Cổ phiếu tăng "vùn vụt" cùng sóng thoái vốn Nhà nước, cổ đông sắp bỏ túi thêm hơn trăm tỷ tiền cổ tức
Từ đầu năm 2024 tới nay, cổ phiếu này đã tăng thần tốc gần 50% thị giá, vốn hóa thị trường xấp xỉ 7.700 tỷ đồng.
Ngày 31/5 tới đây, CTCP Nhựa Thiếu niên- Tiền Phong (mã NTP) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện trả cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2023 theo tỷ lệ 10%, tương ứng mỗi 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng.
Với gần 130 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến NTP sẽ cần chi 130 tỷ đồng để hoàn tất trả cổ tức cho cổ đông. Công ty dự kiến thanh toán từ 14/6/2024.
Song song, HĐQT cũng đã thông qua Nghị quyết về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 10%, tương đương phát hành mới gần 13 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên mức 1.425 tỷ đồng.
Trước đó trong tháng 12/2023, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Hoàn tất các đợt chi trả này, NTP sẽ thực hiện xong phương án chia cổ tức năm 2023 với tổng tỷ lệ chi trả là 35%, 25% tiền mắt và 10% bằng cổ phiếu.
Cổ phiếu tăng dựng đứng cùng "sóng" thoái vốn Nhà nước
Tin vui dồn dập tới với cổ đông NTP khi mà cổ tức sắp về túi, cổ phiếu trên thị trường cũng đang diễn biến ấn tượng. Hai tuần trở lại đây thị giá cổ phiếu này đều đóng cửa tăng điểm, trong đó có tới 2 phiên tăng kịch trần. Ngay đầu phiên sáng 23/5, NTP tiếp tục tăng hết biên độ lên ngưỡng 59.200 đồng/cp, xác lập mức giá cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết của mã ngành nhựa này.
Xét từ đầu năm 2024 tới nay, thị giá NTP đã tăng thần tốc gần 50%, vốn hóa thị trường của Nhựa Tiền Phong hiện xấp xỉ 7.700 tỷ đồng.
Cần nói rằng chất xúc tác mạnh cho diễn biến dựng đứng của mã NTP tới từ câu chuyện thoái vốn Nhà nước. Cụ thể, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã công bố danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong góp mặt với khoản vốn của SCIC gần 481 tỷ tương ứng hơn 48 triệu cổ phần (37,1% vốn) tại doanh nghiệp.
Với thị giá hiện tại, ước tính khoản vốn mà SCIC đang nắm giữ tại Nhựa Tiền Phong có tổng giá trị thị trường lên tới hơn 2.800 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu cổ đông lớn tại NTP, bên cạnh SCIC, doanh nghiệp còn có 3 cổ đông lớn khác là Sekisui Chemical (nắm 15% vốn), Nhựa Thiếu niên Tiền phong phía Nam (năm 14,27% vốn) và Chủ tịch HĐQT Đặng Quốc Dũng (năm 6,87% vốn). Như vậy nếu "ôm" trọn lô cổ phiếu thoái vốn từ SCIC, cổ đông Nhật Bản có thể nắm quyền chi phối tại Nhựa Tiền Phong.
Kế hoạch lợi nhuận đi lùi
NTP là một hai thương hiệu lớn nhất trong ngành sản xuất ống nhựa, chiếm thị phần lớn nhất thị trường miền Bắc với 60% thị phần. Doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy hoạt động hết công suất ngày đêm tại Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương với tổng năng lực sản xuất khoảng 190.000 tấn/năm. Hệ thống phân phối của công ty rộng khắp cả nước với 9 trung tâm phân phối, 300 đại lý và trên 16.000 điểm bán hàng trên toàn thị trường
Về tình hình kinh doanh, do bị ảnh hưởng của thị trường BĐS dẫn tới nhu cầu tiêu dùng giảm, tổng doanh thu năm 2023 đạt 5.084 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành 87% kế hoạch đã đề ra. Sản lượng bán hàng năm 2023 đạt 98.582 tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Biên lãi gộp của Nhựa Tiền Phong cải thiện lên mức 29% nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước năm 2020.
Nhờ quản lý chi phí tương đối hiệu quả, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của NTP đạt 641 tỷ, tăng 20% so với năm 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất lịch sử của công ty và là năm thứ 5 liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng dương so với năm trước đó.
Sang quý đầu năm 2024, doanh nghiệp đầu ngành nhựa này ghi nhận sụt giảm mạnh, doanh thu thuần đạt 949 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Kết quả, Nhựa Tiền Phong báo lãi trước thuế đạt 131 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 109 tỷ đồng, lần lượt giảm 4% và 8% so với cùng kỳ quý 1/2023.
Trong năm 2024, NTP đặt ra kế hoạch với doanh thu 5.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 555 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và giảm 13%. Như vậy sau 3 tháng, công ty đã hoàn thành 18% mục tiêu doanh thu và 24% mục tiêu lãi cả năm.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán FPT đã dự phóng doanh thu thuần 2024 của NTP có thể đạt 5.247,6 tỷ đồng (+1,4%) và giai đoạn 2024-2028 doanh nghiệp có thể tăng trưởng với CAGR đạt 5,1%/năm, chủ yếu nhờ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ.
FPTS cho rằng công ty sẽ tiếp tục duy trì mức chiết khấu cao cho hệ thống phân phối để chia sẻ lợi ích trong bối cảnh giá hạt nhựa vẫn ở vùng thấp và nhu cầu toàn ngành chưa phục hồi hoàn toàn. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 được dự phóng đạt 639,3 tỷ, tương ứng mức biên LNTT đạt 12,2%.