MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu dược: P/E thấp có phải là cơ hội đầu tư?

Cổ phiếu dược trước đây vẫn được xếp vào nhóm cổ phiếu phòng thủ, nhưng kể từ đầu năm 2016 đến nay, nhóm cổ phiếu dược đã tăng giá khoảng 57,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng khoảng 17% của VN-Index.

Báo cáo mới công bố của CTCK Maybank Kimeng (MBKE) đã đánh giá, nhóm cổ phiếu Dược đang có chỉ số định giá P/E thấp hơn nhiều so với bình quân trong khu vực dù từ đầu năm 2016 đến nay, nhóm cổ phiếu dược đã tăng giá khoảng 57,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng khoảng 17% của VN-Index.

Ngoài những yếu tố cơ bản tương đối ổn định của ngành, thì kỳ vọng về việc gia tăng trần sở hữu nước ngoài tại các công ty dược chính là chất “xúc tác” quan trọng đối với tâm lý nhà đầu tư. Điển hình là CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC). Đây là doanh nghiệp tiên phong bỏ trần sở hữu nước ngoài đã tăng gần 137% so với đầu năm, cao nhất trong các cổ phiếu dược niêm yết.

Theo đó, mặt bằng giá chung của ngành dược Việt Nam đã nâng lên mức cao hơn. P/E năm 2016 bình quân ngành dược theo ước tính của MBKE hiện đang ở mức 13,7x – cao hơn khá nhiều so với mức 9x thời điểm đầu năm 2016. Tuy nhiên, mức này nhìn chung vẫn còn thấp hơn một cách tương đối so với bình quân ngành trong khu vực (gần 27x).

Phân loại riêng về nhóm doanh nghiệp phân phối dược, dù mức tăng khiêm tốn hơn so với các doanh nghiệp sản xuất dược và có chỉ số định giá thấp nhưng MBKE cho rằng, có vẻ chưa phải là cơ hội đầu tư tốt. Với mức P/E năm 2016 bình quân lần lượt là 9,4x và 15,8x, định giá của các công ty chuyên về phân phối dược tương đối rẻ hơn so với nhóm các công ty chuyên về sản xuất dược (hơn 70% doanh thu đến từ thành phẩm sản xuất).

Nguyên nhân MBKE không đánh giá cao tiềm năng từ các cơ hội đầu tư vào các công ty dược, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối dược là do hiệu quả hoạt động không cao khi biên lợi nhuận ròng bình quân của các công ty trong lĩnh vực này chỉ vào khoảng 3,1%, so với mức 11,3% của các công ty sản xuất. Đơn cử là trường hợp công ty thuần túy về phân phối như CTCP Y dược phẩm Vimediex (VMD), biên lợi nhuận ròng hầu như không đáng kể.

Một yếu tố nữa là rủi ro đòn bẩy tài chính cao. Hiện tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân của các công ty phân phối là 2,2x, cao hơn rất nhiều so với các công ty sản xuất (bình quân chỉ khoảng 8%, trong đó phần lớn không có nợ vay).

Một yếu tố quan trọng khiến cho nhóm cổ phiếu dược chưa tạo được sứt hút đối với nhà đầu tư là là thanh khoản thấp. Theo thống kê, ngoại trừ CTCP Dược phẩm Bến Tre (DBT) có khối lượng giao dịch bình quân một tháng và ba tháng là 14.600 và 27.400 đơn vị/ngày, các mã cổ phiếu còn lại hầu như không có tính thanh khoản.

Thảo Nguyên

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên