MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu TCM phục hồi mạnh nhờ kế hoạch nới room ngoại và lợi nhuận tăng trưởng?

Năm 2017, HĐQT TCM trình kế hoạch 182 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17,4%. Bên cạnh đó, kế hoạch nới room ngoại trong năm nay cũng là một nội dung chính trong kỳ họp lần này.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2017, Hội đồng quản trị CTCP Dệt May - ĐT - TM Thành Công(HOSE:TCM) dự kiến trình cổ đông một loạt các vấn đề quan trọng. Trong đó, có vấn đề nới room được các nhà đầu tư chờ đợi nhất trong khoảng 2 năm gần đây.

Theo báo cáo của HĐQT, trong năm 2016, doanh thu công ty đạt 94% so với kế hoạch, tăng trưởng gần 10% so với thực hiện 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 72% so với kế hoạch và bằng 75% so với thực hiện năm 2015. Như vậy, công ty chưa hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch mà ĐHĐCĐ thông qua cho năm 2016.

Lợi nhuận không đạt một phần do Nhà máy Thành Công – Vĩnh long còn trong giai đoạn đầu của đầu tư mới (kể từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2016), đang trong quá trình bổ sung lao động, cải tiến nâng cao tay nghề và hoàn thiện quản lý sản xuất… Mặc dù nhà máy đã có nhiều cải thiện năng suất lao động, ngày càng có hiệu quả cao hơn giai đoạn mới đi vào hoạt động, nhưng vẫn chưa bù đắp được các chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí khấu hao cao cho đầu tư ban đầu của một nhà máy mới.

Ngoài ra, việc thị trường khó khăn do tác động từ tình hình kinh tế thế giới cộng với việc Thổ Nhĩ Kỳ chống bán phá giá sợi ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu sợi Việt Nam. Ngoài ra, TCM cũng chịu áp lực chi phí tăng đột biến, gồm các chi phí BHXH, BHYT, nguyên liệu sợi tăng theo giá dầu biến động ...

Theo đó, TCM sẽ trình ĐHĐCĐ phương án điều chỉnh giảm tỷ lệ khen thưởng phúc lợi năm 2016 xuống còn 10% so với 25% như trong phương án trước đó. Kế hoạch phân phối cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt 5% và cổ tức bằng cổ phiếu 5%. Thời hạn thanh toán cổ tức dự kiến trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm ĐHĐCĐ thông qua.

Đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng trở lại

Về kế hoạch kinh doanh năm 2017, theo đánh giá của HĐQT vẫn còn nhiều khó khăn khi một số nước trong khu vực như Cambodia, Myanmar, Bangladesh được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm dệt may 0% vào thị trường EU, Hoa Kỳ, trong khi dệt may Việt Nam đang chịu mức thuế cao vào các thị trường này, tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, việc tăng lương tối thiểu, tăng chi phí BHXH, BHYT; các cơ chế qui định bất cập trong việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cho sản xuất dệt may... từ các Bộ, Ngành cũng gây nhiều khó khăn cho DN dệt may như TCM.

Theo đó, HĐQT trình cổ đông kế hoạch doanh thu 3.315 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2016 và gần 182 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17,4%. Cổ tức 2017 dự chi 10% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu tùy theo tình hình thực hiện kinh doanh năm 2017.


Nguồn: TCM

Nguồn: TCM

Theo báo cáo của CTCK Rồng Việt mới đây cho biết, TCM đã có đủ đơn hàng cho đến quý 3 do nhu cầu tiêu thụ từ thị trường Mỹ và khách hàng Eland diễn biến khá tích cực. Bên cạnh đó, nhà máy Vĩnh Long cũng tăng năng suất và gần đến điểm hòa vốn nên lợi nhuận quý 1 của TCM ước tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Kế hoạch nới room ngoại

Hiện tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài (room) là 49% tổng số vốn điều lệ của công ty. Nhằm tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, đối tác chiến lược để thực hiện chiến lược tăng trưởng hoạt động kinh doanh cốt lõi, tăng giá trị trên thị trường, HĐQT đã đề xuất trình ĐHĐCĐ việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa 100%, chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 là tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài lên mức 70% - trong năm 2017. Giai đoạn 2 là tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài lên mức 100%.

Thời điểm cụ thể ủy quyền HĐQT quyết định căn cứ tình hình công ty.

Theo đó, HĐQT cũng đề xuất ĐHĐCĐ thông qua việc sửa, bỏ bớt một số ngành nghề GDKD để đáp ứng yêu cầu nới room cho nhà đầu tư ngoại.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TCM đã có sự phục hồi khá ngoạn mục sau chuỗi ngày giảm sâu. Sau khi trượt giảm liên tục trong hầu hết năm 2016 thì đến chốt phiên giao dịch ngày 23/3, cổ phiếu TCM đóng cửa tại mức giá 20.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 60% kể từ mức giá thấp nhất 13.500 đồng/cổ phiếu hồi tháng 12 năm trước.


Cổ phiếu TCM đang phục hồi khá mạnh sau hơn 1 năm sụt giảm(Nguồn: VNdirect)

Cổ phiếu TCM đang phục hồi khá mạnh sau hơn 1 năm sụt giảm(Nguồn: VNdirect)

Theo Hoàng Trung

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên