Cổ phiếu ngành ‘miễn nhiễm’ với đà rớt giá cao su thiên nhiên
Trong giai đoạn thị trường chung lao dốc, cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành cao su chỉ biến động trong biên độ hẹp.
Giá cao su kỳ hạn giao dịch tại Thị trường hàng hóa Tokyo (TOCOM) hiện đã rớt về mốc 160 JPY/kg, giảm 20% so với thời điểm đầu năm.
Giá cao su thiên nhiên từng đạt mức cao nhất tại 526,4 JPY/kg vào tháng 2/2011, ngay sau đó là sự lao dốc mạnh kéo dài 6 năm liền. Từ giữa năm 2016 đến giữa năm 2017, giá cao su có sự phục hồi đáng kể lên mức giá 350 JPY/kg đem lại sự khởi sắc hơn cho các doanh nghiệp trồng trọt trong ngành. Thế nhưng trong vòng 1 năm trở lại đây, giá cao su lại giảm và hiện chỉ còn cách mức thấp nhất ghi nhận vào tháng 1/2016 chưa đến 20 JPY/kg.
Diễn biến giá cao su kỳ hạn tại Thị trường hàng hóa Tokyo 5 năm qua
Dẫu đặt trong bối cảnh thị trường chung diễn biến không thuận lợi (VN-Index giảm gần 23% từ mốc 1.204,33 điểm đầu tháng 4 về 980,95 điểm chốt phiên 20/6) cộng thêm yếu tố riêng của ngành tiêu cực nhưng hầu hết cổ phiếu ngành cao su chỉ biến động trong biên độ hẹp hoặc tăng mạnh. Ví như, cổ phiếu TRC của Cao su Tây Ninh tăng giảm trong khoảng giá 25.000-28.000 đồng/cp 3 tháng qua, cổ phiếu DPR của Cao su Đồng Phú gần như đi ngang quanh mức 39.000-40.000 đồng/cp, cổ phiếu HRC của Cao su Hòa Bình lại đi ngược thị trường tăng từ 24.000 đồng/cp lên 36.000 đồng/cp, cổ phiếu PHR của Cao su Phước Hòa cũng loanh quanh tại vùng giá 40.000-47.000 đồng/cp trước chia thưởng tỷ lệ 3:2 và sau khi chia thưởng thì xuống mốc 23.100 đồng/cp.
Lộ rõ sự phân hóa giữa các doanh nghiệp
Dẫu diễn biến giá cao su bất lợi nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành có sự phân hóa.
Có đơn vị suy giảm lợi nhuận rõ rệt như Cao su Tây Ninh, quý I doanh thu giảm nhẹ 4 tỷ đồng đạt 81 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng chỉ 11,4 tỷ đồng, bằng 1/3 quý I/2017. Nguyên nhân là giá vốn tăng làm biên lãi gộp giảm mạnh và lợi nhuận khác giảm từ 27,3 tỷ đồng xuống 5,5 tỷ đồng. Cho đến cuối tháng 4 thì giá bán và giá thành cao su của TRC chỉ còn chênh nhau gần 2,4 triệu đồng/tấn.
Như vậy, qua quý đầu tiên của năm, TRC mới hoàn thành 13% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận năm 2018 của TRC vốn đã giảm đến 37% so với thực hiện năm trước.
Tương tự, Cao su Hòa Bình cũng đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay sụt giảm nhiều so với thực hiện năm trước. Cụ thể, tổng doanh thu 145,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 35%. Hết quý I, công ty mới ghi nhận vỏn vẹn 1 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 18% kế hoạch năm.
Trong khi đó, “ông lớn” trong ngành Cao su Đồng Phú lại ghi nhận sự tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, 5 tháng đầu năm, công ty đạt lãi gộp về sản xuất kinh doanh 148 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, phần lợi nhuận sản xuất kinh doanh cao su của đơn vị chỉ đạt 14,2 tỷ đồng, giảm gần 70%. Giá bán cao su bình quân trong 5 tháng đầu năm là 35,9 triệu đồng/tấn, giảm 26% cùng kỳ năm trước, riêng tháng 5 giá bán giảm về 34,1 triệu đồng/tấn. Trong cơ cấu nguồn thu của Đồng Phú 5 tháng qua, đóng góp lớn nhất là doanh thu tài chính, cây cao su và khác 153 tỷ đồng, chiếm 56% tổng doanh thu.
Với những gì đạt được trong 5 tháng đầu năm, Cao su Đồng Phú dự định trình cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tới đây chỉ tiêu doanh thu 781 tỷ, giảm 6% và lãi trước thuế 245,8 tỷ đồng, tăng 1,6% năm trước.
Cao su Phước Hòa dự báo giá bán cao su năm 2018 có xu hướng biến động trong biên độ hẹp, ngoài ra, vườn cây già phải tiếp tục thanh lý, tình trạng thiếu lao động, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, bệnh phấn trắng trên vườn cây khai thác sẽ là những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác, doanh thu và lợi nhuận của công ty.
Theo đó, mục tiêu kinh doanh năm nay của công ty là tổng doanh thu 1.606 tỷ đồng, lãi trước thuế 400,5 tỷ đồng; giảm nhẹ so với thực hiện năm 2017. Trong quý I, doanh thu Phước Hòa giảm mạnh từ 412 tỷ xuống 268 tỷ đồng khiến lãi gộp giảm 16,6% cùng kỳ năm trước. Song, lợi nhuận hoạt động khác đạt đến 64 tỷ đồng, tăng 80% đã đẩy lãi ròng lên 83,5 tỷ đồng, tăng trưởng 40%. Lợi nhuận trước thuế 114 tỷ đồng, hoàn thành 28,5% chỉ tiêu năm.
Theo một báo cáo ra đầu tháng 3/2018, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo doanh thu năm 2018 của Phước Hòa đạt 1.762 tỷ đồng, tăng 6,5% cùng kỳ năm trước. Đồng thời, PHR sẽ có lợi nhuận khác khoảng 665 tỷ từ thu hoạch gỗ cây cao su và chuyển đổi đất thành khu công nghiệp giúp lợi nhuận trước thuế ước đạt 608 tỷ đồng, tăng 86% cùng kỳ năm trước.
VCSC cho biết hiện số lượng cây cao su bước vào cuối thời kỳ khai thác (trên 26 năm) của PHR chiếm 19% diện tích trồng, cộng thêm yếu tố thị trường gỗ tiếp tục được thắt chặt nên PHR có thể hưởng lợi từ thanh lý vườn cây. Trong giai đoạn 2018-2021, công ty sẽ thanh lý khoảng 1.000-1.200 ha cây cao su.
Ngoài ra, PHR có quỹ đất lớn để mở rộng khu công nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2005-2017, công ty đã chuyển đổi 1.000 ha diện tích cao su thành 2 khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Tân Bình. Với dòng vốn FDI mạnh, PHR dự kiến sẽ tiếp tục chuyển đổi 1.000-2.000 ha diện tích đất thành các khu công nghiệp giai đoạn 2018-2020.
VCSC cho biết các điều khoản cơ bản của dự án đã được chấp thuận, trong đó PHR sẽ giao 355 ha đất cho Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) và 691 ha đất cho Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) với giá lần lượt 950 triệu đồng/ha và 1 tỷ đồng/ha. Đối với dự án VSIP, PHR sẽ nhận được 20% lợi nhuận hàng năm của khu công nghiệp này. PHR cũng hợp tác với Thành Thành Công Group thuê đất trồng mía, sau 3 năm Thành Thành Công sẽ trả lại đất cho công ty để tái canh.
Như vậy, với các "ông lớn" như Cao su Đồng Phú, Cao su Phước Hòa thì vẫn còn cứu cánh từ các nguồn khác lớn đủ giúp bù đắp được sự hao hụt trong hoạt động kinh doanh chính khi giá cao su thiên nhiên lao dốc. Nhưng với Cao su Tây Ninh, Cao su Hòa Bình sau thời gian dài sống nhờ hoạt động khác thì nay đã thực sự rơi vào tình trạng khó khăn, lợi nhuận suy giảm trầm trọng.
Người đồng hành