Cổ phiếu nào hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng ngành internet băng rộng cố định tại Việt Nam?
CTCK Bản Việt (VCSC) mới đưa ra báo cáo đánh giá ngành internet băng rộng cố định của Việt Nam, về cơ hội tăng trưởng và các rủi ro cũng như bối cảnh cạnh tranh của ngành.
Báo cáo của VCSC ước tính, tỷ lệ thâm nhập băng thông rộng cố định của các hộ gia đình ở Việt Nam là 55% năm 2019 và 62% năm 2020, cao nhất trong các quốc gia ASEAN, nhưng vẫn thấp hơn Trung Quốc (107%), Hàn Quốc (107%) và Nhật Bản (77%) tính đến năm 2019.
Đáng chú ý, ngay cả các khu vực đô thị hàng đầu và các trung tâm kinh tế vẫn chiếm hơn một phần tư số hộ gia đình chưa kết nối của Việt Nam.
Nhu cầu giải trí tại nhà ngày càng tăng và việc sử dụng máy tính sẽ tiếp tục thúc đẩy sự thâm nhập của băng thông rộng; do đó, VCSC dự báo thuê bao băng thông rộng sẽ tăng với tỷ lệ 10-12% mỗi năm trước khi bão hòa sau năm 2025.
ROA thuộc hàng cao nhất Châu Á, kỳ vọng cạnh tranh tập trung vào chất lượng dịch vụ
Cũng theo ITU, mức giá băng thông rộng gói khởi đầu của Việt Nam là 8,1 USD mỗi tháng - thấp hơn nhiều so với các nước trong châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc. Tuy nhiên, các công ty cung cấp băng thông rộng cố định của Việt Nam vẫn ghi nhận ROA ổn định và thậm chí cao hơn so với mức trung bình trong khu vực là 5%.
Chính cơ sở hạ tầng cáp đồng nhỏ hơn và điều kiện địa lý thuận lợi của Việt Nam, theo VCSC, đã giúp giảm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng.
VCSC kỳ vọng doanh thu trung bình trên mỗi người dùng sẽ tăng nhẹ; đồng thời tin tưởng các công ty viễn thông sẽ tiếp tục cạnh tranh chủ yếu thông qua chất lượng dịch vụ thay vì giá cả trong bối cảnh các quy định của Chính phủ không khuyến khích cắt giảm giá dưới giá thành.
Các mảng kinh doanh mới liền kề thúc đẩy tăng trưởng dài hạn
Do khả năng băng thông rộng cố định có thể bão hòa trong một vài năm tới, các công ty viễn thông đã và đang mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh có thể tận dụng các thuê bao băng rộng, cơ sở hạ tầng, kỹ năng công nghệ và mạng lưới bán hàng hiện có.
Theo tổng hợp của Bản Việt, tỷ lệ thâm nhập truyền hình trả tiền theo hộ gia đình của Việt Nam mới chỉ là 58% vào năm 2019, cho thấy dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn. Ngoài ra, công nghệ nhà thông minh là một hướng đi mới với các dịch vụ camera an ninh dựa trên nền tảng đám mây.
Bên cạnh đó, các công ty viễn thông Việt Nam (FPT, Viettel) đang mở rộng các trung tâm dữ liệu và các dịch vụ đám mây có giá trị gia tăng cao hơn trong bối cảnh nhu cầu về điện toán đám mây và địa phương hóa dữ liệu đang tăng mạnh
Sự thúc đẩy của 5G trong ngắn và dài hạn
Việc triển khai 5G tại Việt Nam sẽ diễn ra từ từ và giai đoạn áp dụng đại trà sẽ chỉ bắt đầu sau năm 2025. Lý do được VCSC đưa ra bởi mức độ sử dụng 4G hiện tại vẫn khá thấp, chỉ khoảng 40% vào năm 2020. Do đó, 5G riêng lẻ không phải là mối rủi ro trong ngắn hạn đối với băng thông rộng cố định.
Tuy nhiên, hội tụ dịch vụ viễn thông di động cố định (FMC) với sự thúc đẩy của 5G trong tương lai, có thể giúp các công ty viễn thông tích hợp vượt trội hơn các công ty viễn thông cố định về trải nghiệm khách hàng và chi phí mạng lưới.
Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành viễn thông của Việt Nam
Báo cáo VCSC cũng đưa ra khuyến nghị khả quan cho hai mã cổ phiếu trong ngành viễn thông là FPT và CTR.
Với FPT, công ty có chất lượng dịch vụ khách hàng vượt trội trong mảng băng thông rộng và đang nhanh chóng mở rộng trong các phân khúc truyền hình trả tiền, trung tâm dữ liệu và nhà thông minh.
Trong khi đó, CTR mang lại cơ hội đầu tư gián tiếp vào mảng băng thông rộng cố định của Viettel thông qua các mảng kinh doanh vận hành viễn thông và tích hợp hệ thống. Đặc biệt, mảng tích hợp hệ thống sẽ hỗ trợ Tập đoàn Viettel xâm nhập vào mảng nhà thông minh.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị