Cổ phiếu ngân hàng liệu còn động lực?
Nhiều ngân hàng thông báo chia cổ tức, phát hành cổ phiếu tăng vốn trong thời gian tới. Triển vọng lợi nhuận quý II của các nhà băng được dự báo tích cực, bất chấp dịch bệnh và khả năng tăng dự phòng nợ xấu. Các ngân hàng vẫn đang chờ được Ngân hàng Nhà nước xét duyệt hạn mức tín dụng mới trong năm nay.
- 26-06-2021Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: CTG tăng mạnh nhất, nhiều nhà băng tiến hành kế hoạch chia cổ tức
- 25-06-2021PYN lạc quan với triển vọng giá cổ phiếu 4 ngân hàng, dự đoán lợi nhuận của HDBank năm nay tăng 38%
- 23-06-2021Cổ phiếu ngân hàng bớt "nóng"?
Sau khi điều chỉnh đầu tháng 6, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự hồi phục ở một số mã nhưng vẫn chưa thể vượt qua đỉnh được thiết lập vào đầu tháng. Một số mã hồi phục nhanh trong bối cảnh thị trường đi ngang chủ yếu liên quan đến các ngân hàng sắp chốt quyền cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng. Đơn cử CTG của VietinBank ( HoSE: CTG ) tăng 5% trong tuần qua, nhà băng này chốt quyền cổ đông trả cổ tức vào ngày 8/7. VPB tăng gần 2,7% sau khi có thông tin VPBank ( HoSE: VPB ) lấy ý kiến cổ đông trả cổ tức bằng cổ phiếu. Một số mã khác như MBB tăng gần 4%, ACB tăng 3,9%...
Một loạt các ngân hàng khác cũng có kế hoạch chia cổ tức, phát hành cổ phiếu tăng vốn, có thể điểm tới như SeABank ( HoSE: SSB ) đã thông qua phát hành 110,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 9,12% để trả cổ tức năm 2021. Đồng thời, ngân hàng cũng phát hành 23,5 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. OCB sẽ phát hành gần 274 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 25% để tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 13.698 tỷ đồng.
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chờ đợi những thông tin mới liên quan đến việc nới hạn mức tín dụng và kết quả lợi nhuận quý nửa đầu năm…
Triển vọng lợi nhuận quý II
Vừa qua, MSB cho biết nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế có thể đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 85% kế hoạch năm. Với kết quả này và chiến lược phù hợp cho 6 tháng cuối năm, kèm theo kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh, lãnh đạo MSB cho biết ngân hàng có thể đẩy mạnh kinh doanh và vượt kế hoạch đã đề ra.
LienVietPostBank cũng tiết lộ kết quả kinh doanh 5 tháng với lợi nhuận khoảng 1.700 tỷ đồng, tính ra bình quân mỗi tháng lãi khoảng 370 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác là ACB , lãnh đạo cũng từng chia sẻ dù áp lực trích dự phòng rủi ro cao, lợi nhuận quý II vẫn thực hiện theo kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua. Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với kết quả năm 2020.
Tín dụng tăng trưởng tốt là một trong những yếu tố thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng. Đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Yuanta nhận định dù không cao như quý I do ảnh hưởng của tăng dự phòng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý II vẫn sẽ tốt.
NIM được dự báo tiếp tục cải thiện nhờ vào tăng trưởng tín dụng cao và chi phí huy động vốn thấp. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu suy giảm, được thể hiện qua sự gia tăng của lãi suất liên ngân hàng. Lãi suất qua đêm đã tăng 81 điểm cơ bản và lãi suất liên ngân hàng kỳ hận 1 tháng tăng 1,1 điểm phần trăm. Thanh khoản suy giảm có thể khiến lãi suất tăng, nhưng Yuanta kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất đến cuối năm. Điều này sẽ giúp giảm chi phí huy động vốn của các ngân hàng và cả lãi suất cho vay. Do đó, dự báo NIM năm 2021E sẽ đi ngang hoặc cao hơn so với năm 2020.
Về thu nhập phí, CTCK kỳ vọng trong quý II sẽ tăng nhờ vào doanh thu bancassurance và việc ghi nhận khoản phí trả trước của các ngân hàng như ACB, VietinBank, MSB và Vietcombank.
|
Khoản trích lập dự phòng là điểm lưu ý được báo cáo Yuanta đề cập, có thể tăng trong quý II, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ LLR tương đối thấp. Dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu trong 3 năm, việc tăng dự phòng ở thời điểm hiện tại để hạn chế tác động khi nợ xấu trong tương lai là một chính sách thận trọng cần thiết.
Kỳ vọng từ mở rộng “room” tín dụng
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cơ quan này tiếp nhận và xử lý đề xuất nới, cấp thêm ‘room’ tín dụng mới cho các ngân hàng sử dụng hết chỉ tiêu. Dựa trên kiến nghị của các nhà băng, NHNN sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra định mức phù hợp cho mỗi tổ chức tín dụng (TCTD). Việc này cũng tiến hành tương tự như mọi năm, khi nào có ngân hàng yêu cầu, đề xuất sẽ được xử lý.
Trước đó, một số ngân hàng có tình trạng hết “room” tín dụng và thắt chặt giải ngân nhằm kiểm soát không vượt trần. Với các nhà băng được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành như Vietcombank và Techcombank, hoạt động giải ngân vẫn diễn ra bình thường.
Đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các TCTD trong hệ thống. Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng TMCP như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%. Nhìn chung, mặt bằng "room" tín dụng được NHNN cấp cho các TCTD thấp hơn tổng thể cả năm trước.
|
VDSC dự báo các ngân hàng tư nhân sẽ duy trì được tăng trưởng tín dụng trong quý II, do đã chạm mức trần tín dụng từ lâu trước khi kết thúc quý. Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, dư nợ tín dụng của các ngân hàng này sẽ được duy trì ở mức trần được giao.
Thời gian tới, NHNN dự báo sẽ công bố hạn mức tín dụng mới cho các nhà băng. Theo số liệu từ các năm trước, hạn mức cấp đợt 2 cho cả năm của mỗi ngân hàng có thể cao hơn 20-50% so với ban đầu, cá biệt có đơn vị được tăng “quota” 2-3 lần như VIB từ 10,5% lên 30%. Sự thay đổi này sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tín dụng và nâng cao kết quả kinh doanh.
NDH