MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu khoáng sản "thê thảm" khi cả thị trường đi lên

Tính thanh lọc thị trường đã khiến nhiều cổ phiếu khoáng sản nổi đình nổi đám một thời đang dần mất “đất diễn” và nhà đầu tư đang ngày càng hướng tới các doanh nghiệp có tính cơ bản, thay vì chạy theo tin “đội lái” như trước kia.

Những ngày gần đây, tâm lý hứng khởi đang bao trùm TTCK Việt Nam khi chỉ số VnIndex leo lên mức cao nhất trong vòng 8 năm. Sự tích cực của thị trường khiến cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp ba so với hồi đầu năm không còn là hiện tượng hiếm gặp.

Tuy vậy, câu chuyện tích cực của thị trường lại không diễn ra với nhóm cổ phiếu khoáng sản. Ngoại trừ một vài doanh nghiệp than thuộc Vinacomin, doanh nghiệp khai thác đá, Masan Resources (MSR)… thì phần lớn cổ phiếu khoáng sản lao dốc không phanh, thậm chí phá đáy lịch sử.

Thống kê trên TTCK Việt Nam, số lượng cổ phiếu khoáng sản có mức giá dưới 3.000đ không phải là ít. Mức giá này thậm chí còn không mua nổi… cọng hành, mớ rau hay cốc trà đá. Đây thực sự là điều đáng buồn cho nhóm cổ phiếu với cái tên “khoáng sản” có phần mỹ miều, giàu có.

Vỡ trận với cổ phiếu khoáng sản

Từ đầu năm tới nay, những thông tin tiêu cực về các doanh nghiệp khoáng sản diễn ra khá dày đặc. Cách đây chưa đầy 1 tháng, thị trường được phen rúng động khi cổ phiếu MTM (Mỏ và XNK Khoáng sản miền Trung) đã “bay hơi” 75% giá trị chỉ sau 2 tháng lên sàn Upcom.

Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này đã bị tạm ngưng hoạt động do chưa đóng thuế đầy đủ. Đáng chú ý, MTM có thanh khoản lên tới hàng triệu đơn vị và không ít nhà đầu tư đã mắc kẹt với cổ phiếu này.

Ngay sau khi MTM bị tạm ngưng giao dịch, đến lượt cổ phiếu KSA (khoáng sản Bình Thuận) và KHB (Khoáng sản Hòa Bình) tiếp tục chuỗi ngày giảm sàn với dư bán hàng chục triệu cổ phiếu mỗi phiên. Hiện tại, KHB đã tạm “ngừng rơi”, trong khi KSA có 12 phiên giảm sàn liên tiếp và ban lãnh đạo đã phải đưa ra giải trình với nhà đầu tư rằng mình…không có quan hệ với MTM.

Gần đây nhất là trường hợp khoáng sản Á Cường (ACM) bị kiểm tra toàn diện vì xả thải không qua xử lý ra môi trường. Ngay lập tức, cổ phiếu này có 2 phiên giảm sàn liên tiếp dù rằng thị giá cũng chỉ đang ở mức “trà đá”.

Ngoài ra, không ít cổ phiếu khoáng sản khác hiện cũng bị tạm ngừng giao dịch hoặc rơi vào diện kiểm soát đặc biệt như KSS, KTB (Khoáng sản Tây Bắc), PTK (Luyện kim Phú Thịnh), MIM (Mimeco)….càng khiến nhà đầu tư e ngại về chất lượng các doanh nghiệp khoáng sản trên TTCK Việt Nam.

Diễn biến cổ phiếu KSA từ đầu năm tới nay

Diễn biến cổ phiếu KSA từ đầu năm tới nay

Kết quả kinh doanh nghèo nàn, cổ đông chiến lược “bỏ rơi” công ty

Việc lãnh đạo nắm giữ cổ phiếu của công ty mình có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin với cổ động. Tuy vậy, thật khó có thể tìm thấy một doanh nghiệp nào trong ngành khoáng sản mà ban lãnh đạo nắm giữ trên 5% cổ phần. Trường hợp MTM là ví dụ tiêu biểu khi toàn bộ thành viên HĐQT chỉ nắm giữ hơn 200 nghìn cổ phiếu, tương đương 0,65% cổ phần công ty.

Không những không có sự ủng hộ từ ban lãnh đạo mà cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp khoáng sản cũng thi nhau “xả hàng” chỉ một thời gian ngắn sau khi mua vào như trường hợp KSA, KHB hay KSK. Điều này đặt ra dấu hỏi về mục đích mua cổ phần của các đối tác chiến lược này.

Báo cáo KQKD những năm gần đây cho thấy các doanh nghiệp khai khoáng này nếu không lỗ thì lợi nhuận cũng chỉ từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. Thậm chí, có trường hợp như Khoán sản Na Rì (KSS) lỗ tới hơn 200 tỷ đồng trong năm 2015. Đáng lưu ý, kế hoạch kinh doanh các công ty đặt ra đầu năm thường khá hoành tráng nhưng kết cục thường chỉ là “bánh vẽ” cho cổ đông.

Trước đây, trong giai đoạn 2010, 2011, nhóm khoáng sản thực sự là hiện tượng trên TTCK khi hầu hết cổ phiếu đều có giá lên tới hàng chục nghìn đồng. Tuy vậy, tính thanh lọc thị trường đã khiến nhiều cổ phiếu khoáng sản nổi đình nổi đám một thời đang dần mất “đất diễn” và nhà đầu tư đang ngày càng hướng tới các doanh nghiệp có tính cơ bản, thay vì chạy theo tin “đội lái” như trước kia.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên