Cổ phiếu tăng gấp 3 từ đầu năm, đại gia địa ốc Sudico lần thứ 7 xin nợ khoản cổ tức hàng trăm tỷ từ năm 2016 vì không có tiền
Tính tới thời điểm 30/9, SJS vẫn ghi nhận khoản phải trả khác là cổ tức lợi nhuận phải trả gần 475 tỷ đồng, gồm các khoản cổ tức bằng tiền mặt từ năm 2016 đến 2020.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa ra thông báo việc thay đổi thời gian thanh toán cổ tức năm 2016 và năm 2017 bằng tiền của cổ phiếu CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã chứng khoán: SJS),
Cụ thể, HĐQT SJS công bố sẽ thay đổi thời gian trả cổ tức năm 2016 (tỷ lệ 10%) và năm 2017 (tỷ lệ 10%) từ ngày dự kiến là 31/12/2021 sang thời điểm mới là 30/12/2022.
Lý do điều chỉnh là do tình hình tài chính còn khó khăn nên Công ty chưa có đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông như đã thông báo. SJS cho biết trong trường hợp thu xếp được nguồn tiền đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ xem xét thực hiện thanh toán cổ tức năm 2016 và năm 2017 bằng tiền mặt cho cổ đông sớm hơn thời gian thông báo thay đổi trên.
Được biết, đây đã là lần thứ 7 SJS trì hoãn việc thanh toán cổ tức cho cổ đông, thậm chí vào giữa năm 2019, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từng phải nhắc nhở và đề nghị doanh nghiệp giải trình về nguồn tiền để trả cổ tức cho cổ đông. Đến tháng 9/2019, SJS tiếp tục phát đi thông báo về việc thay đổi thời gian trả cổ tức tiền mặt năm 2016 và năm 2017 từ cuối năm 2019 sang cuối năm 2020, đồng thời giải trình việc liên tục trì hoãn là vì nguồn thu tại dự án khu đô thị mới Nam An Khánh và các dự án khác bị chậm trễ thanh toán, dẫn đến công ty bị thiếu hụt nguồn vốn để chi trả cổ tức cho cổ đông.
Mặc dù vậy, đến các năm sau đó, cổ đông SJS tiếp tục nhận được thông báo hoãn trả cổ tức, và tính đến hiện tại, khoản cổ tức này tiếp tục bị rời đến cuối năm 2022 mới có thể đến tay cổ đông.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, tính tới thời điểm 30/9, SJS vẫn ghi nhận khoản phải trả khác là cổ tức lợi nhuận phải trả gần 475 tỷ đồng, gồm các khoản cổ tức bằng tiền mặt từ năm 2016 đến 2020.
Về tình hình kinh doanh, quý 3 vừa qua SJS ghi nhận doanh thu thuần đạt 185 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí liên quan, SJS báo LNST đạt 20 tỷ đồng, trong đó lãi ròng ghi nhận 13 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 526 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 66 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,5 lần và 2,3 lần so với 9 tháng đầu năm 2020.
Được biết, trong năm 2021, SJS đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 1.155 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 171 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành được 46% kế hoạch doanh thu và 39% lợi nhuận năm.
Đến cuối quý 3, doanh nghiệp ghi nhận 7.005 tỷ đồng, trong đó chỉ hơn 142 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, chiếm chưa đến 2% tổng tài sản. Còn tài sản lớn nhất là tồn kho đạt 3.531 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn đạt 2.016 tỷ đồng. Cụ thể hơn, hàng tồn kho tại dự án khu đô thị Nam An Khánh luôn nằm ở mức trên 3.000 tỷ đồng suốt từ cuối 2017 đến nay, hiện đã xấp xỉ 3.600 tỷ đồng.
Điểm đáng nói, bất chấp khó khăn về dòng tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trì trệ cổ tức, cổ phiếu SJS vẫn đang ghi nhận mức tăng tốt. Từ mức giá 28.150 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, cổ phiếu SJS đã tăng bất chấp thị trường sideway hay giảm, tới nay đã gấp 2,7 lần lên mức 76.800 đồng/cổ phiếu (phiên 3/12).
Doanh Nghiệp Tiếp Thị