MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Cổ phiếu nổi bật tuần] TMT - Chiến lược kinh doanh đưa giá cổ phiếu “bốc hơi” gần 60%

Theo dõi báo cáo TMT, nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu này hẳn cũng biết trong giai đoạn vừa qua, công ty đề ra chiến lược sử dụng đòn bẩy để nhập xe dự trữ hàng tránh rủi ro tỷ giá. Nhưng chính điều này lại khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm khi hàng không bán được nhiều mà chi phí tài chính lại tăng.

Diễn biến giá cổ phiếu TMT gần đây

Thời kỳ hoàng kim của toàn ngành ô tô một năm về trước đưa giá cổ phiếu TMT có những thời điểm lên cao nhất lên hơn 57.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 29/10/2015. Nhưng chỉ sau một năm, kết thúc phiên cuối tuần qua, TMT dư bán sàn hơn 100 nghìn đơn vị, mà thị giá cũng chỉ còn 19.400 đồng.

Kết quả kinh doanh quý III/2016, TMT chỉ đạt lợi nhuận hơn 500 triệu đồng, một con số thấp đến “đánh sợ” với cổ đông. Điều này tác động ngay đến giá cổ phiếu, nhà đầu tư thất vọng lao ra bán tháo. Nguyên trong tuần qua, TMT đã đánh mất tới hơn 11% giá trị. Xa hơn, trong 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu này giảm tới gần 27%.

So với thời điểm cách đây 1 năm, những cổ đông trung thành của công ty này đã mất đi gần 59% tổng giá trị khoản đầu tư. Với thông tin lợi nhuận được công bố trong quý III, giá cổ phiếu TMT không biết sẽ dừng tại đâu khi kỳ vọng nhà đầu tư gần như mất hết.

Chiến lược dự trữ hàng hóa

Câu chuyện bắt đầu từ việc cơ quan quản lý kiểm soát chặt hơn xe trở quá trọng tải, nên lượng tiêu thụ tăng đột biến trong năm 2015. Hoạt động chính là sản xuất, lắp ráp xe gắn máy, xe ô tô tải các loại, TMT như hóa rồng với nhà đầu tư khi lợi nhuận và doanh thu tăng vọt.

Dự đoán thị trường vẫn tiêu thụ tốt trong thời gian tiếp theo. Nhưng thực tế lại không đi theo điều này, bắt đầu từ quý IV/2015, lợi nhuận công ty bắt đầu đi xuống. Trong khi cùng kỳ TMT đạt 29 tỷ đồng LNST thì tới quý IV/2015 công ty chỉ đạt 6,8 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu trong xấp xỉ cùng kỳ, đạt 532 tỷ đồng, lãi gộp vượt trội (74,6 tỷ đồng so với 63,9 tỷ đồng). Nhưng chi phí tăng mạnh khiến lợi nhuận chẳng còn được là bao.

Nhưng thời điểm này nhà đầu tư vẫn kỳ vọng khá cao, khi tổng lợi nhuận đạt được của công ty năm 2015 vẫn là 186,6 tỷ đồng, gấp 3 lần kết quả đạt được năm 2014.

Hoài nghi bắt đầu tiếp trong thời gian sau đó. Qúy I/2016 công ty cũng chỉ đạt 18,6 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi cùng kỳ công ty đạt hơn 42 tỷ đồng. Cùng với doanh thu và lợi nhuận gộp là tương đương nhau nhưng chi phí tài chính và bán hàng lần lượt tăng mạnh đã nướng hết lợi nhuận có được.

Việc tăng nợ vay nhanh chóng đã khiến cho chi phí lãi vay tăng 4 lần lên 26,4 tỷ đồng từ 6,7 tỷ đồng cùng kỳ quý I/2014.


Các chỉ tiêu hoạt động của TMT qua các năm và 9 tháng 2016

Các chỉ tiêu hoạt động của TMT qua các năm và 9 tháng 2016

Với dự đoán doanh thu tăng 70% trong năm 2016, công ty đã mạnh tay dự trữ hàng từ 6 tháng cuối năm 2015. Do vậy, đến thời điểm cuối quý I/2016, hàng tồn kho tăng gấp đôi lên 1.500 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản.

Tuy nhiên các tài sản mới lại gần như được tài trợ bằng vay nợ ngắn hạn (thay vì trả chậm cho nhà cung cấp nước ngoài để tránh rủi ro tỷ giá) đã làm gia tăng đòn bẩy tài chính của công ty lên 5,1 lần, cao nhất trong các doanh nghiệp ngành bán lẻ ô tô thời điểm bấy giờ.

Tồi tệ hơn, tới quý III/2016, với sự sụt giảm mạnh về doanh thu, khi TMT chỉ đạt 528 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận gộp là 28 tỷ đồng nhưng với chi phí tài chính và bán hàng vẫn ở mức cao, TMT chỉ đạt hơn 500 triệu đồng lợi nhuận sau thuế.

Với nghị quyết đại hội đồng cổ đông đưa ra, nếu trong năm 2016 nếu TMT hoàn thành vượt kế hoạch lãi ròng 256 tỷ đồng thì Tổng giám đốc sẽ được nhận 1 triệu cổ phiếu thưởng. Nhưng nhiều nhà đầu tư thời điểm này đã dần cảm nhận với con số trên, khả năng hoàn thành kế hoạch thật xa vời, chứ đừng nói tới việc một lần nữa thưởng cho ban điều hành cổ phiếu.

Theo Mai Hương

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên