Cổ phiếu ngân hàng đỡ thị trường, TCB, BID, MBB và STB dẫn đầu tăng giá
Ngược với diễn biến của thị trường chung, nhiều cổ phiếu ngân hàng bật tăng mạnh trong phiên 5/7 với thanh khoản ở mức cao.
- 05-07-2022Chuyên gia phân tích VnDirect: Thị trường hiểu sai về bản chất của ngân hàng dẫn đến cổ phiếu bị bán mạnh trong thời gian qua
- 03-07-2022Một cổ phiếu ngân hàng tăng 26% sau gần 2 tuần
- 01-07-2022Cổ phiếu ngân hàng bất ngờ đảo chiều tăng mạnh
Áp lực bán dâng mạnh vào buổi chiều khiến cả ba chỉ số chính của thị chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ ngày 5/7. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 14,24 điểm (1,19%) xuống 1.181,29 điểm; HNX-Index giảm 3,25 điểm (-1,16%) xuống 277,94 điểm; UPCoM-Index giảm 0,71 điểm (-0,81%) xuống 87,19 điểm.
Đà giảm có lẽ còn mạnh hơn nếu không có sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Kết phiên, có 16/27 mã ngân hàng đóng cửa trong sắc xanh mới sự góp mặt của hầu hết ''ông lớn'' trong ngành.
Dẫn đầu toàn ngành về mức tăng giá hôm nay là TCB của Techcombank khi ''xanh'' gần 3,9% lên 37.750 đồng/cp. Cùng với TCB thì BID, MBB, STB đều đóng cửa tăng trên, dưới 3%; thậm chí vào đầu phiên chiều, nhiều mã còn tăng 5 - 7% sau đó hạ nhiệt.
Ngoài các mã nêu trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch tích cực trong phiên 5/7 như CTG và SHB (+1,5%), MSB (+1,2%), VPB (+1%), HDB và ACB (+0,8%),…
Ở chiều ngược lại, chỉ có 5 mã ngân hàng giảm giá và 6 mã đứng giá tham chiếu, với chủ yếu là các cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM.
Với diễn biến trên, 10 mã tác động tích cực nhất đến Vn-Index phiên hôm nay đều thuộc nhóm ngân hàng. Riêng BID và TCB kéo chỉ số này tăng lần lượt 1,6 và 1,2 điểm.
Cùng với giá, thanh khoản nhóm ngân hàng cũng tăng mạnh so với các phiên trước. Trong đó, STB dẫn đầu toàn thị trường với hơn 30 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trực tiếp. MBB, VPB và TCB cũng ghi nhận thanh khoản ở mức cao, lần lượt ở mức 16,5 triệu cp, 11,4 triệu cp và 10,9 triệu cp.
Bên cạnh hoạt động khớp lệnh, giao dịch thỏa thuận tại nhóm ngân hàng cũng diễn ra sôi động. Trong đó, EIB của Eximbank ghi nhận hơn 10 triệu cp được trao tay theo hình thức này. MBB có gần 7,2 triệu cp được sang theo phương thức thỏa thuận, trong đó có gần 6 triệu đơn vị là giao dịch nội bộ của khối ngoại.
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, nhóm này tiếp tục mua ròng tại cổ phiếu HDB với khối lượng gần 660.000 đơn vị. Đây là phiên mua ròng thứ 7 liên tiếp của của khối ngoại tại cổ phiếu này.
Mới đây, HDBank đã giảm "room" ngoại từ 21,5% xuống còn 18%, tương đương hơn 364,9 triệu cp. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu hơn 345 triệu cp, tương đương trên 17 %. Như vậy, khối ngoại chỉ được phép nắm giữ thêm hơn 19 triệu cp là kín room.
Cùng với HDB, khối ngoại cũng mua ròng tại STB (gần 930.000 cp), CTG (690.000 cp) và bán ròng ở BID (648.000 cp), VCB (632.000 cp), TPB (417.000 cp).