Cổ phiếu Tencent lao dốc sau khi vốn hóa tiệm cận mốc 1 nghìn tỷ USD
Tencent có thể trở thành công ty Trung Quốc thứ hai gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp đại chúng có vốn hóa “nghìn tỷ đô”của thế giới...
- 03-09-2020Ant đứng trước thương vụ IPO lịch sử, cuộc chiến giữa đế chế của Jack Ma và Tencent leo thang
- 24-08-2020Tencent thu lại 26 tỷ USD khi các doanh nghiệp Mỹ không phải "nghỉ chơi" với WeChat
- 11-08-2020Ông Trump khiến Tencent mất hàng chục tỷ USD vốn hóa nhưng từ Nike đến Apple đều bị ảnh hưởng nếu cấm Wechat!
Giá cổ phiếu công ty Internet Trung Quốc Tencent Holdings sụt giảm mạnh sau khi giá trị vốn hóa thị trường của "gã khổng lồ"này lần đầu tiên lên gần mức 1 nghìn tỷ USD.
Theo tin từ Bloomberg, giá cổ phiếu Tencent giảm 6,3% trong phiên giao dịch ngày 26/1 tại Hồng Kông, kéo vốn hóa công ty về dưới mức 900 tỷ USD.
Nhà đầu tư chốt lời sau khi cổ phiếu Tencent tăng 11% ngày 25/1, phiên tăng mạnh nhất của cổ phiếu này trong khoảng 1 thập kỷ. Thị trường cũng thận trọng sau khi một cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nói rằng thanh khoản dồi dào quá mức và lãi suất vay vốn siêu thấp đang dẫn tới sự hình thành bong bóng trên thị trường chứng khoán.
Gần đây, giới đầu tư từ Trung Quốc đại lục đổ xô mua cổ phiếu ở Hồng Kông, và đây chính là một nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu Tencent tăng cao. Tháng này, các quỹ cổ phiếu ở đại lục đã mua ròng nhiều kỷ lục cổ phiếu ở Hồng Kông, trong đó 1/4 số vốn được rót vào cổ phiếu Tencent - công ty sở hữu nền tảng mạng xã hội WeChat với hơn 1 tỷ người dùng.
Tencent trở thành công ty mới nhất hưởng lợi từ xu hướng nhà đầu tư trên toàn cầu gom mua cổ phiếu công nghệ. Trước cú ngày 26/1, vốn hóa của Tencent đã tăng 251 tỷ USD trong tháng 1 này, mạnh hơn bất kỳ công ty nào khác trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ngày càng có nhiều cảnh báo cho rằng chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đang tạo ra bong bóng trên thị trường chứng khoán toàn cầu, nhất là ở Mỹ - nơi chỉ số Nasdaq đang dẫn đầu xu hướng tăng.
Từ lâu, Tencent đã là một cổ phiếu được giới đầu tư ở châu Á ưa chuộng, mang lại mức lợi nhuận hơn 100.000% kể từ khi công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2004. Tuy nhiên, quá trình đi lên của cổ phiếu Tencent cũng từng vấp phải nhiều trở ngại.
Năm 2018, cổ phiếu Tencent giảm 22% do Chính phủ Trung Quốc tăng cường giám sát ngành công nghiệp trò chơi điện tử (game) - lĩnh vực khi đó đóng góp 40% doanh thu của Tencent. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và đồng Nhân dân tệ mất giá cũng là những nguyên nhân khiến cổ phiếu Tencent sụt giảm năm đó.
Gần đây, Bắc Kinh khởi động chiến dịch chống độc quyền nhằm vào các công ty công nghệ lớn như Tencent và Alibaba. Cổ phiếu Alibaba đã giảm khoảng 16% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 10. Trái lại, giá cổ phiếu Tencent đã lập 7 kỷ lục mới trong 8 phiên giao dịch vừa qua. Một nhân tố dẫn tới diễn biến trái chiều của hai cổ phiếu nằm ở việc nhà đầu tư ở đại lục không thể mua cổ phiếu Alibaba niêm yết ở Hồng Kông vì cổ phiếu này không nằm trong liên kết giao dịch giữa sàn Hồng Kông với các sàn ở đại lục.
Tencent đang đứng trước cơ hội trở thành công ty Trung Quốc thứ hai gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp đại chúng có vốn hóa "nghìn tỷ đô" của thế giới. Tập đoàn dầu khí PetroChina từng đạt mốc vốn hóa này trong một khoảng thời gian ngắn vào cuối năm 2007. Hiện tại, thế giới có 5 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 nghìn tỷ USD, gồm 4 công ty công nghệ Mỹ là Apple, Amazon, Alphabet và Microsoft, cùng hãng dầu lửa Saudi Aramco của Saudi Arabia.
Tencent được thành lập vào năm 1998 bởi một nhóm 5 thanh niên trẻ, dẫn đầu là Ma Huateng - người hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) của công ty. Phần mềm WeChat của Tencent đã trở thành công cụ giao tiếp chủ đạo của thế hệ trẻ ở Trung Quốc.
VnEconomy