MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu giảm sàn từ ngày này qua ngày khác, bao giờ cổ đông FLC mới được dòng tiền "giải cứu"?

Cổ đông FLC đang nuôi hi vọng

Cổ đông FLC đang nuôi hi vọng

"Dù các cổ đông bị "nhốt sàn" nhiều phiên liên tiếp nhưng điều duy nhất lúc này họ có thể làm đó là chờ đó là tín hiệu dòng tiền. Dòng tiền sẽ xuất hiện khi giá cổ phiếu về mức hợp lý phù hợp với định giá doanh nghiệp".

Phiên giao dịch ngày 30/3, cổ phiếu hệ sinh thái FLC tiếp tục sàn la liệt, mất thanh khoản khi những thông tin bất lợi liên quan đến vụ án của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết liên tục được tung ra. Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, những cổ đông hệ sinh thái FLC lo lắng với những phiên "nhốt sàn" liên tiếp và không biết bao giờ mới được dòng tiền vào "giải cứu". 

Cụ thể, trong phiên ATC ngày 30/3, FLC dư bán sàn 117 triệu đơn vị giá rớt xuống 11.800 đồng/cổ phiếu; ROS dư bán sàn gần 105 triệu cổ phiếu giá giảm sàn về 7.590 đồng/cổ phiếu; ARS tiếp tục giảm sàn 9,3% xuống 8.800 đồng/cổ phiếu lượng dư bán sàn gần 6 triệu đơn vị; KLF giảm sàn xuống 5.400 đồng/cổ phiếu, dư bán sàn 13 triệu cổ phiếu; HAI dư bán sàn 8,5 triệu cổ phiếu, giá giảm sàn xuống 5.470 đồng/cổ phiếu; AMD dư bán sàn 11,6 triệu đơn vị.

Tổng lượng dư bán sàn phiên hôm nay lên tới  261 triệu đơn vị. Đây là mức dư bán sàn quy mô kỷ lục của sàn chứng khoán kể từ khi được thành lập đến nay. 

Hôm nay xuất hiện một lượng khớp lệnh nhỏ ở AMD với gần 1,1 triệu cổ phiếu, HAI là 1,9 triệu cổ phiếu, KLF là hơn 3 triệu cổ phiếu và ART là 1,7 triệu cổ phiếu. 

Hai cổ phiếu vốn hoá lớn nhất là ROS và FLC lại chỉ khớp lệnh được lần lượt 902.000 cổ phiếu và 865.000 cổ phiếu. 

Cổ phiếu giảm sàn từ ngày này qua ngày khác, bao giờ cổ đông FLC mới được dòng tiền giải cứu? - Ảnh 1.

Cổ phiếu hệ sinh thái FLC bị chất bán sàn phiên ATC

Điều đáng nói đây là phiên sàn/giảm sâu thứ 3 liên tiếp với nhóm cổ đông hệ sinh thái FLC. Với quy mô dư bán sàn phiên ATC cao ngất ngưởng cho thấy lượng cổ đông "kẹp" cổ phiếu hệ sinh thái FLC rất đông đảo. 

Sau 3 phiên giảm sâu kể từ sự kiện liên quan đến Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết, vốn hoá của nhóm cổ phiếu hệ sinh thái FLC chỉ còn gần 16.400 tỷ đồng, tương ứng các cổ phiếu đã mất giá bình quân từ 18-27%. 

Theo các chuyên gia, với những bê bối lao lý liên quan đến lãnh đạo cấp cao của tập đoàn/doanh nghiệp, rất khó để biết được đâu là thời điểm cổ đông được "giải cứu" vì vụ án còn chưa kết thúc. Thêm vào đó, lượng dư bán của cổ phiếu hệ sinh thái FLC rất lớn quy mô lên tới hơn 260 triệu đơn vị đòi hỏi một dòng tiền đầu cơ lớn trên thị trường mua vào thì mới cân bằng được với bên bán. 

"Dù các cổ đông bị "nhốt sàn" nhiều phiên liên tiếp nhưng điều duy nhất lúc này họ có thể làm chờ đó là tín hiệu dòng tiền. Dòng tiền sẽ xuất hiện khi giá cổ phiếu về mức hợp lý phù hợp với định giá doanh nghiệp. Chờ đợi tín hiệu dòng tiền này áp dụng với những nhà đầu tư lỡ kẹp cổ phiếu hệ sinh thái FLC, còn nếu không liên quan thì kinh nghiệm của một nhà đầu tư cho thấy không nên vội vàng mua vào cổ phiếu ở những doanh nghiệp mà lãnh đạo dính vào lao lý", vị chuyên gia phân tích. 

Trên một số diễn đàn chứng khoán, nhiều cổ đông FLC đã đặt ra giả thiết phải mất vài năm mới "về được bờ". 

Như chúng tôi đã đưa tin chiều 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã Ck: FLC), các cá nhân thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hành vi trên của ông Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Bước đầu, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết; đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Theo thông tin ban đầu, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS (Công ty CK BOS) và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Các tài khoản nêu trên đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, đặt mua chiếm 12% tổng khối lượng đặt mua và khớp mua 2,84% tổng khối lượng khớp mua toàn thị trường; đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng đặt bán và khớp bán chiếm 12% tổng khối lượng khớp bán toàn thị trường.

Tại các phiên tăng giá, nhóm 21 tài khoản chứng khoán đặt mua với tổng khối lượng 77% tổng khối lượng đặt mua của nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94% tổng khối lượng đặt bán của nhóm.

Mục đích đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu (tăng 64%).

Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.

Trước đó, trong phiên giao dịch 10/1, FLC đã lập kỷ lục về thanh khoản khi khớp lệnh xấp xỉ 135 triệu cổ phiếu, cao kỷ lục từ khi niêm yết tới nay. Phiên giao dịch gây rúng động giới đầu tư.

Ngay trong chiều 10/1/2022, (17 giờ 45 phút), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/01/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC, niêm yết tại HOSE) nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. UBCKNN hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.

Ngay say đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo HOSE hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.

Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định.

Đồng thời chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

https://cafef.vn/co-phieu-giam-san-tu-ngay-nay-qua-ngay-khac-bao-gio-co-dong-flc-moi-duoc-dong-tien-giai-cuu-20220330160516499.chn

Anh Minh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên