Cổ phiếu kịch trần 5 phiên liên tiếp, hơn 10% công ty được "bắt đáy" bỗng tăng gấp rưỡi sau chưa đầy 1 tuần
Đà bứt phá có phần bất ngờ của DDG xuất hiện ngay sau khi cổ phiếu này vừa có chuỗi giảm sàn lịch sử 19 phiên liên tiếp.
Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (mã chứng khoán: DDG) vừa có văn bản giải trình cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Cụ thể, DDG cho biết công ty đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, không có biến động đặc biệt nào ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Việc cổ phiếu tăng trần hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu của nhà đầu tư. Công ty khong có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch của cổ phiếu.
Ngoài ra, DDG cho biết Quy Hoạch Điện VIII vừa chính thức được phê duyệt trong đó có đồng phát nhiệt điện và điện rác thuộc các dự án của Đông Dương cũng là yếu tố tạo nên tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.
Ghi nhận trong phiên 16/5, thị giá DDG tiếp tục tăng 9,3% lên mức 9.400 đồng/cp, ghi nhận chuỗi 5 phiên liên tiếp tăng hết biên độ. Với mức tăng mạnh, thị giá DDG nhanh chóng gấp 1,6 lần sau chưa đầy một tuần. Sau khi được giải cứu, thị giá tuy hồi phục song vẫn cách 78% đỉnh 42.200 đồng/cp (phiên 7/4).
Đà bứt phá có phần bất ngờ của DDG xuất hiện ngay sau khi cổ phiếu này vừa có chuỗi giảm sàn 19 phiên liên tiếp. Cú rơi của DDG chưa từng có trong lịch sử khi lao một mạch từ vùng đỉnh lịch sử xuống thủng đáy từ khi niêm yết chỉ trong một tháng.
Đáng nói, phiên đầu tiên DDG trở lại tăng trần 10/5, thị trường ghi nhận hơn 6,4 triệu cổ phiếu tương đương 10,7% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của DDG đã được giao dịch. Trong đó, phần lớn lệnh khớp tại mức giá sàn với 5,4 triệu cổ phiếu, còn lại rải rác trên các bước giá từ tham chiếu đến trần. Do đó, nếu nhà đầu tư thành công “bắt đáy” cổ phiếu tại giá chỉ 6.000 đồng/cp, tài khoản đã nhanh chóng tăng gấp rưỡi sau chưa đầy 1 tuần.
Đặc biệt, cú hồi của DDG còn trùng hợp với thời điểm bắt đầu của hàng loạt giao dịch bán cổ phần tới từ lãnh đạo công ty và người có liên quan. Trong khoảng thời gian từ ngày 10/5-5/6/2023, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Quang đã 2 lần đăng ký bán cổ phiếu với số lượng lần lượt là 324.000 cổ phiếu và 908.000 cổ phiếu. Bà Trần Ngọc Phụng - vợ của ông Trần Kim Cương, Phó tổng giám đốc công ty cũng đăng ký bán ra toàn bộ hơn 2,7 triệu cổ phiếu DDG đang sở hữu.
Tương tự, bà Trần Kim Sa - thành viên HDQT kiêm Tổng Giám đốc đăng ký bán thêm 498.500 cổ phiếu. Bà Yang Kiều An - con gái bà Sa cũng đăng ký bán toàn bộ 476.200 cổ phiếu đang nắm giữ với lý do tài chính cá nhân. Yan Tuấn Anh, một người con khác của bà Sa, hiện là người phụ trách quản trị công ty đăng ký bán hơn 1 triệu cổ phiếu DDG, tương đương hơn một nửa số cổ phiếu đang nắm giữ.
Theo chia sẻ từ phía DDG, việc nhiều lãnh đạo đăng ký bán cổ phiếu nhằm thực hiện nghĩa vụ tài chính với các công ty chứng khoán. “Một khi thị trường chứng khoán bình ổn trở lại, Chủ tịch HĐQT va CEO sẽ đăng ký mua trở lại cổ phiếu” , vị này cho biết thêm.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, DDG đặt mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu dự kiến đạt 1.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 27% so với năm trước. Các chỉ tiêu được xây dựng dựa trên những kế hoạch cung cấp hơi, nhiệt và các sản phẩm khác.
Dù vậy, ban lãnh đạo DDG nhìn nhận doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Theo đó, vào thời điểm cuối năm 2022, ngành nghề kinh doanh và xuất khẩu Biomass bị gián đoạn, rất nhiều nhà máy sản xuất phải đóng cửa do các doanh nghiệp khó khăn trong việc hoàn thuế VAT làm cho DDG giảm doanh thu mặt hàng này.
Ngay quý đầu năm, DDG đã ghi nhận doanh thu thuần giảm 8% so với cùng kỳ xuống 159 tỷ đồng. Giá vốn không giảm khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 12 tỷ đồng, giảm 55% so với quý đầu năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp giảm một nửa từ 15% xuống còn 7,4%. Sau khi trừ chi phí, DDG lãi ròng vỏn vẹn 197 triệu đồng, giảm 99% so với cùng kỳ và là thấp nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Nhịp Sống Thị Trường