Cổ phiếu hàng không "cất cánh" ngay trong phiên khai xuân, Vietnam Airlines và Vietjet Air đều tăng kịch trần
Động lực chính của sự bứt phá này được cho đến từ kỳ vọng khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế, đón khách du lịch của ngành hàng không nước ta trong thời gian tới. Dự kiến từ 31/3, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế và đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu quốc tế.
Ghi nhận trong phiên giao dịch đầu năm Nhâm Dần 2022, các cổ phiếu hàng không trở thành điểm sáng với hàng loạt mã tăng mạnh. Tại HoSE, các mã VJC, HVN, AST đồng loạt tăng kịch trần; trên sàn UPCoM, IHK cũng "tím lịm" trong khi ACV cũng tăng tới 7,4%, SAS tăng 8,9%; NCS tăng 6,9%.
Song song, cổ phiếu CIA của Dịch Vụ Sân Bay Quốc Tế Cam Ranh cũng bật tăng hết biên độ 9,8% lên 15.700 đồng/cổ phiếu; SGN, NCT tăng mạnh trên 4%; SCS tăng hơn 2%.
Diễn biến cổ phiếu hàng không trong phiên 7/2
Sau câu chuyện giá vé máy bay tăng đột biến những ngày ra Tết, giá cổ phiếu nhóm ngành hàng không cũng đang dậy sóng và thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư. Động lực chính của sự bứt phá này được cho đến từ kỳ vọng khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế, đón khách du lịch của ngành hàng không trong thời gian tới. Dự kiến từ 31/3, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế và đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu quốc tế.
Trước đó, từ 1/1/2022, Chính phủ đã quyết định khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao gồm 9 thị trường. Hiện, Cục Hàng không đã đàm phán và mở thành công đến 8 thị trường, chỉ còn đường bay đến Trung Quốc chưa được chấp thuận.
Đồng thời, trước thềm đón Tết, Chính phủ đã cho phép nối lại đường bay thẳng đến các thị trường này để đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam về nước dịp cuối năm, kèm theo bãi bỏ quy định xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống tàu bay. Vietnam Airlines đã thực hiện một số chuyến bay thẳng thường lệ đến Australia, Anh, Pháp, Đức. Sau Tết Nguyên đán, hãng Bamboo Airways cũng sẽ tiếp tục khai thác đường bay thẳng đến Australia, Đức, Anh.
Riêng tại thị trường trong nước, Bộ Giao thông vận tải ngay trong giai đoạn cận Tết đã bỏ quy định xét nghiệm và kiểm soát tiêm chủng vaccine Covid-19 đối với hành khách. Nhờ đó, lượng khách mua vé máy bay tăng cao trên tất cả nhóm hành trình, tất cả các hãng hàng không đều mở rộng hết mức mạng bay nội địa, tăng tần suất các đường bay nhằm phục vụ tối đa nhu cầu về quê, du lịch của hành khách.
Là ngành kinh doanh có lợi nhuận cao, việc tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp khống chế đại dịch và các doanh nghiệp ngành hàng không được kỳ vọng sẽ có mức nhảy vọt mạnh mẽ. Việc cho phép các chuyến bay hoạt động, đặc biệt dần mở cửa du lịch nhanh chóng phản ánh sự lạc quan vào nhóm cổ phiếu hàng không, sau thời gian dài đóng băng và gánh nặng chi phí. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là liệu nhóm cổ phiếu hàng không có thể tăng được bao lâu, khi các hãng tính đến nay hầu như vẫn đang âm dòng tiền hoạt động kinh doanh sau cú sốc đại dịch?
Báo cáo triển vọng ngành hàng không mới đây của SSI Research dự phóng trong năm 2022, sản lượng hành khách nội địa của Việt Nam ước đạt 70% mức trước dịch Covid (từ 40% trong năm 2021), trong khi sản lượng hành khách quốc tế ước đạt 20% mức trước Covid (từ 0% trong năm 2021). Các giả định dựa trên giả định các chuyến bay quốc tế chỉ được mở hoàn toàn từ nửa cuối năm 2022 và nhu cầu đi lại quốc tế có thể phục hồi dần cho đến cuối năm 2023 do vẫn còn sự khác biệt trong biện pháp kiểm dịch giữa các quốc gia.
SSI Research cho rằng lợi nhuận của ngành hồi phục gần như là điều chắc chắn trong năm 2022, tuy nhiên nửa cuối năm 2022 sẽ chứng kiến sự phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ hơn với việc hoàn tất mũi tiêm tăng cường đầu tiên; biên giới mở lại rộng hơn ở cả Việt Nam và các nước khác; hiệu suất/hệ số tải tốt hơn trong mùa lễ; và giá nhiên liệu bay thấp hơn so với nửa cuối năm 2021.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đưa ra quan điểm tích cực về sự phục hồi của ngành hàng không trong giai đoạn 2022-2026. Mảng vận tải hàng không quốc tế được cho là có khả năng phục hồi ổn định từ năm 2022 do Chính phủ đã phê duyệt việc nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ và du lịch hàng không có khả năng phục hồi khi nguồn khách chính của Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng cao. VCSC kỳ vọng những phân khúc quốc tế của các hãng hàng không sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2026.
Tuy đưa ra quan điểm tích cực, song cả SSI và VCSC vẫn cho rằng chặng đường phục hồi của ngành hàng không sẽ còn nhiều thách thức.
SSI Research cho rằng đối với các công ty sân bay như ACV và AST, kỳ vọng triển vọng lợi nhuận mạnh sẽ chỉ có thể bắt đầu từ nửa cuối năm 2022 vì hành khách quốc tế có thể sẽ chiếm phần lớn lợi nhuận cao như những năm trước dịch. Trong khi đó, đối với các hãng hàng không, SSI kỳ vọng hệ số tải và hiệu suất thấp sẽ cản trở sự phục hồi lợi nhuận trong năm 2022 và các nhà đầu tư có thể kỳ vọng mức tăng trưởng có ý nghĩa hơn trong năm 2023.
Thậm chí, VCSC còn dự báo trong năm 2022 và 2023, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ 7.500 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng do mảng vận tải quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn và hãng hàng không có tỷ lệ đòn bẩy hoạt động cao. Riêng trong năm 2021 vừa qua, "ông trùm" ngành hàng không ghi nhận lỗ gộp 62 tỷ đồng trong mảng kinh doanh chính. Nhờ số dư tiền gửi lên đến 32.717 tỷ đồng (xấp xỉ 1,5 tỷ USD) vào thời điểm cuối năm, doanh thu tài chính tăng giúp HVN vẫn có lãi ròng 830 tỷ, giảm gần 50% so với năm 2020.
VCSC dự báo trong năm 2022 và 2023, HVN sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ 7.500 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng (Nguồn: VCSC)
Bên cạnh đó, VCSC còn nêu rõ rủi ro cổ phiếu HVN sẽ phải chuyển giao dịch sang sàn UPCoM vào năm 2023 do lỗ trong 3 năm liên tiếp dẫn đến không đủ tiêu chuẩn niêm yết trên sàn HOSE. Cổ đông của HVN cũng sẽ đối mặt với rủi ro pha loãng cổ phiếu do hãng hàng không có kế hoạch tăng vốn bổ sung.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị