Cổ phiếu dược nổi sóng nhờ liều “doping” từ vắc xin COVID
Cổ phiếu dược tăng mạnh nhờ thông tin liên quan đến xắc xin
Ngoài vấn đề vắc xin hay thuốc điều trị COVID, câu chuyện thoái vốn và các thương vụ thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ đem lại làn gió mới cho các cổ phiếu dược.
- 27-08-2021VnIndex bất ngờ quay đầu tăng mạnh 12 điểm
- 27-08-2021Hai cổ đông lớn liên tục thoái vốn khỏi MHC trong 3 phiên giao dịch
- 27-08-2021HoSE: Có 65 mã không được cấp margin tính đến 24/8, đa phần thuộc diện cảnh báo như DXG, GTN, HAG, HNG, HVN, YEG…
Được xếp vào nhóm phòng thủ, các cổ phiếu dược thường ít được nhà đầu tư chú ý khi thị trường tăng mạnh nhưng lại được ưu tiên hơn trong giai đoạn thị trường không thuận lợi. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã tạo thêm nhiều câu chuyện xoay quanh ngành dược, đặc biệt liên quan đến xắc xin.
Vào đầu tháng 6, Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu xắc xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản xắc xin. Trong danh sách có một số doanh nghiệp đáng chú ý trên sàn chứng khoán như Dược phẩm Bến Tre (mã DBT), Dược phẩm Trung ương CPC1 (mã DP1), Dược phẩm Vimedimex Bình Dương (mã VMD), Dược- Thiết bị Y tế Đà Nẵng (mã DDN), Dược phẩm Trung ương Codupha (mã CDP) và một số công ty thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam (mã DVN),...
Phản ứng trước thông tin này, hầu hết các cổ phiếu trên đều đã bứt phá mạnh ngay sau đó với liên tiếp những phiên tăng trần. Một số cổ phiếu như DBT, DP1 đã phần nào hạ nhiệt trong khi VMD, DDN, CDP, DVN đều đã nổi sóng trở lại.
Cá biệt nhất là VMD khi liên tục tăng sốc sau thông tin ký hợp đồng với đối tác nước ngoài nhập khẩu 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Janssen (Johnson & Johnson's Janssen); 5 triệu liều vắc xin Pfizer và 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Sputnik V. Cổ phiếu này hiện đã tăng đến 155% sau 14 phiên giao dịch gần nhất.
Không liên quan đến xắc xin tuy nhiên cổ phiếu TRA của Traphaco lại bất ngờ tăng kịch trần 2 phiên liên tiếp sau thời gian dài im hơi lặng tiếng. Theo một số đánh giá, thông tin đối tác chiến lược Daewoong (Hàn Quốc) hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2 thuốc điều trị COVID-19 đã mang đến hiệu ứng tích cực đối với cổ phiếu này.
Tương quan diễn biến một số cổ phiếu dược và VN-Index từ đầu tháng 6 đến nay
Mặt khác, những tên tuổi quen thuộc như Dược Hậu Giang (mã DHG), Domesco (mã DMC), Pymepharco (mã PME), Dược phẩm OPC (mã OPC), Imexpharm (mã IMP) gần như đã chững lại do không có thông tin hỗ trợ đặc biệt. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, các cổ phiếu này đều ghi nhận mức tăng không quá vượt trội so với VN-Index, thậm chí yếu hơn thị trường.
Ngoài vấn đề xắc xin hay thuốc điều trị COVID, câu chuyện thoái vốn và các thương vụ thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ đem lại làn gió mới cho các cổ phiếu dược. Thực tế cho thấy diễn biến nhóm cổ phiếu này thời gian qua đã không còn quá phụ thuộc vào kết quả kinh doanh như trước đây.
LỢI NHUẬN TRÁI CHIỀU
Bức tranh lợi nhuận ngành dược cũng đã có sự phân hóa nhất định khi các doanh nghiệp đầu ngành như Dược Hậu Giang, Pymepharco, Traphaco, Dược Việt Nam tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm nhờ năng lực cạnh tranh mạnh.
Dược Hậu Giang (mã DHG) tiếp tục dẫn đầu ngành về lợi nhuận với 405 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần của DHG cũng tăng 17% so với nửa đầu năm ngoái, đạt 1.965 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành được 49% kế hoạch doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Pymepharco (mã PME) cũng ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Sau 6 tháng công ty đạt 1.076 tỷ đồng doanh thu và 165 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và 19% so với nửa đầu năm ngoái. Công ty cho biết doanh thu thuần bán hàng trong quý 2/2021 đã tăng đến 46% nhờ có thêm thương hiệu sản phẩm.
Tương tự, Traphaco (mã TRA) cho biết chính sách bán hàng của công ty được khách hàng ủng hộ nên doanh thu quý 2/2021 tăng 22% đồng thời đẩy mạnh bán các sản phẩm truyền thống của công ty nên có biên lợi nhuận tốt. 6 tháng đầu năm, Traphaco ghi nhận 1.028 tỷ đồng doanh thu thuần và 124 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng tăng 21% và 38% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, doanh thu 6 tháng của Dược Việt Nam (mã DVN) lại giảm 9% so với cùng kỳ, xuống 2.290 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 20,4% so với nửa đầu năm ngoái, lên mức 129 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty mới thực hiện 42% kế hoạch doanh thu nhưng đã hoàn thành đến gần 90% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ hơn lại gặp khó khăn do giãn cách xã hội ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh và tiêu thụ thuốc kênh OTC.
Dược phẩm OPC (mã OPC) cho biết chi phí phát sinh tăng vì ảnh hưởng do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến lợi nhuận quý 2/2021 giảm 20% so với cùng kỳ xuống 17 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế 6 tháng cũng giảm nhẹ 0,2% xuống 53,7 tỷ đồng dù doanh thu vẫn tăng gần 3% lên 473,4 tỷ đồng.
Domesco (mã DMC) lại ghi nhận sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 do các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh ưu tiên trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong khi các phòng khám, nhà thuốc do vấn đề giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành cũng hoạt động rất hạn chế, dẫn đến nhu cầu giảm đáng kể. Lãi ròng 6 tháng của DMC giảm đến 39% xuống còn 66 tỷ đồng và mới thực hiện 30% mục tiêu cả năm đề ra.
6 tháng đầu năm, doanh thu Dược Hà Tây (mã DHT) đạt hơn 838 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 20% so với nửa đầu năm ngoái xuống còn gần 42 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã thực hiện 49% kế hoạch doanh thu và 47% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Trong khi đó, Dược Bến Tre (mã DBT) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng sụt giảm mạnh với doanh thu 304 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng, tương ứng giảm 18% và 47% so với nửa đầu năm ngoái. Như vậy, công ty mới chỉ thực hiện 33% kế hoạch doanh thu và 21% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.
Nhịp sống doanh nghiệp