Cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng trần, đà tăng có bền?
Hàng loạt cổ phiếu phân bón như DPM, DCM, BFC, PSW, SFG tăng trần trong phiên 25/8 trước thông tin về việc một số nhà máy phân bón ở châu Âu tạm dừng sản xuất do giá khí cao kỷ lục.
Phiên 25/8, VN-Index tăng 11.72 điểm, lên 1.288,88 điểm. Đóng góp vào mức tăng này chủ yếu là các mã VN30 với 26/30 mã tăng giá. Bên cạnh đó, điểm sáng của phiên nay là nhóm phân bón với hàng loạt cổ phiếu tăng trần.
Đà tăng của các cổ phiếu phân bón đã bắt đầu từ phiên sáng nhưng đặc biệt bùng nổ trong đầu phiên chiều khi thông tin "phím hàng" cổ phiếu phân bón lan truyền trên nhiều hội nhóm chứng khoán.
Hai mã cổ phiếu phân bón nổi bật là DPM và DCM đều xuất hiện lực mua và thanh khoản lớn trong phiên hôm nay. Cuối phiên sáng cổ phiếu DPM đã tăng 4,81% và chỉ trong ít phút đầu giờ chiều cổ phiếu này đã tăng kịch biên độ (6,9%). Cổ phiếu DCM cũng ghi nhận mức tăng 4,83% vào cuối phiên sáng và tăng kịch trần (6,94%) trong hơn 10 phút đầu phiên chiều.
Tương tự, đà tăng lan rộng ra gần hết các cổ phiếu nhóm phân bón khi PSW, BFC, SFG tăng trần, trong khi PMB tăng 7%, PSE tăng 6,5%, LAS tăng 5,7%, DDV tăng 4,2%, PCE tăng 3,7%...
Cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng mạnh trong phiên 25/8
Cổ phiếu nhóm ngành phân bón đồng loạt tăng mạnh trong phiên hôm nay một phần nguyên nhân là do thông tin về việc một số nhà máy phân bón ở châu Âu tạm dừng sản xuất do giá khí cao kỷ lục.
Theo Bloomberg, công ty hoá chất lớn nhất Ba Lan Grupa Azoty và cũng là nhà sản xuất phân bón khoáng chất lớn thứ nhì trong Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo tạm dừng sản xuất các loại phân bón bao gồm phân nitrogen và caprolactam. Ngoài ra, công ty cũng cắt giảm sản lượng ammonia vì không đảm bảo được mức lợi nhuận cần thiết khi giá khí đốt không ngừng lập kỷ lục mới.
Trong bối cảnh giá khí đốt ở châu Âu tăng gấp hơn 4 lần trong năm nay do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm do các lệnh cấm, Azoty đã nỗ lực để tránh việc cắt giảm sản lượng phân bón nhưng cuối cùng, đã không cầm cự được.
Trước đó, một số công ty sản xuất phân bón khác ở châu Âu cũng đã phải ngừng sản xuất trong cuộc khủng hoảng khí đốt. Tháng trước, một công ty hoá chất hàng đầu khác của Ba Lan là Yara International ASA đã tuyên bố cắt giảm sản lượng. Anwil SA, bộ phận hoá dầu của hãng lọc dầu lớn nhất Ba Lan PKN Orlen SA, cũng dừng sản xuất phân bón từ hôm thứ Hai tuần này.
Châu Âu vốn chủ yếu nhập khẩu phân bón từ Nga. Tuy nhiên, sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nguồn cung phân bón từ Nga xuất khẩu sang châu Âu đã suy giảm rõ rệt. Trái lại, nhập khẩu phân bón từ các quốc gia khác vào châu Âu đang tăng lên. Điều này có thể mở ra hy vọng cho các doanh nghiệp phân bón Việt Nam trong việc gia tăng thị phần tại châu Âu.
Tuy nhiên, điều này sẽ không hề dễ dàng bởi theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp phân bón Việt Nam vẫn tập trung ở các nước châu Á như Campuchia, Malaysia, Philippines, Myanmar, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 298.050 tấn trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch 160,4 triệu USD. Dù lượng giảm gần 40 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch tăng gần 40 triệu USD, tương đương tăng gần 33%.
Theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm cả nước đã xuất khẩu 1.111.037 tấn phân bón, kim ngạch 721,8 triệu USD, tăng 41,5% về lượng và tăng 174,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Song sản lượng xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 7/2022 đã sụt giảm 48% so với tháng 6/2022 xuống còn 112.705 tấn, theo đó kim ngạch xuất khẩu cũng giảm 49% về mức 75,16 triệu USD.
Nhận định về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp phân bón trong những tháng cuối năm, Chứng khoán KIS cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể chậm lại.
Cụ thể, công ty chứng khoán này cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp toàn ngành đã đạt đỉnh mới trong quý 1/2022 tại mức 31,7% và có thể giảm trong những quý tiếp theo nếu giá phân bón có xu hướng giảm trong những tháng tới, cùng với tốc độ tăng phi mã của giá nhiên liệu do căng thẳng chính trị toàn cầu.
Thực tế, sau quý 1 bùng nổ với lợi nhuận lập đỉnh, lợi nhuận quý 2 của các doanh nghiệp phân bón như DCM, DPM đã bắt đầu chững lại rõ rệt trong quý 2. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý 2 của DCM đạt 1.039 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 32% so với quý 1. Trong khi, lợi nhuận sau thuế trong quý 2 của DPM đạt 1.256 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn kém xa mức lãi kỷ lục 2.126 tỷ đồng của quý 1 năm nay.
LNST quý 2 của DPM, DCM đều giảm mạnh so với con số kỷ lục ở quý 1 và là mức thấp nhất trong 3 quý trở lại đây. |
Trong một báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của DPM sẽ tiếp tục giảm trong quý 3/2022 và thậm chí có thể âm trong quý 4/2022.
Theo SSI Research, nhu cầu urê có thể tiếp tục suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và quý 3 thường là quý tiêu thụ thấp điểm. Mùa cao điểm quý 4 sẽ hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ urê nhưng có thể sẽ không phục hồi nhiều trước lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá các mặt hàng nông nghiệp.
Về thị trường xuất khẩu, SSI Research cho biết Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu urê vào quý 3/2021, do đó đã đẩy giá urê tăng lên đáng kể. Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với urê dự kiến sẽ được gỡ bỏ vào cuối tháng 6/2022 nhưng vẫn sẽ hạn chế xuất khẩu urê cho đến cuối năm để đảm bảo đủ lượng hàng tồn kho cho nhu cầu sử dụng trong nước, trong bối cảnh các đợt giãn cách xã hội tiếp tục diễn ra.
Trong khi đó, Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với urê trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022, nhưng mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 (so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022). Do đó, sản lượng xuất khẩu urê toàn cầu trong 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ sẽ cao hơn so với nửa đầu năm 2022, qua đó hỗ trợ giảm giá urê.
Ngoài ra, giá than và giá dầu đã điều chỉnh đáng kể so với đỉnh trong khi giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vẫn ở mức cao do gián đoạn nguồn cung từ Nga cùng lo ngại về khả năng sự gián đoạn này sẽ kéo dài. Giá khí đốt tự nhiên cao ở châu Âu chủ yếu ảnh hưởng đến giá urê ở Biển Đen và Ai Cập trong khi giá than điều chỉnh mạnh đã tác động lên giá urê tại Trung Quốc.
SSI Research cho rằng, giá urê trên thị trường Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ với giá urê tại thị trường Trung Quốc hoặc Indonesia, hơn là giá urê tại Biển Đen hoặc Ai Cập. Do đó, giá urê của DPM có thể tiếp tục giảm, đi cùng với sự điều chỉnh của giá than và giá dầu.
Nhịp Sống Kinh Doanh