Cổ phiếu tăng 700% dù lỗ liên tiếp 7 quý, trùm BOT bán 7 doanh nghiệp dự thu 600 tỷ
Cổ phiếu HUT đã tăng 700% trong 1 năm qua bất chấp kinh doanh bết bát thua lỗ 7 quý liên tiếp. Dù vậy HUT liên tục có những động thái hút vốn về gần đây như phát hành riêng lẻ 800 tỷ, muốn bán 7 doanh nghiệp để thu về 600 tỷ đồng...
Công ty cổ phần Tasco (mã HUT) được mệnh danh là "ông trùm" BOT phía Bắc vừa mới ra quyết định thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp tại các công ty con/công ty liên kết của Tasco.
Theo đó, Hội đồng quản trị Tasco thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần/vốn góp thuộc sở hữu của Tasco tại các công ty con, công ty liên kết thuộc các lĩnh vực hoạt động cần tái cấu trúc là: Công ty cổ phần Tasco Thành Công; Công ty TNHH MTV Tasco Nam Định, Công ty TNHH An Nhiên Foods, Bất động sản Thái An, Tasco Thăng Long, D-Tech, Tổng công ty Thăng Long.
Tasco sẽ thoái vốn tại 7 công ty trên và dự thu về 600 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành các giao dịch chuyển nhượng thì Tasco sẽ không còn sở hữu cổ phần vốn góp tại các công ty thoái vốn này.
Hội đồng quản trị thống nhất giao cho Chủ tịch Tasco chủ động tìm kiếm đối tác có nhu cầu nhận chuyển nhượng cổ phần đàm phán, quyết định giá, cấu trúc, thời điểm chuyển nhượng; các điều khoản hợp đồng chuyển nhượng và các thủ tục pháp lý đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.
Về giá cổ phiếu, chốt phiên 2/12, HUT có giá đóng cửa 19.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản vượt 6,5 triệu đơn vị. Vốn hoá của doanh nghiệp vượt 5.100 tỷ đồng.
HUT có đà tăng mạnh mẽ từ đầu năm trở lại đây, đặc biệt tăng tốc trong tháng 11, gấp 4.5 lần so với đầu năm, và tăng gấp 7 lần so với mức 2.700 đồng/cổ phiếu của cùng kỳ 2020.
HUT tăng giá 7 lần trong vòng 1 năm qua
Đà tăng thần tốc này của HUT hoà chung nhịp của nhiều cổ phiếu penny trên sàn trỗi dậy, tăng bằng lần.
Cổ phiếu vượt mệnh, "ông trùm" BOT đã nhanh chóng công bố thông tin phát hành 80 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư. Đối tượng phát hành là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.
Danh sách nhà đầu tư chuyên nghiệp tất cả đều là nhà đầu tư cá nhân gồm Bùi Thị Như Quỳnh (14,35 triệu cổ phiếu), Nguyễn Thị Hương (13 triệu cổ phiếu), Lê Như Quý (13,7 triệu cổ phiếu), Phạm Thị Hồng Hạnh (14,35 triệu cổ phiếu), Nguyễn Minh Quang (14,6 triệu cổ phiếu), Lê Văn Hưởng (5 triệu cổ phiếu) và Trần Thị Huế (5 triệu cổ phiếu). Tất cả cá nhân này đều không sở hữu bất kỳ cổ phiếu HUT nào trước đó.
Số tiền huy động được từ đợt chào bán là 800 tỷ đồng, trong đó Tasco sẽ dùng 494,6 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần VETC; 105,4 tỷ đồng thanh toán công nợ với nhà thầu và thanh toán nợ vay cá nhân tổ chức và 200 tỷ đồng để bổ sung vốn cho công ty con là công ty TNHH T'Hopsital. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 4 năm nay.
Về mục đích thứ 2 là thanh toán công nợ, Tasco cũng đã công bố cụ thể từng hạng mục phân bổ vốn để trả nợ cho CTCP Đầu tư Xây dựng HUD3 (2 tỷ đồng), Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (30 tỷ đồng), CTCP Xây dựng Contrexim (2 tỷ đồng), Chủ tịch Phạm Quang Dũng (30 tỷ đồng) và T'Hospital (41,4 tỷ đồng). Mục đích sử dụng hơn 105 tỷ đồng để thanh toán nợ vay của Tasco
Những năm qua, HUT kinh doanh rất bết bát, quý 3/2021 HUT tiếp tục thua lỗ, đánh dấu quý lỗ thứ 7 liên tiếp.
Quý 3 công ty lỗ 72 tỷ đồng, quý 2 lỗ 49 tỷ đồng, quý 1 lỗ 24 tỷ đồng. HUT đã có 7 quý liên tiếp lỗ lớn, quý 4/2020 công ty lỗ tới 153 ỷ đồng, quý 3/2020 lỗ 80 tỷ đồng, quý 2/2020 lỗ 12 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2021, HUT lỗ 146 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 89 tỷ đồng.
Tổng tài sản tính đến cuối quý 3 đạt 9.842 tỷ đồng, trong đó nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 5.300 tỷ đồng khiến chi phí tài chính của HUT rất lớn.
Kết quả kinh doanh bết bát lỗ 7 quý liên tiếp của trùm BOT
Theo giải trình của đơn vị này, dịch COVID-19 tác động trực tiếp lên hầu hết các mảng kinh doanh là nguyên nhân dẫn khiến công ty kinh doanh ảm đạm. Song, nhìn vào bức tranh tài chính chung của Tasco có thể thấy các mảng kinh doanh của doanh nghiệp đã "lao dốc" mạnh từ trước đó, chủ yếu do kinh doanh bất động sản không hiệu quả và gặp nhiều vướng mắc bởi các dự án BOT.
Nhịp sống kinh tế