MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng: Hấp dẫn trong dài hạn

22-06-2018 - 16:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Giới chuyên gia đều thống nhất cho rằng, sở hữu một cổ phiếu có giá trị tiềm năng như cổ phiếu NH chưa bao giờ là muộn. Vấn đề tùy khẩu vị rủi ro và tiềm lực tài chính của các NĐT.

“Ăn xổi” khó bền

Mở cửa giao dịch phiên ngày 21/6, VN-Index giảm 3,59 điểm. Nhưng càng về sau, đà giảm càng mạnh. Kết thúc phiên sáng, VN-Index đã giảm 13,9 điểm. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, việc một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VJC, hay nhóm cổ phiếu NH có HDB, TCB… hồi phục dần về tham chiếu, thậm chí tăng giá đã nâng đỡ thị trường. Kết thúc phiên 21/6, VN-Index chỉ giảm 11,55 điểm thay vì giảm gần 14 điểm trong phiên sáng. Trước đó, trong phiên ngày 20/6, nhóm cổ phiếu NH đồng loạt tăng điểm cũng đã giúp VN-Index tăng điểm trở lại sau chuỗi ngày giảm điểm.

Động thái trên, theo đánh giá của Phó giám đốc Trung tâm phân tích CTCK Dầu Khí (PSI) Lê Đức Khánh, không phải quá xa lạ gì đối với thị trường. Trên thực tế, suốt cả năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, cổ phiếu NH luôn đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

Cổ phiếu ngân hàng: Hấp dẫn trong dài hạn - Ảnh 1.

Kinh tế khởi sắc sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng


Nguyên nhân khiến các cổ phiếu NH thăng hoa giai đoạn vừa qua được ông Khánh đưa ra là do hoạt động NH đang được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, đà phục hồi kinh tế khiến tăng trưởng tín dụng và qua đó là lợi nhuận  NH được kỳ vọng sẽ khởi sắc. Một yếu tố quan trọng nữa là Chính phủ cũng như NHNN đã và đang theo đuổi lộ trình phát triển cũng như tái cơ cấu hệ thống NH; các giải pháp như khuyến khích M&A và sáp nhập các NH yếu kém, xử lý nợ xấu, siết tỷ lệ sở hữu chéo trong các NHTM hay là áp dụng chuẩn Basel II cho các NHTM… sẽ giúp tăng trưởng của các NH bền vững và thực chất hơn.

Đó chính là lý do mà mặc dù các cổ phiếu NH đang gặp khó khăn; không chỉ những cổ phiếu kỳ cựu mà ngay cả tân binh được đánh giá cao như TCB cũng chịu chung số phận giảm khá mạnh. Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu do thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh sau một thời gian dài tăng nóng.

“Áp lực bán ra khá mạnh. Vì thế xu hướng điều chỉnh giá của các cổ phiếu NH là không tránh khỏi”, một chuyên gia đầu tư chứng khoán bình luận. Bên cạnh đó là hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư sau khi cổ phiếu NH đã có thời gian tăng trưởng nóng trước đó. Đơn cử, khoảng một năm trước, giá cổ phiếu TCB trên thị trường OTC chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu; nhưng khi lên sàn, giá cổ phiếu này được giao dịch ở mức 128.000 đồng/cổ phiếu, tạo nên mức sinh lời khủng đến 500 – 600% chỉ sau gần 1 năm, khiến các nhà đầu tư khó có thể “cưỡng lại” sức hút chốt lời.

Song theo nhận định của giới chuyên môn, sự suy giảm của nhóm cổ phiếu NH chỉ diễn ra trong ngắn hạn do triển vọng tăng trưởng của các NH là rất tích cực khi nền kinh tế đang phục hồi, cộng thêm tiến trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đang được đẩy nhanh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay một số NH lớn lên sàn với sự bứt phá về giá trị cổ phiếu đã gây sự chú ý đối với các NĐT, đặc biệt NĐT ngoại. Đó là những yếu tố có thể giúp cổ phiếu NH tiếp tục duy trì phong độ trong thời gian tới.

Một chuyên gia NH cũng chung nhận định cổ phiếu NH năm 2018 còn dư địa tăng. Lý do cho sự tin tưởng này là lợi nhuận của các NH được kỳ vọng sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ mức tăng trưởng tín dụng cao, cộng thêm nợ xấu được xử lý cũng gia tăng thêm lợi nhuận cho các NH.

Theo số liệu thống kê của StoxPlus tại hơn 18 NH có tổng dư nợ chiếm 60% toàn quốc vào cuối năm 2017, dư nợ cho vay bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao hơn gấp đôi bán buôn và thị phần tăng lên 37% tổng dư nợ. Dự báo đến năm 2020, tầng lớp thu nhập trung bình và cao của Việt Nam đạt khoảng 33-44 triệu người, nhu cầu về dịch vụ tài chính, NH, bảo hiểm… được đẩy mạnh. Từ đó đóng góp tích cực vào lợi nhuận NH.

Vẫn là điểm đến đầu tư

Cùng chung nhận định cổ phiếu NH vẫn còn dư địa tăng, nhưng theo đánh giá của ông Khánh, điều đó không đúng với tất cả cổ phiếu NH. Một chuyên gia khác lại cho rằng, cơ hội chia đều cho các cổ phiếu và tuỳ vào khẩu vị rủi ro của mỗi NĐT. Điểm chốt lời của người này có thể là điểm “phát lời” của người khác.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia đều thống nhất cho rằng, sở hữu một cổ phiếu có giá trị tiềm năng như cổ phiếu NH chưa bao giờ là muộn. Vấn đề tùy khẩu vị rủi ro và tiềm lực tài chính của các NĐT.

Chẳng hạn như cổ phiếu TCB. NH này đã trình Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận giữ lại, thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của NH. Thủ tục sẽ được hoàn tất vào đầu tháng 7. Theo đó, mỗi cổ đông đang sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 2 cổ phiếu mới. Kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu lần này sẽ giúp tăng tính thanh khoản, tạo thuận lợi cho cổ đông và NĐT giao dịch trên sàn đồng thời giúp NH có thêm nguồn vốn để tái đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn trong các năm tới.

Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, vấn đề mà ban điều hành NH quan tâm nhất là tập trung vào phát triển chiến lược kinh doanh để có được dịch vụ tốt nhất đáp ứng nhu cầu khách hàng. “Khi đạt hiệu quả cao trong hoạt động thì mới có thể có được kết quả kinh doanh vượt trội, bứt phá. Và giá trị của Techcombank sẽ ngày càng tăng lên trong con mắt của các NĐT trong nước và quốc tế”, ông Quốc Anh chia sẻ thêm.

Có một xu hướng tác động đến cổ phiếu NH mà ông Khánh chắc chắn sẽ diễn ra đó là những NH hàng đầu, có tiềm năng phát triển, có lợi thế ở các phân khúc, lĩnh vực kinh doanh, ngoại hối, tín dụng cá nhân, doanh nghiệp hay thẻ... mới có sự bứt phá về doanh thu lợi nhuận và qua đó thu hút dòng tiền đầu tư. Bản chất nhóm cổ phiếu NH là những cổ phiếu giá trị - chúng sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm từ phía các NĐT một khi mặt bằng giá tiếp tục hấp dẫn.

 “Tôi phải nhấn mạnh rằng nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và tăng tưởng tốt. Tiềm năng phát triển hệ thống NH cũng rất lớn. Do đó, một khi tăng trưởng tín dụng, các hoạt động cho vay, kinh doanh nguồn ổn định và mở rộng thì các NH vẫn tiếp tục là điểm đến của dòng tiền đầu cơ và kể cả đầu cơ”, ông Khánh lưu ý.

Cơ hội tăng giá trị là có, nhưng thách thức đối với các NH liệu có duy trì đà tăng trưởng tốt hay duy trì được những lợi thế của mình hay không. Chiến lược phát triển hệ thống NH cũng như việc quản trị rủi ro xử lý nợ xấu cũng là thách thức về vĩ mô đối với các NH trong thời gian tới. Thị trường sẽ chứng kiến quá trình phân hóa mạnh mẽ tại nhóm cổ phiếu vua. “Nhìn chung, những NH nào có lợi thế, có hệ thống mạng lưới khách hàng tiềm năng thường được các NĐT, cổ đông chiến lược quan tâm nhiều hơn so với những NH nhỏ”, ông Khánh bình luận.

Đối với NĐT, các chuyên gia đưa ra lời khuyên là nhóm cổ phiếu NH đã có thời gian tăng quá dài với mức tăng lớn, nếu nhà đầu tư không chọn được thời điểm và giá tốt cũng có thể sẽ thua lỗ.

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên