MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu tăng dựng đứng sau cú huých từ “đại bàng”, “gã khổng lồ” ngành logistics trở lại câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa

Cổ phiếu tăng dựng đứng sau cú huých từ “đại bàng”, “gã khổng lồ” ngành logistics trở lại câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa

Chỉ sau 4 phiên, cổ phiếu này đã tăng 54% tương ứng giá trị vốn hóa thị trường tăng thêm 9.200 tỷ, đạt gần 26.300 tỷ đồng (~1,1 tỷ USD).

Sau thời gian dài “miệt mài” dò đáy, cổ phiếu MVN của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) đã bất ngờ đảo tăng dựng đứng. Chỉ sau 4 phiên, cổ phiếu này đã tăng hơn 54% lên mức 21.900 đồng/cp, cao nhất trong vòng hơn 7 tháng. Giá trị vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 9.200 tỷ, lên gần 26.300 tỷ đồng (~1,1 tỷ USD) và đưa VIMC trở lại câu lạc bộ tỷ USD.

Cổ phiếu tăng dựng đứng sau cú huých từ “đại bàng”, “gã khổng lồ” ngành logistics trở lại câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa - Ảnh 1.

Đà tăng của cổ phiếu MVN diễn ra sau cuộc viếng thăm của Tập đoàn Adani tới Việt Nam cùng cam kết đầu tư lâu dài với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào các lĩnh vực cảng biển, logistics, năng lượng, công nghệ số… Trong đó, Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD.

Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cùng ông Karan Adani - Tổng Giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế, thuộc Tập đoàn Adani đã bàn về triển vọng hợp tác giữa hai bên và ký kết biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác phát triển cảng và logistics.

VIMC (tên cũ là Vinalines) được thành lập năm 1995 theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Với vai trò như vậy, VIMC là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tạo được chuỗi hạ tầng và dịch vụ logistics khép kín gồm: Khai thác cảng – Vận tải biển – Dịch vụ hàng hải.

VIMC hiện có 34 doanh nghiệp thành viên (19 công ty con, 13 công ty liên kết, 02 khoản đầu tư khác); 01 doanh nghiệp đang thực hiện giải thể và 02 doanh nghiệp đang thực hiện phá sản. Với hiện trạng Nhà nước nắm 99,47% vốn điều lệ, tổng công ty đang xây dựng kế hoạch tái cơ cấu, dự kiến giảm sở hữu tại nhiều doanh nghiệp.

Trong năm 2022, sản lượng hàng thông qua cảng của VIMC đạt 124 triệu tấn, bằng 98% so với năm 2021; sản lượng vận tải biển đạt 21,8 triệu tấn, bằng 95% so với năm 2021. Doanh thu hợp nhất tăng 6% lên 15.300 tỷ đồng trong đó doanh thu khối vận tải biển đạt 4.749 tỷ đồng; doanh thu khối cảng biển đạt 6.650 tỷ đồng và doanh thu khối dịch vụ hàng hải đạt 2.251 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.055 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.

Năm 2023, VIMC lên kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 giảm 7% xuống 13.354 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.330 tỷ đồng, giảm 23,7%. Trong quý 1, doanh thu thuần của VIMC đạt 2.849 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, tổng công ty lãi trước thuế 485 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ và thực hiện gần 21% mục tiêu cả năm.

Cổ phiếu tăng dựng đứng sau cú huých từ “đại bàng”, “gã khổng lồ” ngành logistics trở lại câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa - Ảnh 2.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên