MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu GMD liên tục công phá đỉnh lịch sử, vốn hoá "gã khổng lồ" ngành cảng biển Gemadept sắp chạm ngưỡng tỷ USD

Cổ phiếu GMD liên tục công phá đỉnh lịch sử, vốn hoá "gã khổng lồ" ngành cảng biển Gemadept sắp chạm ngưỡng tỷ USD

Vốn hóa thị trường của Gemadept tương ứng có thêm hơn 4.000 tỷ đồng chỉ sau 2 tháng để chạm mốc 22.300 tỷ đồng.

Hoà chung cùng sự sôi động của nhóm cổ phiếu cảng biển, cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept đã có cú nhấn ga thần tốc để leo lên lập đỉnh lịch sử mới. Trong phiên 25/12, cổ phiếu này tăng kịch trần để leo lên mức đỉnh cao nhất trong lịch sử là 73.000 đồng/cp. Thanh khoản cũng tăng đột biến gấp gần 4 lần so với mức bình quân với khối lương khớp lệnh đạt2,4 triệu đơn vị, cao nhất trong vòng 2 tháng qua.

Từ cuối tháng 10 đến nay, cổ phiếu GMD đã tăng hơn 24% thị giá. Vốn hóa thị trường của Gemadept tương ứng có thêm hơn 4.000 tỷ đồng chỉ sau 2 tháng để chạm mốc 22.300 tỷ đồng. Con số này cao hơn 66% so với thời điểm đầu năm và là mức vốn hóa cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp cảng biển này niêm yết năm 2002.

Cổ phiếu GMD liên tục công phá đỉnh lịch sử, vốn hoá "gã khổng lồ" ngành cảng biển Gemadept sắp chạm ngưỡng tỷ USD - Ảnh 1.

Đà bứt phá của cổ phiếu GMD nói riêng và cổ phiếu vận tải biển nói chung được xem là xuất phát từ việc gián đoạn giao thương ở Biển Đỏ - tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Sự kiện này được các chuyên gia trong lĩnh vực dự báo có thể đẩy giá dầu và giá cước vận tải biển logistics tăng cao trongngắn hạn, từ đó tạo tâm lý tích cực lên các cổ phiếu thuộc nhóm vận tải biển.

Ngoài hưởng lợi từ yếu tố thông tin, GMD cũng được kỳ vọng có triển vọng tích cực từ những tiềm năng sẵn có. Gemadept là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực logistics và khai thác cảng với nhiều cảng biến quy mô lớn, nổi bật nhất là Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, một trong 19 cảng trên thế giới có khả năng đón được các siêu tàu lớn nhất hiện nay. Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động khai thác cảng đóng góp khoảng 70-80%, còn lại đến từ mảng logistics. 

Khẳng định về tiềm năng của Gemalink tại Hội thảo mới đây do Chứng khoán HSC tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc CTCP Gemadept tự tin cho rằng: "Đối với Gemalink, tôi tin rằng dù là cảng được triển khai sau nhưng có vị thế rất thuận lợi về tự nhiên mà các cảng khác không thể so sánh được. Trong thời gian tới, Gemalink sẽ đón được rất nhiều tuyến tàu, đặc biệt là các tuyến tàu có trọng tải trên 22.000 TEU, là những tuyến tàu đi châu Âu"

Chia sẻ thông tin về các dự án mới của Gemadept trong thời gian tới, bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc Tài chính GMD cho biết, năm 2024, Công ty sẽ tiếp tục triển khai dự án trọng điểm Gemalink (tại Cái Mép – Thị Vải) để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường. Sau khi hoàn thành xong giai đoạn 2, đây sẽ là cảng nước sâu lớn nhất cả nước với diện tích 72 ha, công suất hoạt động 3 triệu TEU/năm.

Đối với cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3, khi đưa vào khai thác sẽ là cụm cảng sông lớn nhất miền Bắc có thể đón được các tàu feeder, tàu nội Á lớn nhất khu vực cảng sông, với diện tích 65ha, tổng công suất thiết kế 3 giai đoạn là 2 triệu TEU và 3 triệu tấn/năm.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDirect cho rằng động lực chính thúc đẩy đà tăng trưởng của Gemadept là mức cải thiện sản lượng container và biên lợi nhuận gộp trong năm 2024-2025. VNDirect dựbáo lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp sẽ tăng 15%/5% so với cùng kỳ nhờ bối cảnh tích cực hơn trong năm 2024-2025, trong đó Gemalink sẽ tạo ra lợi nhuận ròng là 53 tỷ đồng/286 tỷ đồng trong năm 2024-25.

Ảnh chụp Màn hình 2023-12-25 lúc 22.54.59.png

VNDirect kỳ vọng sản lượng container sẽ tiếp tục tăng, tương ứng với hoạt động xuất nhập khẩu cải thiện trong năm 2024-25 nhờ sản xuất nội địa cải thiện và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và nhu cầu nhập khẩu của Mỹ phục hồi sớm hơn do lạm phát gần đây hạ nhiệt. Thêm vào đó, dự thảo thông tin tăng giá xếp dỡ có thể được phê duyệt trong nửa đầu năm 2024, từ đó làm tăng giá xếp dỡ trung bình của GMD lên 5%/10% so với cùng kỳ.

Đồng quan điểm, Chứng khoán KBSV cũng dự báo sản lượng container qua cảng GMD sẽ tiếp tục đà tăng keo dài đến hết năm 2023 và sang tới nửa đầu năm 2024 do kim ngạch XNK dự kiến vẫn giữ được đà tăng dù khá chậm, động lực đến từ phục hồi cầu tiêu dùng từ Mỹ và châu Âu trong 2024, kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng. 

Ảnh chụp Màn hình 2023-12-25 lúc 22.55.20.png

Bên cạnh đó, GMD liên tục có các tuyến tàu mới qua cảng, trong 3Q2023 đã khai thác thêm tuyến dịch vụ TPA của Evergreen cập cảng Gemalink, tuyến Kaguya của MSC cập cảng Nam Đình Vũ. Ngoài ra, doanh nghiệp nghiệp cũng có những lợi thế nhất định đang ngày càng được củng cố như dẫn đầu xu hướng cảng xanh, logistics xanh và năng lực làm tàu lớn nhất tại Việt Nam với cảng nước sâu Gemalink (mới đây Gemalink đã lập kỉ lục xếp dỡ cùng lúc 2 tàu lớn với tổng sản lượng xếp dỡ lên tới 30,000 Teu), GMD sẽ càng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thu hút được nhiều đối tác mới.

Mảng logistics của GMD được KBSV kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cả về KQKD và lợi nhuận trong giai đoạn tới do: (1) GMD ít chịu ảnh hưởng bởi giá cước vận tải giảm do tỉ trọng doanh thu từ tàu tự vận hành thấp, các hợp đồng thuê tàu đã kí vẫn ổn định, (2) công ty đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động logistics có biên gộp cao như kho bãi, khai thác kho lạnh (CJ Gemadept đầu tư nâng cấp hệ thống kho bãi, áp dụng mô hình quản lý Serial End-To-End tối ưu hóa hiệu quả hoạt động) và (3) trong quý 3 vừa rồi, CJ Gemadept đã trở thành đối tác chiến lược với 2 ông lớn trong ngành điện máy Beko và Hitachi.

Ảnh chụp Màn hình 2023-12-25 lúc 22.55.30.png

Về việc sẽ chuyển nhượng toàn bộ 99,98% số cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Cảng Nam Hải (NHP), Chứng khoán KBSV ước tính việc thương vụ này có thể sẽ đem về khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận cho GMD, bổ sung nguồn tiền cho công ty tập trung đầu tư phát triển mở rộng các cảng lớn như các dự án mở rộng cảng Nam Đình Vũ và Gemalink.


Hạ Anh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên