Cổ phiếu ngân hàng: Nơi đắt khách, chỗ ế sưng
Tuần vừa qua giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng tiếp tục có sắc xanh áp đảo. Trước đó, cổ phiếu được mệnh danh là "vua" một thời này cũng đã có vài đợt nổi "sóng" và dẫn dắt toàn thị trường.
Song đáng chú ý, sự tăng giá ấy có tính chọn lọc. Những ngân hàng lớn như Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Vietinbank (CTG) hay ACB vẫn bắt kịp tất cả các con sóng, trong các cổ phiếu ngân hàng khác thì không may mắn như vậy.
Tăng giá liên tục, giao dịch lớn
Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu đã liên tục đi lên kể từ trung tuần tháng 12 năm ngoái. Từ mức chỉ 17.000 đồng, giá cổ phiếu ACB hiện đã lên tới 23.700 đồng, mức tăng tương đương khoảng 38% và đang ở vùng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Riêng tuần vừa qua ACB có 3 phiên tăng liên tiếp từ ngày 8 đến 10/3, khối lượng giao dịch cũng tăng đột biến gấp 5-7 lần so với bình thường. Đáng chú ý phiên 8/3 còn xuất hiện lệnh giao dịch thỏa thuận lên đến 5,5 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 111,6 tỷ đồng – một phiên giao dịch khủng hiếm thấy.
BID của BIDV tuần vừa rồi cũng ghi nhận 3 phiên tăng điểm và chốt tuần có mức tăng nhẹ so với tuần trước. Dẫu vậy so với đầu năm, cổ phiếu của ngân hàng này cũng đã tăng khoảng 14%, nhiều hơn mức tăng chung của toàn thị trường với các phiên phủ sắc xanh áp đảo sắc đỏ.
Cổ phiếu CTG của VietinBank cũng có diễn biến khá tích cực với cùng 3 phiên tăng trong tuần qua và giá đang ở vùng cao nhất kể từ năm 2015. So với đầu năm, CTG đã tăng khoảng 26%.
MBB của Ngân hàng Quân Đội giảm giá liên tiếp trong 2 tuần cuối tháng 2 đầu tháng 3 song cũng hồi phục trở lại trong tuần vừa rồi với chỉ 1 phiên giảm. Tính chung xu hướng từ đầu năm tới nay thì cổ phiếu này cũng đi lên với mức tăng hai chữ số và hiện đang ở đỉnh cao nhất trong vòng hơn 1 năm.
STB của Sacombank tuần vừa qua không có biến động đáng chú ý nào, song nhờ những đợt sóng liên tục từ đầu năm nên giá cổ phiếu hiện vẫn cao hơn 10% so với cuối năm trước. Đang có nhiều thông tin cho thấy các nhà đầu tư muốn săn đón cổ phiếu này, cả trong lẫn ngoài nước và cả cổ đông nội bộ như chủ tịch HĐQT hay phó chủ tịch ngân hàng.
Chỗ lại ế sưng
Cùng nhóm ngân hàng nhưng một số mã cổ phiếu lại không được may mắn như những ông lớn ngân hàng kể trên. Cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc Dân, trước đây là Navibank, là một ví dụ điển hình. Khối lượng giao dịch của cổ phiếu này khá trầm lắng, từ đầu năm tới nay các phiên chỉ vài trăm đến vài nghìn đơn vị khớp lệnh, thậm chí có phiên không có giao dịch nào.
Cổ phiếu của MartimeBank là một ví dụ khác. Ngân hàng này chưa lên sàn chính thức nhưng đang trong giai đoạn cuối hoàn tất thủ tục để niêm yết trên UPCoM. Giá cổ phiếu giao dịch trên sàn OTC hiện ở mức khá thấp. Mới đây VNPT - cổ đông lớn nhất của nhà băng này - dự định tổ chức bán đấu giá toàn bộ cổ phần ở MaritimeBank với giá chào 11.900 đồng song đã phải hủy vì không có nhà đầu tư nào đăng ký đấu giá. Trước đó, với mức giá đưa ra thấp hơn, SCIC cũng hai lần thất bại trong việc bán vốn ở MaritimeBank.
SHB là một trường hợp khác. Theo dõi diễn biến giá của cổ phiếu này trong vòng 1 tháng trở lại đây cho thấy chỉ có 5 phiên tăng điểm, số các phiên giữ giá tham chiếu chiếm áp đảo và sau 1 tháng thì cổ phiếu này biến động tổng cộng…0%. Tuy nhiên, ở SHB lại duy trì lượng giao dịch khá mạnh trong các phiên, thậm chí nhiều phiên xuất hiện các lệnh thỏa thuận đáng chú ý hơn hẳn các cổ phiếu khác. Mới phiên 7/3 vừa rồi, gần 6,5 triệu cổ phiếu SHB đã được giao dịch trao tay, trị giá gần 30 tỷ đồng. Công ty bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội do ông Đỗ Quang Hiển đứng tên làm chủ tịch đang có kế hoạch chi khoảng 80 tỷ đồng để mua vào cổ phiếu SHB.
“Sao” vẫn sẽ tỏa sáng
Chuyên gia gia phân tích của một công ty chứng khoán nhận định, giá cổ phiếu ngân hàng nhìn chung năm nay sẽ tiếp tục thăng hoa bởi triển vọng kinh doanh lạc quan hơn các năm trước. Tuy nhiên, khẩu vị của nhà đầu tư bây giờ đã thay đổi, họ có cái nhìn rất thận trọng vì thế sẽ tìm đến những mã cổ phiếu của những đơn vị có tiềm lực thực sự để đổ tiền vào.
Tổng giám đốc Ngân hàng VIB - ngân hàng vừa lên sàn UPCoM hồi đầu năm nay- cũng bày tỏ quan điểm lạc quan về giá cổ phiếu ngân hàng. "Tôi lạc quan cả về tình hình các ngân hàng lẫn tình hình kinh tế vĩ mô tác động lên thị trường. Các ngân hàng giờ đây đã lành mạnh hơn sau giai đoạn tái cơ cấu, có đủ năng lực để vượt qua các khó khăn và ngày càng phát triển nên tôi có niềm tin vào xu hướng đi lên của giá cổ phiếu nhóm này", ông Hàn Ngọc Vũ nói.
Trí Thức Trẻ