MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu dệt may: TCM đã trở lại đường đua, TNG đang chớm tăng

Trong những tháng đầu năm 2017, TCM trở thành điểm sáng của ngành dệt may khi tăng giá rất mạnh trong bối cảnh chung vẫn tương đối ảm đảm. Mặt khác, TNG cũng đang có tín hiệu bứt phá trong thời gian gần đây.

Chỉ mình TCM lội ngược dòng

Nếu như năm 2016 cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may – ĐT – TM Thành công (HOSE: TCM) là cơn ác mộng của nhà đầu tư khi liên tục lao dốc thì những tháng đầu năm 2017 lại là một hiện tượng nóng trên thị trường. Tính từ mức thấp nhất 13.800 đồng/CP phiên 14/12/2016, cổ phiếu TCM đã tăng 114% lên mốc 29.650 đồng/CP (phiên ngày 16/05/2017). Tại mức giá này, cổ đông TCM nếu kiên trì nắm giữ thì gần như lấy lại được những gì đã mất trong năm 2016.

Đà tăng giá của TCM có lẽ đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc trong thời gian gần đây. Theo BCTC hợp nhất quý I/2017, TCM ghi nhận doanh thu tăng nhẹ đạt 775 tỷ đồng, song việc giá vốn giảm đã đẩy lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh 48%. Nhờ chi phí nhân công cùng chi phí khấu hao giảm đáng kể, lãi ròng của cổ đông công ty mẹ đạt hơn gấp đôi cùng kỳ năm trước với 47,7 tỷ đồng.

Theo như chia sẻ của Ban lãnh đạo TCM tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 thì nguyên nhân lãi quý I tăng đột biến là nhờ nhà máy đã giảm lỗ từ 600.000 USD (quý I/2016) xuống còn khoảng 300.000 USD. Đồng thời mảng sợi tuy chưa tạo ra nhiều lợi nhuận nhưng có cải thiện và doanh thu mảng áo đạt mức cao nhất từ trước đến nay 10.000 USD.

Ban lãnh đạo TCM kỳ vọng nhà máy Thành Công – Vĩnh Long sau gần 2 năm đi vào hoạt động (từ tháng 7/2015) đã bắt đầu giảm lỗ và ngày càng có hiệu quả cao hơn, cùng chi phí khấu hao giảm dần sau giai đoạn đầu tư ban đầu của một nhà máy mới. Vậy nên, kế hoạch kinh doanh năm 2017 mà Công ty đề ra tăng trưởng khá mạnh về lợi nhuận ròng với 177 tỷ đồng, tăng 54% trong khi doanh thu 3.315 tỷ, tăng nhẹ 8%.

Một điểm khá nóng được cho là nhân tố không kém phần quan trọng đẩy giá cổ phiếu TCM là việc cổ đông Công ty đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 phương án tăng room ngoại từ 49% lên 100%. Là doanh nghiệp lớn trong ngành luôn kín room ngoại thì đây là động lực tăng giá không hề nhỏ cho TCM.

Ngoại trừ TCM thì hầu hết các cổ phiếu dệt may khác như EVE của CTCP Everpia, GIL của CTCP SXKD và XNK Bình Thạnh, GMC của CTCP SX-TM Sài Gòn, TET của CTCP Vải sợi may mặc miền Bắc,… đều đang lình xình đi ngang cùng kết quả kinh doanh không mấy nổi trội hay thậm chí là sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, GIL ghi nhận lãi ròng quý I/2017 đạt mức tương đương cùng kỳ năm trước 33,4 tỷ đồng dù doanh thu thuần tăng khá mạnh 33% với 515,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá vốn tăng mạnh hơn 40% và chi phí bán hàng đội thêm hơn 7 tỷ đồng. Còn Everpia công bố BCTC hợp nhất quý I/2017 với doanh thu tương đương cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận ròng giảm 36% còn 9 tỷ đồng do đẩy mạnh hoạt động quảng cáo khiến chi phí bán hàng, chi phí quản lý tăng cao.

Tuy quý vừa qua GMC ghi nhận mức lãi ròng 12,9 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước nhưng chủ yếu là do hoạt động khác có lãi gần 13 tỷ đồng (chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đất thuê) và tài sản gắn liền với đất tại 332 Lũy Bán Bích) trong khi hoạt động kinh doanh chính của Công ty chỉ đem về khoản lãi thuần 5,3 tỷ đồng, bằng 43% cùng kỳ năm trước.

Hai “ông lớn” ngành dệt may trên thị trường UPCoM là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) và Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG) thì đang bình bình với mức lãi ròng của cổ đông công ty mẹ VGTgiảm 25% trong khi VGG tăng nhẹ 5%, ghi nhận 75 tỷ đồng và 80 tỷ đồng trong quý I/2017. Đồng thời giá cổ phiếu giao động trong biên độ hẹp qua 5 tháng đầu năm, VGT là 12.000 – 13.000 đồng/CP và VGG là 60.000 – 63.000 đồng/CP.

Ở mảng bông sợi, các doanh nghiệp tiêu biểu như CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM), CTCP Damsan (HOSE: ADS) hay CTCP Mirea (HOSE: KMR) cũng chưa cho thấy biểu hiện phục hồi giá cổ phiếu.

Đặc biệt nhất là STK, dù công bố kết quả kinh doanh quý I rất khả quan với doanh thu thuần đạt 447,5 tỷ đồng, tăng trưởng 71%; lãi ròng 25 tỷ đồng, gấp 8,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng giá cổ phiếu vẫn lình xình quanh mốc 18.000 đồng/CP, giảm 37% so với mức đỉnh cuối năm 2015 và tương đương thời điểm đầu năm 2017.

STK cho biết thị trường may mặc và ngành phụ trợ liên quan dần ổn định và trở nên tương đối thuận lợi hơn so với cùng kỳ 2016, nhất là vào tháng 3/2017 nên doanh số Công ty tăng khá cao dẫn đến lợi nhuận đột biến quý I/2017.

Hay ADS không kém cạnh với khoản lãi ròng 13,7 tỷ đồng quý I/2017, gấp 8 lần cùng kỳ năm trước. Theo Công ty, trong quý không thực hiện kinh doanh nguyên liệu như năm 2016 nên sản lượng bán hàng kéo doanh thu giảm nhẹ nhưng giá bán thành phẩm cao hơn 20-25% so với quý I/2016 và nhà máy sợi Eiffel đi vào hoạt động đã làm lợi nhuận gộp cùng lợi nhuận ròng cải thiện mạnh. Dẫu vậy, giá cổ phiếu ADS vẫn duy trì mức trên 20.000 đồng/CP, không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, phải nói thêm rằng ADS và GIL là hai cổ phiếu hiếm hoi tăng giá trong năm 2016 – một năm ảm đạm của cổ phiếu ngành dệt may.

Ngôi sao đang lên TNG?

Trong thời gian gần đây, trước thông tin Hiệp định thương mại tự do châu Á Thái Bình Dương (TPP) có khả năng hồi sinh mà không có Mỹ, nhiều cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng giá. Song, tăng mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, suốt hơn 5 tháng dập dình lên xuống cổ phiếu TNG đã có nhiều phiên bứt phá gần đây để lên mốc trên 15.000 đồng/CP, mốc cao nhất kể từ đầu năm tới nay.

Sau TCM thì TNG là đơn vị dệt may thứ hai được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nếu TPP chính thức có hiệu lực bởi TNG đã bước đầu xây dựng được chuỗi cung ứng để được hưởng lợi về thuế suất sau khi TPP được ký kết (có nhà máy sản xuất bông).

Mặc dù giá cổ phiếu TNG năm 2016 giảm dần đều nhưng thực tế hoạt động kinh doanh vẫn ghi nhận bước tăng trưởng nhất định với doanh thu thuần 1.887 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước và lãi ròng 81,1 tỷ đồng, tăng trưởng 14%.

Mục tiêu cho cả năm 2017 của TNG là doanh thu 2.200 tỷ đồng, tăng 16,5% và lợi nhuận đạt 115 tỷ đồng, tăng trưởng 18%. Kết quả kinh doanh quý I/2017, Công ty ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ với doanh thu thuần tăng 12% đạt 401 tỷ đồng; lãi ròng tăng 4% đạt 14,5 tỷ đồng.

Công ty cho biết hiện nay, phần lớn doanh thu vẫn đến từ mảng gia công, FOB cho các thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, Công ty đã và đang xây dựng thương hiện thời trang TNG do chính đơn vị thiết kế, kinh doanh và đã có chỗ đứng nhất định trong làng thời trang tại miền Bắc. Trong chiến lược đến năm 2020, TNG đặt mục tiêu phần thương hiệu “made in TNG” sẽ chiếm từ 20 – 30% tổng doanh thu đem lại. Thị trường chính của Công ty vẫn là xuất khẩu nhưng đang từng bước tăng dần tỷ lệ doanh thu nội địa lên 10 – 15% từ nay cho đến hết năm 2017.

Tín hiệu tốt nhưng chưa bền vững

Nhận định về bối cảnh chung của ngành, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) cho rằng ngành dệt may Việt Nam (DMVN) quý I/2017 đã đón nhận những tín hiệu tốt hơn mặc dù chưa thể nói là bền vững. Với 6,75 tỷ USD kinh ngạch xuất khẩu thì Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đặc biệt của quý I/2017đó là tăng trưởng ở các thị trường truyền thống không cao, thị trường Mỹ và EU chỉ tăng khoảng 6,3% - 6,4%.Tuy nhiên, tại nhiều thị trường mới đã có những tín hiệu rất tốt, trong đó Liên minh Kinh tế Á - Âu có tốc độ tăng trưởng vào Nga tăng 115%; đối với thị trường AEC đã có tốc độ tăng ở 6 thị trường, cụ thể: Thái Lan 17%, Indonesia 11%, Singapore 38%, Lào 24,5%, Campuchia 36% và Myanma 5%. Một trong những khách hàng truyền thống từ trước đến nay VN vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đó là Hàn Quốc với tốc độ tăng 14% ở quý I. Ngoài ra, có 2 quốc gia là Braxin và Ấn Độ có mức tăng trưởng rất tốt, lên đến 34%.

Thêm vào đó là điểm đặc biệt về mặt hàng, với những mặt hàng truyền thống như áo thun, quần tiếp tục tăng trưởng tốt với tốc độ 13%-17%, veston tăng 15%, còn những mặt hàng như sơ mi, jacket chỉ tăng trưởng khoảng 1%.

Một số mặt hàng mới có tốc độ tăng trưởng tốt trong quý I đó là đồ bơi tăng 29%, quần áo mưa tăng 41%, quần áo gió tăng 18 lần và khăn tăng 31%. Việc có nhiều sản phẩm mới và nhiều cách tiếp cận thị trường đã và đang từng bước đem lại tốc độ tăng trưởng cao hơn, ổn định hơn và ít phụ thuộc hơn vào các thị trường truyền thống như các năm trước.

Theo Ngọc Điểm

NDH

Trở lên trên