Cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi heo đồng loạt bứt phá mạnh, có mã tăng gần 90% sau 4 tháng
Trước bối cảnh giá heo tăng cao, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi heo trên sàn chứng khoán "tranh thủ" đua nhau bứt phá.
- 08-08-2023BSC điểm tên 4 nhóm ngành tiếp tục hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ
- 08-08-2023Phiên 8/8: Khối ngoại bất ngờ chi gần 900 tỷ đồng mua một cổ phiếu ngân hàng
- 08-08-2023Nam ca sỹ Khánh Phương bất ngờ muốn bán sạch cổ phiếu công ty do vợ làm Chủ tịch
Giá heo hơi ngày 8/8 đồng loạt tăng cao ở nhiều địa phương trên toàn quốc, đặc biệt là tại khu vực miền Bắc với mức tăng lên tới 3.000 đồng/kg tại Thái Nguyên, Thái Bình và Tuyên Quang lên mức 63.000-64.000 đồng/kg cao nhất cả nước.
Theo thông tin từ Anova Feed, giá heo hơi hôm nay dao động ổn định quanh mức 59.800 đồng/kg. Với mức giá này, giá heo hiện đã hồi phục được gần 30% so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 3/2023.
Trước bối cảnh giá heo tăng cao, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi heo trên sàn chứng khoán cũng "tranh thủ" đua nhau bứt phá. Cụ thể, HAG của Hoàng Anh Gia Lai, BAF của Nông nghiệp BaF Việt Nam, PSL của Chăn nuôi Phú Sơn hay MML của Masan MEATLife đồng loạt tăng mạnh từ gần 2% tới 7% giá trị. Nổi bật, DBC của Tập đoàn Dabaco Việt Nam bật tăng hết biên độ với khối lượng giao dịch “khủng” đạt gần 15 triệu cổ phiếu.
Theo đà tăng của giá heo hơi từ hồi giữa tháng 4/2023, thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất thịt cũng hồi phục hàng chục % sau vài tháng. Đáng chú ý, DBC tăng mạnh nhất gần 86% sau 4 tháng, qua đó thiết lập mốc cao nhất trong vòng hơn 11 tháng.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi heo có lãi trở lại
Giá heo hồi phục trong nhiều tháng gần đây kéo theo việc các doanh nghiệp chăn nuôi bắt đầu có lãi mỏng trở lại sau quý đầu năm lợi nhuận tụt dốc trước đó.
Điển hình, doanh thu mảng nông nghiệp (bao gồm chăn nuôi) trong quý 2/2023 của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) vẫn giảm so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 64 tỷ – giảm hơn 41%. Dù vậy, con số này đã cải thiện đáng kể so với quý đầu năm.
Mặc dù doanh thu giảm nhưng điểm tích cực là Hòa Phát đã có lại trở lại 54 tỷ đồng, sau 2 quý thua lỗ trước đó. Hồi quý 1/2023, mảng nông nghiệp của HPG lỗ lớn nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động với 117 tỷ đồng, cũng là quý lỗ thứ 2 liên tiếp.
Với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) , doanh thu hợp nhất quý 2/2023 đạt 1.450 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu mảng chăn nuôi heo đạt khoảng 444 tỷ tăng 71% so với cùng kỳ. HAGL đã có lãi gộp trở lại ở mảng chăn nuôi heo với 55 tỷ đồng, mảng cây ăn trái đóng góp 135 tỷ đồng.
Tương tự, đối với Masan MeatLife (MML) , quý 2 năm nay doanh thu Công ty cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu MML tăng hơn 70% lên hơn 5.200 tỷ đồng. Trong đó, mảng heo trang trại đóng góp 500 tỷ doanh thu (tăng hơn 31% so với cùng kỳ), doanh thu thịt thương hiệu tăng lên 860 tỷ và doanh thu thịt chế biến tăng đáng kể lên 1.108 tỷ đồng.
Còn nhiều tiềm năng cho thị trường thịt heo tại Việt Nam
Theo nhiều chuyên gia, ngành chăn nuôi heo sau nhiều năm có giá bán thấp, thậm chí có thời điểm giá bán thấp hơn giá thành rất nhiều, hiện đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực trong trung hạn.
Trong báo cáo gần đây, CTCK VCBS đánh giá: “Giá thịt heo được kỳ vọng sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 8/2023 khi nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng trở lại. Nhờ đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được cải thiện từ 6-41% qua các năm”. Ngoài ra, lạm phát hạ nhiệt từ cuối tháng 3, VCBS cho rằng chi tiêu của người dân có thể sớm phục hồi.
Thống kê trong giai đoạn 2016-2022, người dân Việt Nam có xu hướng chuyển sang tiêu thụ các loại thịt cao cấp hơn như thịt bò, gia cầm và hải sản, giảm tiêu thụ thịt heo. Do thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng liên tục từ mức 2.761 USD/người năm vào năm 2016 lên 4.100 USD/người/năm vào năm 2022. Tuy nhiên, thịt heo vẫn là nguyên liệu cho nhiều món ăn truyền thống của người châu Á nên xu hướng giảm sẽ chững lại ở mức nhất định.
Nhìn xa hơn, tiềm năng cho thị trường thịt heo tại Việt Nam là còn nhiều. Theo dự báo của OECD, Việt Nam sẽ đứng thứ 2 Châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt heo, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030.
Fitch Solution cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2026 sẽ tăng lên 25%, cho đến năm 2026, tiêu thụ thịt heo bình quân ở Việt Nam là 31kg/người.
Nhịp sống thị trường