MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu phòng thủ: Tưởng chậm mà không chậm

Các cổ tăng “khủng” trong giai đoạn vừa qua là những cổ phiếu mà doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng đều đặn qua các năm và có quá trình sàng lọc, lựa chọn nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có uy tín để cùng tham gia điều hành doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán trong hai năm gần đây đã có những thay đổi mạnh mẽ từ các chính sách cho đến sự thay đổi về chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết. Điển hình của sự thay đổi này là việc nhà nước đã đồng ý nới room của khối ngoại, thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Từ đó, các doanh nghiệp có chất lượng kinh doanh tốt được các tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài rót ưa chuộng để đầu tư, rót vốn và tham gia quá trình điều hành, quản trị doanh nghiệp.

Chính bởi sự thay đổi về các chính sách đó, cùng với việc xây dựng thị trường chứng khoán từ cận biên lên trở thành thị trường mới nổi, tức là chúng ta đang cố gắng để nâng hạng thị trường nhằm tiếp tục thu hút mạnh nguồn vốn từ nước ngoài, thu hút vốn từ các định chế tài chính lớn.

Trước đây, nhóm cổ phiếu ngành dược được coi là nhóm cổ phiếu phòng thủ, là các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng đều đặn hàng năm và mức cổ tức lớn, nhưng giá cổ phiếu nhóm ngành này thường không biến động đột biến như cổ phiếu bất động sản hay nhóm cổ phiếu midcap.

Mặc dù vậy, diễn biến giá cổ phiếu của nhóm ngành này trong năm 2017 là không khỏi bất ngờ. Điển hình là Công ty cổ phần Dược Hậu Giang DHG và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC).

DHG là một trong số các doanh nghiệp niêm yết duy trì được mức tỷ lệ cổ tức trên 30% hàng năm. Năm 2015 công ty này chia cổ tức bằng tiền mặt 30%, năm 2016 tỷ lệ 355%. Ngày 17/5/2017 DHG sẽ chi trả cổ tức năm 2016 tỷ lệ 35% bằng tiền mặt cho cổ đông, ngày chốt danh sách là 5/5/2017. Giá cổ phiếu DHG đã tăng mạnh mẽ từ mức 94.000 đồng đến 98.000 đồng mỗi cổ phiếu vào cuối năm 2016 lên 139.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 31/3/2017, tức là tăng trưởng hơn 42% . Cùng với việc đón nhận cổ tức khủng, thì nhà đầu tư có thể thu được khoản lợi nhuận lớn khi đầu tư vào cổ phiếu này.

Trong khi đó, DMC là cổ phiếu đã nới room cho khối ngoại, vì thế tổ chức nắm giữ cổ phiếu DMC lớn nhất tính đến hiện tại là CFR international SPA (liên quan đến tập đoàn Abbott) với số lượng lên đến hơn 17,9 triệu cổ phiếu tương đương nắm hơn 51,69%. Tỷ lệ chi trả cổ tức của DMC trong những năm gần đây cũng khá tốt, điển hình năm 2016 công ty chi trả 20% bằng tiền mặt và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10:3.

Giá cổ phiếu DMC trong giai đoạn cuối năm 2016 nằm xoay quanh 65.000-68.000 đồng mỗi cổ phiếu, đến giai đoạn tăng trưởng chung của thị trường giá cổ phiếu DMC cùng với nhóm ngành dược, y tế có bước tăng trưởng vượt bậc hơn nhiều so với thị trường. Tính đến mốc giá cao nhất của DMC trong giai đoạn quý 1/2017 là 98.000 đồng vào phiên 28/3/2017 tức là tăng trưởng đến gần 50% so với giá của giai đoạn cuối năm trước. Như vậy, có thể thấy nhà đầu tư lựa chọn những nhóm cổ phiếu này đã mang đến một mức lợi nhuận rất lớn trong một giai đoạn không phải là quá dài cho một thời kỳ tăng trưởng.

Tiếp theo sau nhóm ngành y tế, dược chúng tôi nhận thấy ở một nhóm ngành kinh doanh đặc thù trên sàn niêm yết hiện nay, đó là cổ phiếu của công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ.

Cổ phiếu PNJ có bước nhảy vọt mạnh sau chuỗi thời gian dài đi ngang. Từ mức giá trên 66.000 đồng mối cổ phiếu, hiện PNJ có mức giá trên 82.000 đồng/cp sau khi lên mức giá cao nhất tính đến thời điểm hiện tại là 84.500 đồng ngày 22/4/2017, tức là giá cổ phiếu này tăng khoảng 25%.

Vì sao có sự tăng trưởng ngoạn mục như trên?

Đối với nhóm cổ phiếu dược, có thể thấy mức lợi nhuận biến động theo chiều hướng tăng lên trong những năm trở lại đây. Lợi nhuận của DHG năm 2014 đạt hơn 533,7 tỷ đồng thì đến năm 2015 mức lợi nhuận sau thuế này tăng thêm gần 60 tỷ đồng đạt mức 592,7 tỷ đồng và đến năm 2016 mức lợi nhuận sau thuế đạt 712,950 tỷ đồn).

Lợi nhuận của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC-hose) trong năm 2014 lợi nhuận sau thuế đạt 132,3 tỷ đồng thì đến năm 2014 mức lợi nhuận này đạt hơn 141,5 tỷ đồng và đến năm 2016 lợi nhuận sau thuế của DMC là hơn 168,46 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này là khá tốt cùng với tỷ lệ chi trả cổ tức cao nhóm cổ phiếu ngành dược, y tế phù hợp với những nhà đầu tư giá trị và các tổ chức nước ngoài.

Ngoài các nhóm cổ phiếu trên còn có sự tăng trưởng vượt bậc của nhóm cổ phiếu bất động sản, nhóm kinh doanh thương mại, thực phẩm đồ uống…tuy nhiên, so với sự tăng trưởng chung của toàn thị trường thì nhóm cổ phiếu như trên đã có bước tăng trưởng mạnh không chỉ về giá mà còn có sự tăng trưởng về chất lượng của doanh nghiệp.

Sự tăng trưởng của doanh nghiệp chính là quá trình quản trị doanh nghiệp cũng như thu hút vốn đầu tư, công nghệ của nước ngoài nhằm duy trì thế mạnh nội tại của doanh nghiệp cũng như thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao mà nước ngoài tham gia. Điển hình với mô hình quản trị của DHG với vai trò không chỉ của SCIC mà còn có sự tham gia của Taisho là đối tác chiến lược cùng tham gia với vai trò hỗ trợ kỹ thuật và nâng cấp các dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Về việc thoái vốn của SCIC tại Công ty thì trước mắt Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng DHG để đạt các mục tiêu sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trong dài hạn có thể nhận thấy cổ phiếu của những doanh nghiệp này sẽ còn có cơ hội tiếp tục tăng trưởng.

Như vậy, có thể thấy sau chuỗi thời gian dài thị trường trầm lắng, nhà đầu tư có thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào những cổ phiếu tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua. Các cổ tăng “khủng” trong giai đoạn vừa qua là những cổ phiếu mà doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng đều đặn qua các năm và có quá trình sàng lọc, lựa chọn nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có uy tín để cùng tham gia điều hành doanh nghiệp hướng tới mục tiêu chung là hoạt động có hiệu quả cao, đạt mục tiêu sản xuất kinh doanh tốt.

Theo Tuyến Phạm

NDH

Trở lên trên