MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng sẽ mất bao lâu để về lại đỉnh cũ?

29-09-2022 - 21:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Huỳnh Minh Tuấn

Ông Huỳnh Minh Tuấn

Những năm trước, cổ phiếu ngân hàng đóng một vai trò rất lớn trong việc dẫn dắt thị trường đi lên. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng đã được chiết khấu sâu, không ít mã đã giảm hơn 40%. Giữa bối cảnh đó, liệu cơ hội nào cho cổ phiếu vua?

Từ đầu năm, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mạnh tay hơn trong việc thắt chặt tiền tệ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã tiên phong cho cuộc đua tăng lãi suất trên toàn cầu. Tính đến nay, cơ quan này đã đẩy mặt bằng lãi suất cho vay qua đêm cũ lên mức 3% - 3,25%, mức cao nhất tính từ tháng 1 năm 2008. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây cũng đã nâng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%.

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán đã có những biến động mạnh. Từ mốc hơn 1.500 điểm hồi đầu năm, VN-Index đã giảm xuống mức 1.126 điểm, tương đương mức giảm 20% và xoá tan nỗ lực tăng kể từ đầu năm. Ngành ngân hàng vốn chiếm tỷ trọng lớn trong vốn hóa của thị trường cũng không ngoại lệ, nhiều cổ phiếu đã được chiết khấu hơn 40% từ vùng đỉnh.

Việc thị trường đã giảm trong một khoảng thời gian khá dài đã khiến cho không ít nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư của nhóm cổ phiếu ngân hàng đặt ra câu hỏi bao giờ thị trường hồi phục và cổ phiếu ngân hàng có thể quay lại đà tăng trưởng. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập công ty cổ phần FIDT để cung cấp thêm góc nhìn cho nhà đầu tư về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về động thái tăng lãi suất của NHNN vừa qua và những phản ứng của thị trường chứng khoán?

Ông Huỳnh Minh Tuấn:  Hiện tại, NHNN đang đối mặt với bộ 3 bất khả thi, tỷ giá – lạm phát – lãi suất. Tỷ giá đang bị áp lực rất nhiều bởi đồng Đô la Mỹ đang mạnh lên. Điều này dẫn đến xu hướng chuyển đổi từ VND sang USD cũng sẽ tăng. Việc nâng lãi suất để giữ giá VND là hợp lý.

Trong năm nay, FED sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, có thể cơ quan này sẽ tăng 0,75 điểm %. Thị trường thực tế cũng đã chiết khấu vấn đề này. Bên cạnh đó, lạm phát của Việt Nam cũng đang được kiềm chế khá tốt. Chúng ta cũng đang giảm giá xăng đầu và các mặt hàng nhu yếu phẩm và lương thực. Vì thế, xác suất NHNN có thể tăng thêm lãi suất vào cuối năm là rất thấp. Nếu việc nâng lãi suất được tiếp diễn, có khả năng nó sẽ rơi vào quý 1 hoặc quý 2 năm sau.

Thị trường chứng khoán đang phản ánh với thông tin không tích cực từ việc tăng lãi suất của NHNN. Khi lãi suất tăng lên, chi phí đầu vào của nền kinh tế cũng tăng lên, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này sẽ sảnh hưởng đến EPS và định giá của các công ty.

Lãi suất luôn luôn có tương quan nghịch với chứng khoán, nên khi tăng lãi suất chắc chắn chứng khoán phải chiết khấu thông tin này vào giá. Hiện tại, thị trường đang phản ứng như thế và đang có những dấu hiệu xuyên qua vùng đáy cũ được thiết lập hồi đầu năm nay.

Việc tăng lãi suất sẽ tác động thế nào đến các ngân hàng?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Trên lý thuyết việc tăng lãi suất sẽ làm biên lợi nhuận của ngân hàng (NIM) giảm vì chi phí huy động vào tăng lên song lại chưa thể tăng lãi suất cho vay ngay được. Tuy nhiên, các ngân hàng  vừa qua cũng đã đẩy lãi vay tăng lên để thích nghi với chuyện lãi suất sẽ tăng. Biên lãi ròng của các ngân hàng trong quý 3 và quý 4 có thể sẽ không suy giảm nhiều. Vì các nhà băng đã chủ động ứng phó với vấn đề này.

Ông dự báo thế nào về diễn biến của thị trường chứng khoán thời gian tới?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Trước đây, chúng tôi dự báo thị trường sẽ quay về kiểm nghiệm đáy cũ 1.150. Tuy nhiên, thị trường đã giảm nhiều hơn mức này.

Câu chuyện tăng lãi suất toàn cầu và dòng tiền đang rời khỏi thị trường vẫn đang diễn ra. Điều này có thể dẫn đến việc từ nay đến cuối năm, Index sẽ kiểm nghiệm lại mức 1.100 điểm. Thời gian tới cũng sẽ có những đợt phục hồi ngắn hạn. Trong kịch bản lạc quan, VN-Index sẽ quay lại 1.250-1.300. Một trường hợp khác là thị trường sẽ có xu hướng đi ngang quanh vùng 1.100 điểm như hiện nay.

Sang năm sau, có thể là từ cuối quý 1/2023, khi mọi chính sách thắt chặt tiền tệ của FED đã rõ ràng và NHNN Việt Nam bơm thêm tiền để hỗ trợ nền kinh tế, thị trường chứng khoán có thể sẽ không eo hẹp như tình trạng hiện tại. Khi đó, VN-Index sẽ có thể tích cực hơn và hồi về vùng quanh 1.400 điểm.

Còn riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng thì sao thưa ông?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: 1 chu kỳ điều chỉnh thường sẽ mất 1,5-2 năm. Chúng ta đã đi qua gần một năm của chu kỳ điều chỉnh. Để thị trường phục hồi có thể cần ít nhất trên 2 năm trở lên. Ví dụ nền kinh tế bắt đầu phục hồi giai đoạn năm 2015, phải đến cuối năm 2017 thị trường mới phục hồi. Còn khoảng 2 năm để cổ phiếu ngân hàng có thể quay về đỉnh cũ.

Hiện cổ phiếu ngân hàng đã có mức giá trên giá trị sổ sách (P/B) quanh 1 lần, thậm chí có những mã có P/B nhỏ hơn 1. Các ngân hàng cũng đã chiết khấu các rủi ro về nợ xấu, lãi suất tăng lên và suy giảm tăng trưởng. Vùng giá hiện tại có thể gọi là vùng đáy của cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn đang khá yếu. Vì vậy đây là thời điểm phù hợp để đầu tư trung hạn từ 1 năm trở lên của cổ phiếu ngân hàng.

Ông có lời khuyên nào dành cho nhà đầu tư lúc này?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Nếu nhà đầu tư đang lỗ thì nên khoanh vùng danh mục, sau đó tiến hành tái cơ cấu, đồng thời đánh giá mức độ ảnh hưởng của lãi suất đến các cổ phiếu. Trong một số trường hợp, hành động cắt lỗ có thể sẽ phải được cân nhắc. Nếu cổ phiếu giảm nhưng vẫn trong sức chịu đựng của bản thân thì có thể tiếp tục nắm giữ, chờ đợi các chu kỳ phục hồi tiếp theo. Giải pháp hay hơn là có thể huy động thêm vốn để bình quân giá.

Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt, có thể giải ngân trong vòng 6 tháng tiếp theo, chờ đợi cơ hội để mua các doanh nghiệp có tiền mặt nhiều, ít nợ hoặc những mã có định giá thấp. Ví dụ như nhiều ngân hàng hiện nay cũng đã có mức P/B dưới 1, đó cũng có thể là một khoản đầu tư tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên giữ lại khoảng 30-40% tiền mặt để đề phòng những kịch bản xấu hơn có thể bất ngờ xảy đến.

Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu này đã về vùng đáy, việc cắt lỗ không còn phù hợp nữa. Tôi đề xuất rằng nên thực hiện chiến lược huy động thêm vốn để bình quân giá. Nếu không huy động được, có thể khoanh vùng danh mục và chờ các nhịp phục hồi tiếp theo của nhóm cổ phiếu này cũng như cả nền kinh tế.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Văn Tuệ

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên