Cổ phiếu ngân hàng nào giảm mạnh nhất tuần qua?
Tuần giao dịch đầu tháng 10 (3-7/10/2022), cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục lao dốc mạnh. Chỉ 3 mã không giảm giá trong tuần qua, trong khi 24 mã còn lại chìm trong sắc đỏ.
- 07-10-2022Một cổ phiếu ngân hàng đang giảm sàn bất ngờ đảo chiều đóng cửa trong sắc "xanh lá"
- 06-10-2022Đi ngược thị trường, một cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng gần 22% trong hơn 1 tháng qua và liên tục giao dịch thỏa thuận khủng
Nhiều phiên giảm sàn đã khiến loạt mã ngân hàng giảm hơn 15% chỉ trong 1 tuần như LPB (-19%), STB (-18,7%), OCB (-17%), SHB (-16,9%), ABB (-16,7%), TCB (-16,2%), ACB (-16%), MBB (-15,3%).
Theo đó, LPB, SHB đã lùi về sát mệnh giá. 2 cổ phiếu này đóng cửa phiên 7/10 lần lượt ở 10.450 đồng/cp và 10.350 đồng/cp.
Các cổ phiếu lớn cũng mất giá mạnh tuần qua, như CTG giảm 14%, BID giảm 13,9%, VCB giảm 9%.
Chỉ có 2 cổ phiếu tăng giá tuần này là EIB (8,8%) và VBB (1,1%). EIB chỉ có 2 phiên giảm đầu tuần này và 3 phiên còn lại đều tăng giá, trong đó có phiên tăng kịch trần (5/10). Diễn biến của EIB gây chú ý trong phiên 6-7/10 khi giảm mạnh đầu phiên rồi bất ngờ được kéo dựng đứng phiên ATC. Cổ phiếu này cũng có thanh khoản đột biến ngày 6-7/10 với giá trị khớp lệnh trên 250 tỷ đồng/phiên, gấp 10-15 lần 3 phiên liên trước. EIB cũng có giao dịch thỏa thuận đột biến với hơn 55 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư tuần qua, giá trị lên tới 2.000 tỷ đồng.
Thanh khoản toàn ngành tăng đột biến phiên giao dịch cuối tuần (7/10) khi giá trị giao dịch lên tới 3.500 tỷ đồng, gấp khoảng 2 lần các phiên gần nhất. Theo đó, giá trị giao dịch nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua đạt gần 10.000 tỷ đồng, là mức thanh khoản cao hiếm thấy trong những tháng gần đây.
Nhiều mã có thanh khoản đạt trên 1.000 tỷ tuần qua như STB (hơn 1.800 tỷ đồng), VPB (gần 1.500 tỷ đồng), MBB (hơn 1.200 tỷ đồng). TCB (hơn 1.000 tỷ đồng).
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán mạnh nhiều cổ phiếu ngân hàng. Trong đó STB ghi nhận lượng bán ròng lên tới gần 20 triệu đơn vị trong tuần qua. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác cũng bị bán ròng như TPB (gần 1 triệu cp), CTG (353.000 cp), BID (237.000 cp), MBB (130.000 cp).
Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng SHB (2,4 triệu cp), HDB (1,2 triệu cp), OCB (360.700 cp),…
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới thêm “room” tín dụng cho 4 ngân hàng là VPBank, HDBank, MB, Techcombank. Đây là các ngân hàng tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, VPBank được hạn mức tăng thêm gần 45.000 tỷ đồng, MB hơn 20.000 tỷ đồng, HDBank xấp xỉ 11.000 tỷ đồng và Vietcombank khoảng 9.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng công bố kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các Tổ chức tín dụng (TCTD) quý 4/2022. Theo đó, dự báo cho thời gian tới, 70,4-75,9% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý tới và cả năm 2022. Về lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, 88,3% TCTD dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021. Bên cạnh đó, vẫn có 6,8% số được khảo sát dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Nhịp sống thị trường