm này sôi động.
Tuy nhiên, sau những nhịp tăng nóng, định giá nhóm chứng khoán hiện đang ở mức khá cao. Đa phần các CTCK đều có mức P/B trên 2 lần – có những trường hợp cá biệt đã lên 3 lần. Đây là mức định giá đã gần chạm đến thời điểm năm 2021.
“Khi thị trường thăng hoa, nhà đầu tư thấy giá nào cũng rẻ, song nếu nhìn nhận khách quan giá nhóm cổ phiếu chứng khoán đã tương đối đắt. Tất nhiên đắt không có nghĩa là không thể đắt hơn nữa, nhưng nhà đầu tư cần có phương pháp quản trị chặt chẽ.
Phiên giảm 55 điểm là cảnh báo cho nhà đầu tư đó là khi thị trường đi lên bằng dòng tiền với định giá đắt những nhịp điều chỉnh lớn có thể xuất hiện bất ngờ” , Kinh tế trưởng MBS nhận định.
Nhịp sống thị trường