Cổ phiếu DDG chia đôi, vốn hoá “bốc hơi” 1.300 tỷ sau vài phiên, doanh nghiệp nói gì?
Đà giảm chưa từng thấy trong lịch sử niêm yết của DDG đã đẩy cổ phiếu này rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm kể từ tháng 4/2021.
- 16-04-2023Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Cổ phiếu Penny vẫn áp đảo, "quán quân" EPS liên tiếp tăng kịch trần trước thềm chia cổ tức tiền mặt 350%
- 16-04-2023Cổ phiếu doanh nghiệp cung ứng hệ thống cho các dự án của Heineken, Biwase bỗng chốc "bốc hơi" 40% chỉ sau 5 phiên
CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex – mã DDG) vừa có văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp (10-14/4/2023).
DDG cho biết, công ty hiện đang sản xuất kinh doanh bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. “Giá cổ phiếu giảm do diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Giá cổ phiếu giảm do cung cầu của thị trường và nằm ngoài sự kiểm soát của công ty” , văn bản của DDG nhấn mạnh.
Trên thị trường, cổ phiếu DDG vẫn chưa ngừng rơi khi tiếp tục giảm sàn phiên thứ 7 liên tiếp với dư bán gần 7 triệu đơn vị (cập nhật tại thời điểm 10h ngày 18/4). Như vậy, chỉ sau hơn một tuần giao dịch, cổ phiếu này đã chia đôi thị giá, vốn hoá cũng theo đó “bốc hơi” 1.300 tỷ đồng. Đà giảm chưa từng thấy trong lịch sử niêm yết của DDG đã đẩy cổ phiếu này rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm kể từ tháng 4/2021.
Từ sau khi lên sàn cuối năm 2018, DDG gần như chỉ tăng mà không có nhịp điều chỉnh nào thực sự đáng kể. Ngay cả trong giai đoạn thị trường chứng khoán liên tục gặp sóng gió trong năm 2022, cổ phiếu này vẫn âm thầm đi lên và liên tục lập đỉnh mới. Vì thế, cú trượt chân lần này có thể phần nào gây sốc cho giới đầu tư cũng như cổ đông.
DDG tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Thành được thành lập ngày 25/6/2010 vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Sau 2 lần tăng vốn vào tháng 9/2015 và tháng 9/2016 nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, vốn điều lệ của công ty được nâng lên mức 120 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của DDG đã xấp xỉ 600 tỷ đồng, gấp 5 lần thời điểm mới chào sàn. Cơ cấu cổ đông khá loãng với 96,5% cổ phần nằm trong tay các cá nhân nhưng chỉ có 2 cổ đông lớn là ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT nắm 6,48% và bà Trần Kim Sa - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc nắm 6,39%.
Liên tục tăng vốn nhưng sau hơn 5 năm lên sàn, DDG lại chưa một lần chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông dù kết quả kinh doanh liên tục tăng. Năm 2022, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu đạt 975 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 44,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 7% so với cùng kỳ.
Năm 2023, DDG lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu 1.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 11% và 27% so với thực hiện năm ngoái. Nếu hoàn thành mục tiêu đề ra, DDG sẽ tiếp tục phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận. Dù vậy, DDG đánh giá năm nay vẫn còn nhiều thách thức với nền kinh tế nói chung và ngành năng lượng nói riêng.
Nhịp Sống Thị Trường