MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu FLC được khối ngoại mua ròng 10 phiên liên tiếp

Cổ phiếu FLC được khối ngoại mua ròng 10 phiên liên tiếp

FLC là một trong 10 mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong hai tuần gần đây, trái ngược với xu hướng bán ròng trong gần ba tuần trước đó.

Trong 10 phiên giao dịch của hai tuần từ 24/5 đến 4/6, khối ngoại mua vào 14.045 tỷ đồng nhưng bán ra tới 20.484 tỷ, tương đương với giá trị bán ròng 6.438 tỷ trên toàn thị trường.

Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất có HPG của Tập đoàn Hòa Phát (hơn 4.400 tỷ), MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội (hơn 1.100 tỷ) hay VIC của Tập đoàn Vingroup (gần 900 tỷ); hay

VPB của VPBank, CTG của VietinBank và LPB của LienVietPostBank.

Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào PLX của Petrolimex, SSI của Chứng khoán SSI, VRE của Vincom Retail, THD của Thaiholdings, …

Cổ phiếu Tập đoàn FLC đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách mua ròng của khối ngoại với giá trị hơn 100 tỷ đồng. Trong cả 10 phiên gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đều gom thêm FLC.

Việc khối ngoại đảo chiều từ bán ròng sang mua ròng FLC còn diễn ra trong bối cảnh tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đang có kế hoạch chào bán gần 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:7, tức là cổ đông nắm giữ 10 đơn vị FLC tại ngày chốt quyền sẽ có thể mua thêm 7 cổ phiếu mới.

Nếu chào bán thành công 100%, vốn điều lệ của Tập đoàn FLC sẽ vượt mốc 12.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 1,2 tỷ cổ phiếu lưu hành.

Kết phiên giao dịch gần đây nhất (4/6), cổ phiếu FLC đóng cửa tại 14.300 đồng/cp, tăng 214% so với đầu năm và nhảy vọt 370% so với một năm trước.

Theo thống kê của Chứng khoán SSI, khối ngoại đang sở hữu 18,25 triệu cổ phiếu FLC, trị giá khoảng 261 tỷ đồng.

Ngày 11/5, tổ chức cung cấp chỉ số MSCI công bố việc thêm FLC và 7 mã cổ phiếu Việt Nam khác vào MSCI Frontier Market Small Cap Index (Chỉ số vốn hóa nhỏ thị trường cận biên của MSCI). Thay đổi này có hiệu lực từ ngày 27/5. Vì vậy, nhiều khả năng một số quỹ đầu tư ngoại đã mua cổ phiếu FLC để mô phỏng theo chỉ số của MSCI.

Kết thúc năm 2020, FLC ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 13.500 tỷ, lợi nhuận trước thuế trên 421 tỷ đồng và sau thuế gần 308 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch năm. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của FLC đạt 38.460 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước. Đây cũng là năm lĩnh vực bất động sản của FLC cán đích nhiều dự án trọng điểm như: khai trương khách sạn FLC Grand Hotel Quy Nhơn quy mô lớn nhất Việt Nam; bàn giao Tổ hợp văn phòng, khách sạn FLC Sea Tower Quy Nhơn… Đồng thời, tiếp tục khởi công giai đoạn 2 của hai đại dự án Quần thể FLC Vĩnh Phúc, Quần thể FLC Quảng Bình và xúc tiến hàng loạt dự án khác từ Bắc vào Nam.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên