Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 19 mã chìm trong sắc đỏ, một mã ngược chiều tăng mạnh 8,6%
Trong tuần qua (4-8/4/2022), cổ phiếu ngân hàng diễn biến không mấy tích cực khi có tới 19 mã giảm giá và chỉ 7 mã tăng.
- 08-04-2022Cổ phiếu ngân hàng lao dốc mạnh phiên 8/4, có mã "bay" luôn 7%
- 07-04-2022Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh giữa mùa đại hội cổ đông, tâm điểm là kế hoạch chia cổ tức
- 07-04-2022Cổ phiếu ngân hàng đỡ thị trường, vốn hóa VPBank vượt Techcombank
KLB giảm mạnh nhất tuần qua (-10,5%), đóng cửa tuần ở mức 33.100 đồng/cp. Theo đó, trong 2 tuần qua, cổ phiếu này đã giảm 16%. Thanh khoản khớp lệnh của KLB liên tục ở nhóm thấp nhất nhóm ngân hàng. Tuy nhiên cổ phiếu này ghi nhận 2 phiên thỏa thuận khủng trong tuần qua. Cụ thể, phiên 6/4 có 17 triệu cp được giao dịch, giá trị hơn 637 tỷ đồng; phiên 5/4 cũng có hơn 12 triệu cp được thỏa thuận với giá trị 480 tỷ đồng. Số cổ phiếu KLB được trao tay theo phương thức thỏa thuận tuần qua tương đương với khoảng 8% vốn cổ phần ngân hàng.
Các cổ phiếu giảm mạnh tiếp theo là SHB (-9,5%), VIB (-6,1%), EIB (-5,6%), BID (-5,5%), HDB (-4,1%),…
Khối lượng giao dịch của SHB tăng mạnh tuần qua nhưng giá cổ phiếu lại cắm đầu giảm với 4 phiên chìm trong sắc đỏ, chỉ phiên 6/4 tăng nhẹ 0,2%.
VIB tuần trước tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng thì sang tuần này lại giảm 6,1%, gần "bay" hết mức lãi có được trong tuần trước.
Các cổ phiếu lớn như CTG, TCB cũng chìm trong sắc đỏ tuần qua, giảm 3%.
Ở chiều ngược lại, có 7 cổ phiếu tăng giá là PGB, NVB, ACB, LPB, VPB, OCB, VCB.
Trong đó, PGB tăng mạnh nhất (8,6%), đóng cửa tuần này ở giá 33.000 đồng/cp. Cổ phiếu cũng ghi nhận thanh khoản tăng mạnh tuần qua, cao gấp 3 lần tuần trước.
NVB liên tục là cổ phiếu trong nhóm tăng mạnh nhất 2 tuần qua. Cổ phiếu này đã tăng 7% trong tuần trước và tăng tiếp 3,2% trong tuần này.
Thanh khoản của VPB bùng nổ tuần qua, đạt hơn 135 triệu đơn vị, cao nhất trong nhóm ngân hàng và tăng 70% so với tuần trước đó. Với việc giữ được sắc xanh trong tuần này, vốn hóa của VPB đã tăng lên hơn 172.000 tỷ đồng, chính thức vượt qua TCB (hơn 171.000 tỷ).
2 cổ phiếu khác thoát khỏi biển lửa là OCB và VCB với mức tăng lần lượt là 0,4% và 0,2%. OCB mới đây đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ với mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt hơn 7.100 tỷ đồng, đồng thời ngân hàng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%.
Khối ngoại tuần này bán ròng gần 109 tỷ đồng cổ phiếu STB sau khi liên tục gom ròng các tuần trước đó. Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 95 tỷ đồng cổ phiếu STB.
Các ngân hàng đang bước vào cao điểm mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên. Đến thời điểm này, VPB là ngân hàng có kế hoạch lợi nhuận cao nhất, mục tiêu đạt 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2021. Trong khi đó, Techcombank đạt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 27.000 tỷ đồng.
Năm 2022, nhiều ngân hàng tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ, đa số thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu như OCB, VIB, TPB, ACB, MB,...