Cổ phiếu ngành đá xây dựng: Thời điểm bứt phá đã đến gần?
Sau 2 năm sụt giảm khá mạnh, doanh thu của các công ty đá xây dựng niêm yết (bao gồm KSB, VLB, C32, DHA và NNC) đã tăng trưởng trở lại 11,8% trong năm 2022
- 07-07-2023Khối ngoại bán ròng đột biến 1.400 tỷ đồng phiên cuối tuần, một cổ phiếu ngân hàng bị "xả" gần 700 tỷ
- 07-07-2023Hừng đông của cổ phiếu dầu khí
- 07-07-2023Sau em trai, đến chồng Phó Chủ tịch một doanh nghiệp thép muốn bán bớt cổ phiếu khi thị giá đã hồi phục 90% từ đáy
Sau 2 năm sụt giảm khá mạnh, doanh thu của các công ty đá xây dựng niêm yết (bao gồm KSB, VLB, C32, DHA và NNC) đã tăng trưởng trở lại 11,8% trong năm 2022. Nhưng lợi nhuận trước thuế (LNTT) giai đoạn 2021-2022 giảm lần lượt 28,5%-57,4% so với cùng kỳ.
Mặc dù kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, các khó khăn đối với nhu cầu đá xây dựng tại khu vực miền Nam vẫn tiếp tục tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2023 khiến doanh thu và LNTT của các công ty đá xây dựng niêm yết đã giảm lần lượt 25,8%-37,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán kỳ vọng, nhu cầu đá xây dựng tăng từ quý IV/2023 nhờ giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ và ngành bất động sản dân dụng dần ấm trở lại. Ông Trần Bá Trung, CTCP Chứng khoán VNDIRECT cho thấy, một số tín hiệu tích cực hơn đối với ngành bất động sản đã dần xuất hiện thời gian gần đây. Cụ thể là các nút thắt pháp lý đã được tháo gỡ cho thị trường BĐS như Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản, Quyết định 388/QĐ-TTg về đề án phát triển nhà ở xã hội và mới đây nhất là Nghị định 10 tạo cơ sở giải quyết.
“Chúng tôi kỳ vọng nguồn cung bất động sản nội địa sẽ chỉ có thể được hồi phục từ quý III/2024 khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho nhu cầu đá xây dựng trong năm tới”, ông Trung phân tích.
Kỳ vọng khác đến từ việc phát triển hạ tầng giao thông sẽ là ưu tiên trong giải ngân đầu tư công tại Việt Nam giai đoạn 2023-2025. Từ đầu năm 2023, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu. Theo Bộ Tài chính, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2023 là 226.159,2 tỷ đồng, đạt 28,11% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 30,49%. Do đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công trong những tháng tới để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là 752.877,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, miền Nam, mặc dù là vùng kinh tế đóng góp GDP lớn nhất cả nước, tuy nhiên hệ thống cơ sở hạ tầng lại khá hạn chế do phân bổ vốn đầu tư công cho phát triển hạ tầng giao thông tại khu vực miền Nam thấp trong giai đoạn 2011-2020…
Thời gian gần đây, Chính phủ đang cho thấy quyết tâm xóa bỏ “điểm nghẽn” giao thông tại miền Nam, đặc biệt tại ĐBSCL. Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, khu vực ĐBSCL sẽ được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.166 km. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 cũng tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Trong khi tại Đông Nam Bộ, dự án đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và sân bay Long Thành sẽ là điểm nhấn chính. Triển vọng triển khai thi công hàng loạt dự án giao thông lớn sẽ kích thích nhu cầu đá xây dựng tại khu vực miền Nam trong thời gian tới.
Đáng chú ý, siêu dự án sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thi công kể từ tháng 8/2023. Theo Bộ Giao thông - Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng lần lượt là 18 triệu m3, 4,4 triệu m3 và 3,4 triệu m3. Trong khi đó, trữ lượng và công suất khai thác đá xây dựng tại ĐBSCL khá hạn chế và cần phải huy động từ các khu vực lân cận. Do đó, những mỏ đá tại 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai sẽ được hưởng lợi chính từ chủ đề này nhờ vị trí thuận lợi và trữ lượng khai thác đá lớn.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia phân tích, các công ty đá xây dựng đang đứng trước cơ hội bứt phá trong những quý tới nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm bắt đầu thi công mạnh mẽ và thị trường bất động sản dân dụng dần ấm trở lại từ năm 2024.
Thời báo ngân hàng