Cổ phiếu ngành năng lượng tái tạo âm thầm bứt phá, nhiều mã lập đỉnh mới
So với thời điểm VN-Index tạo đáy vào ngày 20/7, nhiều cổ phiếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như BCG, REE, HDG, PC1, FCN...đã tăng trưởng hàng chục phần trăm.
Hàng loạt cổ phiếu năng lượng tái tạo bứt phá
Sự sôi động của thị trường chứng khoán thời gian qua đã giúp hàng loạt nhóm cổ phiếu tăng mạnh. Không quá "ồn ào" như nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản..., các cổ phiếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đã âm thầm bứt phá, thậm chí nhiều mã lập đỉnh mới.
So với thời điểm VN-Index tạo đáy vào ngày 20/7, nhiều cổ phiếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tăng trưởng hàng chục phần trăm.
Dẫn đầu trong những cổ phiếu tăng trưởng mạnh trong thời gian qua là "ông lớn" trong ngành năng lượng tái tạo Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG). Từ mức giá 9.470 đồng vào cuối tháng 7, cổ phiếu này liên tiếp phá đỉnh cũ, lập đỉnh mới tại mốc 25.750 đồng/cổ phiếu vào phiên 10/12. Mức tăng 172% trong vòng 5 tháng là sự bứt phá ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử của BCG. Bởi, trong những năm trở lại đây cổ phiếu này chủ yếu giao dịch ở mức vỏn vẹn vài nghìn đồng.
Đi cùng với đà tăng của điểm số, thanh khoản của BCG cũng tăng vọt, thậm chí có phiên khớp lệnh tới gần 20 triệu cổ phiếu, trong khi trước đó khối lượng giao dịch của mã này chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đơn vị.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu cả năm 2021 của BCG được dự báo tăng trưởng ở mức 231,7%, riêng doanh thu mảng năng lượng tái tạo dự kiến đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Chứng khoán VNDirect kỳ vọng BCG có tiềm năng lớn để mở rộng thị phần trong tương lai do kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mạnh mẽ. Đáng chú ý, BCG đang chuẩn bị đầu tư một chuỗi dự án năng lượng tái tạo, với công suất đạt 1,5 GW vào năm 2023, dự kiến sẽ chiếm 5% tổng thị phần vào năm 2030.
Công ty Cổ phần FECON (mã FCN) cũng là tâm điểm của sự chú ý khi tăng mạnh trong thời gian gần đây. Với mức tăng 128% trong vòng 5 tháng, cổ phiếu FCN đang giao dịch ở mức 24.550 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá cao nhất của FCN kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đà tăng tích cực của giá cổ phiếu một phần đến từ những bước đi chiến lược của FCN khi đặt mục tiêu lấn sân sang đầu tư dự án năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện gió, điện mặt trời tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Fecon dự kiến dành 340 tỷ đồng đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo và dự án hạ tầng đô thị trong năm 2021 và con số này dự kiến sẽ tăng lên 1.220 tỷ đồng vào năm 2022.
Cổ phiếu PC1 của Công ty Xây lắp Điện I cũng không nằm ngoài làn sóng tăng giá khi tăng gần gấp đôi chỉ sau vài tháng. PC1 chính thức phá đỉnh lịch sử ở mốc 40.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cũng duy trì ở mức cao với gần 6 triệu cổ phiếu trao tay trong ngày 10/12.
Điểm sáng của PC1 đến từ kỳ vọng về doanh thu tăng trưởng ấn tượng nhờ 3 dự án điện gió lớn có tổng công suất lên tới 144MW đang được vận hành. Theo đó, tiềm năng tăng trưởng dài hạn vẫn khả quan khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao hơn tốc độ tăng GDP và khả năng giá FIT cho điện gió có thể được kéo dài tới hết 2023.
Đáng chú ý, các dự án điện gió của PC1 như Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên...đã hoàn thành COD trước 1/11, được kỳ vọng tăng gấp đôi doanh thu/lợi nhuận trong năm 2022 cho mảng phát điện. Ngoài ra, PC1 đang tiếp tục khảo sát các dự án điện gió tiếp theo và hoàn toàn có khả năng tự phát triển và quản lý vận hành.
Tập đoàn bất động sản Hà Đô (mã HDG) cũng tỏ rõ tham vọng với mảng năng lượng tái tạo khi mở rộng danh mục đầu tư sang các dự án điện gió và điện mặt trời. Đến tháng 7/2021, HDG quyết định chi 1.199 tỷ đồng thành lập Công ty cổ phần Năng lượng Hà Đô (HDG chiếm 99,97% vốn điều lệ), cho thấy chiến lược phát triển năng lượng ngày càng rõ của HDG.
Bước chuyển biến này giúp cổ phiếu HDG tăng tốc mạnh mẽ. Từ mức giá 51.600 đồng vào hồi tháng 7, HDG tăng mạnh và giao dịch quanh mốc đỉnh 76.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu của doanh nghiệp năng lượng tái tạo khác cũng đua nhau bứt phá với mức tăng ấn tượng như GEX, LIG, TV2,REE,...
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2022, nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam sẽ tăng mạnh do yếu tố thời tiết và sự khôi phục sản suất sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát.
Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Quang Quyền, Phó tổng giám đốc REE cũng đưa ra nhận định, sau đại dịch Covid-19 nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh trở lại, tình trạng thiếu hụt điện có thể tiếp tục tiếp diễn, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc.
"Chính phủ hiện không khuyến khích đầu tư điện than, trong khi ở miền Bắc, loại hình này đang chiếm chủ yếu. Chắc chắn từ quý 4/2021 đến năm 2023, khu vực này sẽ thiếu điện", ông Quyền dự báo.
Trên thực tế, các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp điện cho nhiều tỉnh, thành phố tại miền Bắc trong thời điểm thiếu hụt điện vào hồi tháng 5-6/2021.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công thương trình Chính phủ, tỷ trọng đóng góp của nguồn điện năng lượng tái tạo trong tổng công suất hệ thống điện sẽ tăng mạnh trong tương lai, chiếm 40,6% tổng công suất hệ thống điện vào năm 2045. Theo đó, năng lượng tái tạo được đặt mục tiêu tăng trưởng kép 7,3% trong giai đoạn 2020-2045, nâng tỷ trọng từ 25,8% vào năm 2020 lên 41% công suất cả nước vào năm 2045.
Công suất điện tái tạo dự báo tăng trưởng mạnh, chiếm 40,6% tổng công suất hệ thống điện vào năm 2045 (Nguồn: VNDirect)
Trong bối cảnh nhu cầu về nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội ngày càng lớn cùng với những chính sách hỗ trợ, đặc biệt là cơ chế giá FIT - cố định giá mua điện trong vòng đời dự án đã khiến năng lượng tái tạo được xem là "mỏ vàng" tiềm năng thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh tay rót vốn đầu tư.
Với những cơ hội phát triển trong dài hạn, giới phân tích cho rằng các cổ phiếu của các doanh nghiệp điện tái tạo vẫn còn dư địa tăng trưởng mặc dù một số cổ phiếu đã tăng khá mạnh trong thời gian qua.
Trong báo cáo phân tích mới đây, VNDirect đánh giá cao các cổ phiếu sở hữu các dự án năng lượng tái tạo với mức giá FIT ưu đãi hấp dẫn và các cổ phiếu phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo, trong đó có BCG và FCN. Bên cạnh đó, với những chính sách hỗ trợ của Chính Phủ, VNDirect cũng kỳ vọng một số công ty điện gió sẽ có cơ hội phát triển tốt trong tương lai, bao gồm HDG, GEG, REE, PC1,..
Chứng khoán HSC cũng đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu ngành điện trong báo cáo vừa công bố. Theo HSC, khi nền kinh tế hồi phục sẽ khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đặc biệt năng lượng sạch sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai sẽ là giúp các doanh nghiệp điện hưởng lợi, thu hút được dòng tiền.
Nhịp sống kinh tế