Cổ phiếu tân binh "tím lịm" 8 phiên liên tiếp sau khi chào sàn HoSE, gây chú ý với kế hoạch kinh doanh 2024
Hơn 40 triệu cổ phiếu QNP chính thức "chuyển nhà" từ HNX sang HoSE vào ngày 18/1/2024, kể từ đó tới hiện tại thị giá đều đóng cửa trong sắc tím.
VN-Index đang giằng co mạnh tại ngưỡng kháng cự cùng sự trồi sụt của nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên vẫn có những mã chứng khoán đi ngược dòng và duy trì đà đi lên bền vững. Chốt phiên 29/1, cổ phiếu QNP của CTCP Cảng Quy Nhơn ghi nhận phiên kịch trần thứ 8 liên tiếp. Đây cũng đồng thời là 8 phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu QNP trên sàn HoSE, thị giá theo đó tăng thêm 91%, từ vùng giá tham chiếu 19.500 đồng/cp lên 36.550 đồng/cp. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp tăng bốc hơn 700 tỷ đồng, đạt 1.477 tỷ đồng.
Trước đó, hơn 40,4 triệu cổ phiếu QNP chính thức "chuyển nhà" từ HNX sang HoSE vào ngày 18/1/2024, kể từ đó tới hiện tại thị giá đều đóng cửa trong sắc tím. Đà tăng mạnh khiến doanh nghiệp cảng biển này vừa chào sàn đã phải giải trình về giá cổ phiếu. Văn bản phía QNP cho biết cổ phiếu tăng mạnh do diễn biến khách quan cung cầu của thị trường chứng khoán. Các quyết định giao dịch của nhà đầu tư nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp. Cảng Quy Nhơn cũng cam kết không có bất kỳ sự tác động nào ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Theo tìm hiểu, Cảng Quy Nhơn được thành lập từ tháng 1/1976 và hiện nay hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác cảng và cung cấp các dịch vụ liên quan tại bến cảng Quy Nhơn. Ngay trước thời điểm chào sàn HOSE, QNP đã công bố BCTC quý 4/2023 với kết quả tương đối khởi sắc, phần nào củng cố đà tăng cho giá cổ phiếu.
Theo đó, doanh thu thuần đạt 243 tỷ, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước. LNST đạt 23 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 31 tỷ. Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần giảm 12% xuống 939 tỷ đồng, dù vậy LNST vẫn tăng 155% lên 112 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2022.
Thực tế, lãi năm 2023 tăng mạnh một phần nhờ QNP không còn ghi nhận khoản chi phí dự phòng phải trả ngắn hạn. Đây là khoản chi phí dự phòng liên quan đến vụ án tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa QNP và Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long diễn ra từ năm 2019. Đến tháng 4/2023, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định cưỡng chế khấu trừ trong tài khoản của QNP số tiền hơn 53 tỷ đồng để thi hành án.
Tuy nhiên, cập nhật diễn biến mới nhất vào ngày 23/1/2024, Cảng Quy Nhơn đã công bố nhận được quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao về việc chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng thời, hủy Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 31/2022/KDTM-PT ngày 16/12/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2022/KDTM-ST ngày 15/7/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định về vụ án kinh doanh, thương mại "Tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ" giữa nguyên đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải biển Cửu Long với bị đơn là Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.
Giữa lúc nhiều thông tin tích cực đến với QNP, doanh nghiệp bất ngờ công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng sản lượng dự kiến đạt 11,5 triệu tấn, trong đó sản lượng container 180 nghìn Teus. Mục tiêu doanh thu đạt 1.247 tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện năm 2023, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế 2024 lại giảm 19% so với năm trước về còn 115 tỷ đồng.
HĐQT cũng thông qua kế hoạch đầu tư năm 2024 với nhiều dự án chuyển tiếp từ năm 2023 giá trị gần 174 tỷ đồng cũng như các dự án triển khai năm 2024 giá trị 71 tỷ đồng, tổng cộng gần 245 tỷ đồng.
An ninh Tiền tệ