Cổ phiếu công nghệ chưa hạ nhiệt, FPT nhấn ga lọt top 5 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam
Tính trên toàn sàn chứng khoán Việt Nam, giá trị của FPT hiện xếp thứ 7 sau Vietcombank, BIDV, PV Gas, Hòa Phát và 2 gã khổng lồ trên sàn UPCoM là Viettel Global, ACV.
Sau nhịp điều chỉnh ngắn, FPT đã nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo. Cổ phiếu này tăng hơn 3% phiên 28/5 lên mức 137.000 đồng/cp, áp sát đỉnh cũ. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt gần 174.000 tỷ đồng (~7 tỷ USD), tăng 42% so với đầu năm 2024 và giữ vững vị trí số 1 trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Đà bứt phá giúp FPT vượt qua Vingroup, Vinhomes qua đó lọt top 5 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam tính theo vốn hóa. Nếu tính trên toàn sàn chứng khoán, giá trị của FPT xếp thứ 7 sau Vietcombank, BIDV, PV Gas, Hòa Phát và 2 gã khổng lồ trên sàn UPCoM là Viettel Global, ACV.
Theo báo cáo phân tích mới đây của VNDirect, từ khi tin tức về mối quan hệ hợp tác với NVIDIA xuất hiện, giá cổ phiếu của FPT đã tăng vọt, với mức P/E hiện tại là 25,5x, cao nhất mọi thời đại. Thị trường đang phản ứng tích cực với câu chuyện bán dẫn, đặc biệt là khi các cổ phiếu liên quan đến chip bán dẫn đã được định giá lại mạnh mẽ trong những năm gần đây.
VNDirect đánh giá P/E của SOX vượt trội so với thị trường cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư và niềm tin vào câu chuyện bán dẫn. P/E của NVIDIA cũng đã tăng đáng kể trong năm 2023 do niềm tin của thị trường vào triển vọng tương lai của hãng, được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư chiến lược vào các ứng dụng hỗ trợ AI vượt xa chíp bán dẫn.
"Mặc dù đóng góp trực tiếp của bán dẫn hiện tại vào kết quả tài chính của FPT có thể không đáng kể, nhưng thị trường có thể sẵn sàng trả FPT một mức giá cao hơn và chờ đợi một câu chuyện xa hơn", báo cáo của VNDirect nhận định. Các câu chuyện liên quan đến chip bán dẫn đều khiến nhà đầu tư đánh giá công ty cao hơn.
Nhiều động lực tăng trưởng dài hạn
Ngoài sức nóng từ câu chuyện bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), cổ phiếu FPT còn được hỗ trợ bởi nền tảng cơ bản vững vàng với kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn 2 con số. Năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, FPT sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm trước.
4 tháng đầu năm, FPT ước đạt 18.989 tỷ đồng doanh thu và 3.447 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 20,6% và 19,7% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.932 tỷ đồng, cũng tăng 19,7% so với cùng kỳ 2023. Với kết quả đạt được, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam đã hoàn thành gần 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
FPT đã hợp tác với NVIDIA để thành lập một Nhà máy AI trị giá 200 triệu USD với hệ thống siêu máy tính GPU H100 của NVIDIA, nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển Trí tuệ nhân tạo và tăng cường phát triển ngành công nghệ bán dẫn, và có thể bao gồm việc sản xuất GPU tại Việt Nam. VNDirect dự kiến FPT sẽ có một vị trí trong ngành công nghệ bán dẫn toàn cầu và đạt dược hợp đồng quan trọng từ các đối tác đặc biệt là Mỹ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh thu dài hạn.
Trong khi đó, doanh thu dịch vụ CNTT toàn cầu được dự báo sẽ tăng 25% svck trong năm 2024, dẫn đầu bởi thị trường Nhật Bản và APAC cùng với sự phục hồi ở Mỹ và EU. VNDirect dự kiến doanh thu từ Nhật Bản của FPT sẽ tăng 33% svck, do nhu cầu mạnh mẽ, mở rộng thị phần thông qua các thương vụ M&A và giá cả cạnh tranh. APAC được dự báo tăng 30% do chuyển đổi sang các giải pháp đám mây và mở rộng tệp khách hàng. Thị trường Mỹ và EU dự kiến sẽ phục hồi ở mức 18% và 15% svck.
Với mảng giáo dục, CTCK này dự báo FPT sẽ duy trì mức tăng trưởng 17% trong năm 2024 do thiếu hụt nhân công CNTT tay nghề cao tại Việt Nam (trung bình 200.000 người). Để đáp ứng nhu cầu gia tăng, FPT đã triển khai hai chuyên ngành mới nhằm thu hút 30.000-50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030 và mở rộng các tòa nhà và cơ sở vật chất của Đại học FPT trên khắp năm cơ sở của trường. Công ty cũng tiếp tục mở cơ sở mới cho K-12 và cơ sở đào tạo nghề ở các tỉnh cấp 2 và cấp 3 vào năm 2024.
Về mảng viễn thông, trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ ra mắt tại Hồ Chí Minh (công suất 50-100MW vào cuối năm 2024/đầu năm 2025) để phục vụ dịch vụ mới về AI và Big Data, và 1 trung tâm ở Hà Nội cũng sẽ được xây dựng do nhu cầu sử dụng dữ liệu gia tăng. Theo VNDirect, FPT cũng tìm cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng cáp ngầm để có dung lượng dữ liệu cao, mục tiêu dự kiến tăng trưởng doanh thu 25-30% mỗi năm cho hoạt động kinh doanh cáp ngầm.
Đời sống Pháp luật