Cổ phiếu nhiệt điện nóng lên nhờ El Nino, điện khí “lên ngôi” cùng Quy hoạch điện VIII
Hầu hết các cổ phiếu nhiệt điện đều đã tăng hàng chục % sau chưa đầy 5 tháng và đang giao dịch quanh vùng giá cao nhất kể từ đầu năm.
- 23-05-2023Lợi nhuận kỳ vọng đã tạo đáy trong quý 1, đâu sẽ là nhóm ngành đột phá trở lại trong nửa cuối năm 2023?
- 23-05-2023Nắng nóng cao điểm, một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán thu cả triệu USD mỗi ngày nhờ bán điều hòa, điện, nước
Thời gian gần đây, câu chuyện thiếu điện đang trở thành đề tài nhận được nhiều sự quan tâm. El Nino trở lại kéo theokhô hạn được dự báo sẽ khiến cho thủy điện không còn thuận lợi, dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng này có khả năng sẽ xuất hiện từ cuối tháng 5 với xác suất khoảng 70 - 80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024.
Tại Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/5, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến ngày 21/5, tại khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém. 17/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, tần suất nước về nhiều hồ thấp nhất trong 100 năm qua.
Với tình trạng này, các nhà máy nhiệt điện sẽ phải tăng cường huy động dù không phải là nguồn phát được ưu tiên. Bộ Công Thương cùng EVN đã liên tục có các buổi làm việc với các nhà cung cấp nhiên liệu là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc để đảm bảo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2023.
Không bỏ qua cơ hội, cổ phiếu của các doanh nghiệp có tỷ trọng nhiệt điện cao như POW, PGV, NT2, PPC, QTP, HND,… đã tranh thủ bứt tốc. Hầu hết các cổ phiếu này đều đã tăng hàng chục % sau chưa đầy 5 tháng và đang giao dịch quanh vùng giá cao nhất kể từ đầu năm, thậm chí NT2 còn đang trên đỉnh lỉnh sử.
Bước ngoặt mang tên Quy hoạch điện VIII
Trong báo cáo mới nhất, VNDirect cho rằng Quy hoạch điện VIII (QHĐ8) chính thức được phê duyệt đã đánh giá toàn diện hơn, đưa vào cân đối nhiều loại nguồn điện linh hoạt hơn.
Về cơ bản, QHĐ7 và QHĐ8 đều được xây dựng nhằm đáp ứng kịch bản phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7% và tăng trưởng tiêu thụ điện trung bình khoảng 9% trong giai đoạn 2021-30 nhưng tỷ trọng cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi đáng kể.
QHĐ8 đẩy mạnh phát triển các giải pháp xanh hơn với nỗ lực hoàn thành các thỏa thuận trong “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) đã ký kết trong 2022. Tuy nhiên, QHĐ8 có thể sẽ khó thực hiện hơn QHĐ7 điều chỉnh do tỷ trọng lớn của nhóm điện khí và điện gió, trong khi các công nghệ nhiên liệu thay thế như hydro, ammoniac cho các nhà máy nhiệt điện vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa hiệu quả để đưa ra thị trường.
Đối với nhiệt điện , dự kiến điện khí sẽ là nguồn điện mũi nhọn trong giai đoạn 2021-30 với tăng trưởng kép đạt 26%, mức cao nhất trong số các nguồn điện chính và chiếm 27% tổng công suất nguồn điện. Trong giai đoạn 2030-50, tăng trưởng kép điện khí sẽ chậm lại đạt 4%, chiếm 15% tổng công suất. Đáng chú ý, nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải, điện khí sẽ phải chuyển đổi một phần nhiên liệu đầu vào sang đốt kèm với hydro sau 20 năm hoạt động.
Trong khi đó, QHĐ8 chính thức loại bỏ tổng cộng 13.220MW điện than, đánh dấu hồi kết sớm cho nguồn điện này. Hiện tại, phương án phát triển nguồn cũng đã tính đến trường hợp 6.800MW được bổ sung quy hoạch nhưng có rủi ro không triển khai được do những khó khăn về thu xếp vốn, bù đắp bằng việc tiếp tục nâng cao tỷ trọng điện gió và điện khí.
Thời gian tới, các nhà máy điện than trên 40 năm sẽ bị loại bỏ, trong khi các nhà máy khác sẽ phải nghiên cứu đốt kèm thêm ammoniac sau 20 năm hoạt động. Dự kiến, công suất điện than sẽ tăng 2% trong 2021-30 và giảm 1% trong 2030-50, tỷ trọng giảm từ 19% tổng công suất trong 2030 xuống còn 4% trong 2050.
Đối với năng lượng tái tạo , phát triển điện gió dự kiến sẽ là mục tiêu quan trọng nhất trong cả ngắn và dài hạn, đặc biệt khi Việt Nam có những động lực nhằm đạt được những tiêu chuẩn của JETP đề ra với nỗ lực huy động được những nguồn vốn xanh, rẻ. Theo đó, điện gió sẽ tăng trưởng kép 25% trong 2021-30 và 6% trong 2030-50, chiếm lần lượt 13% và 14% tổng công suất nguồn trong 2 giai đoạn này.
Thêm nữa, Việt Nam dự kiến sẽ đưa vào vận hành 6.000MW điện gió ngoài khơi đầu tiên trong 2021-30, sau đó sẽ bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn nguồn điện này với tăng trưởng kép đạt 15% trong 2030-50, chiếm 16% tổng công suất nguồn điện.
Mặt khác, sau giai đoạn phát triển ồ ạt 2020-21, tăng trưởng công suất điện mặt trời dự kiến sẽ chậm lại từ nay đến 2030. Tuy nhiên, QHĐ8 vẫn khuyến khích phát triển không giới hạn điện mặt trời với mục đích tự tiêu thụ. Theo đó, công suất điện mặt trời dự kiến tăng trưởng khiem tốn giai đoạn 2021-30 và tăng mạnh trở lại 15% từ 2030 trở đi, và chiếm 33% tổng công suất nguồn điện trong 2050.
Đối với thủy điện , công suất thủy điện dự kiến tăng trưởng kép 1% trong 2021-50 do nguồn điện này về cơ bản đã gần hết tiềm năng khai thác, chỉ còn dư địa để phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Ở khía cạnh khác, QHĐ8 đã mạnh dạn đề cao hơn việc phát triển các nguồn điện linh hoạt khác như thủy điện tích năng, pin lưu trữ, và các nguồn điện sinh khối. VNDirect tin rằng sự bổ trợ của các nguồn điện mới này sẽ củng cố sự ổn định của hệ thống điện Việt Nam trong dài hạn.
Nhịp Sống Thị Trường