MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu của công ty con do EVN nắm 99% vốn lên đỉnh 13 tháng, vốn hóa tăng cả vạn tỷ từ đầu năm

Cổ phiếu của công ty con do EVN nắm 99% vốn lên đỉnh 13 tháng, vốn hóa tăng cả vạn tỷ từ đầu năm

Cổ phiếu này đã tăng hơn 50% từ đầu năm tương ứng vốn hóa thị trường có thêm 10.500 tỷ, đạt gần 31.000 tỷ đồng.

Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngành điện đã hạ nhiệt, PGV của Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3) lại bất ngờ bứt phá mạnh sau hơn một tháng đi ngang. Cổ phiếu này vừa có phiên tăng kịch trần với thanh khoản đột biến qua đó leo lên mức cao nhất trong vòng 13 tháng kể từ đầu tháng 6 năm ngoái.

So với thời điểm đầu năm, PGV đã tăng hơn 50% thị giá. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 10.500 tỷ trong hơn 6 tháng, lên gần 31.000 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn còn kém khá xa so với mức đỉnh cao (44.000 tỷ đồng) mà EVNGENCO3 từng chạm tới vào đầu tháng 2 năm ngoái.

Cổ phiếu của công ty con do EVN nắm 99% vốn lên đỉnh 13 tháng, vốn hóa tăng cả vạn tỷ từ đầu năm - Ảnh 1.

EVNGENCO3 đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM từ tháng 3/2018 nhưng gần như không tạo được dấu ấn nào đáng kể. Đến cuối năm 2020, PGV mới bắt đầu “nóng máy” và thực sự nổi sóng từ tháng 9/2021 với kế hoạch chuyển niêm yết sang HoSE. Chỉ sau khoảng 4 tháng, thị giá PGV tăng hơn 2,5 lần qua đó leo lên lập đỉnh lịch sử. Sau khi chính thức chuyển sàn vào giữa tháng 2/2022, cổ phiếu này đã quay đầu trượt dài và đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá trước khi hồi phục trở lại vào cuối năm ngoái.

Đơn vị phát điện lớn hàng đầu thị trường

EVNGENCO3 là công ty con do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm đến 99,2% vốn. Với tổng công suất 6.565 MW ((Nhiệt điện khí, Nhiệt điện than, Thủy điện, Điện mặt trời) tại công ty mẹ và các đơn vị công ty con, công ty liên kết, EVNGENCO3 hiện là nhà phát điện lớn nhất, nhì trên thị trường (không kể EVN), chiếm khoảng 8,4% công suất toàn hệ thống. Sản lượng điện sản xuất năm 2022 đạt 32,242 tỷ kWh, chiếm khoảng 12% tổng sản lượng điện quốc gia.

EVNGENCO3 quản lý nhiều nhà máy điện lớn trực thuộc gồm Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Mông Dương 1, Thủy điện Buôn Kuốp, Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 với tổng quy mô công suất 5.485 MW và EVNGENCO3 Power Service - đơn vị chuyên thực hiện dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện.

Tổng công ty đang sở hữu hai công ty con với tỷ lệ trên 50% đều đang niêm yết cổ phiếu trên sàn gồm Nhiệt điện Bà Rịa (79,56%) và Nhiệt điện Ninh Bình (54,76%). Ngoài ra, EVNGENCO3 cũng nắm giữ trên 30% vốn tại 03 Công ty liên kết gồm Thuỷ điện Thác Bà, Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh và CTCP Đầu tư và Phát triển Điện Sê San 3A.

Cổ phiếu của công ty con do EVN nắm 99% vốn lên đỉnh 13 tháng, vốn hóa tăng cả vạn tỷ từ đầu năm - Ảnh 2.

Năm 2023, EVNGENCO3 đặt mục tiêu sản lượng điện công ty mẹ là 28,725 tỷ kWh, tăng nhẹ 2,08% so với kết quả thực hiện năm 2022. Kế hoạch doanh thu công ty mẹ tương ứng hơn 48.400 tỷ đồng, tăng 4,2% so với thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá) dự kiến đạt 2.068 tỷ đồng, giảm 6,2%. Trong đó, lợi nhuận từ điện (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá) chiếm 80%, tương ứng 1.976 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của EVNGENCO3, đại diện tổng công ty đã công bố kết quả kinh doanh ước 5 tháng đầu năm, với doanh thu 22.160 tỷ đồng đạt 46% kế hoạch năm và tăng 29% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.239 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm. Tính đến hết ngày 31/5/2023, sản lượng điện công ty mẹ sản xuất được 12,28 tỷ kWh, vượt 4,7% kế hoạch 5 tháng và 42% kế hoạch năm 2023, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hưởng lợi từ El Nino

Theo VCBS, El Nino sẽ tạo ra môi trường kinh doanh tốt cho EVNGENCO3 khi nhiệt điện chiếm gần 90% tổng sản lượng điện của tổng công ty. Kết quả kinh doanh của EVNGENCO3 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay do các nhà máy đều đóng vai trò chạy nền và thường được vận hành ở công suất cao.

Các nhà máy Phú Mỹ nằm ngay trung tâm phụ tải ở khu vực phía Nam và hiện mực nước hồ thủy điện ở mức rất thấp nên sẽ gây thiếu hụt sản lượng trong mùa khô. Nhiệt điện Mông Dương tại miền Bắc cũng sẽ được hưởng lợi khi hàng loạt các dự án chậm tiến độ và miền Bắc đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong mùa khô. VCBS dự phóng tổng sản lượng của EVNGENCO3 sẽ đạt mức 30,532 tỷ kWh (+6,3% so với cùng kỳ) trong năm 2023.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh có tác động tích cực đến các nhà máy điện than của Giá than nhập khẩu và giá khí đốt Phú Mỹ. VCBS kỳ vọng giá than sẽ khó có thể lấy lại đà tăng mạnh trước đó khi nhu cầu giảm mạnh từ EU. Giá thành sản xuất của EVNGENCO3 giảm mạnh nên có thể được phân bổ sản lượng cao hơn. Các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ được ưu tiên cung cấp khí ổn định hơn so với các nhà máy khác như NT1 và NT2 giúp nhà máy được vận hành liên tục và ổn định hơn.

Cổ phiếu của công ty con do EVN nắm 99% vốn lên đỉnh 13 tháng, vốn hóa tăng cả vạn tỷ từ đầu năm - Ảnh 3.

Mặt khác, áp lực tỷ giá cũng sẽ hạ nhiệt. EVNGENCO3 còn 35.397 tỷ đồng dư nợ vay bằng USD với lãi suất thả nổi Libor chủ yếu để phục vụ đầu tư các nhà máy điện. Nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn đang có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ, do đó VCBS dự báo mức mất giá của VND so với USD có thể dưới 3% trong năm nay.

Trong điều kiện thuận lợi, VCBS cho rằng, EVNGENCO3 sẽ tăng trưởng tốt do không còn phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá lớn trong năm nay. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của tổng công ty sẽ bị tác động bởi chi phí lãi vay tăng cao, toàn bộ các khoản vay của EVNGENCO3 đều có lãi suất thả nổi trong bối cảnh lãi suất Libor đã tăng mạnh lên hơn 5% so với mức 2% cùng kỳ.

Cổ phiếu của công ty con do EVN nắm 99% vốn lên đỉnh 13 tháng, vốn hóa tăng cả vạn tỷ từ đầu năm - Ảnh 4.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên