Cổ phiếu Tesla có phiên lao dốc mạnh nhất trong lịch sử, nhưng đáng nói là Elon Musk đã hoàn tất bán cổ phiếu mới và thu về 5 tỷ USD từ tuần trước
Chốt phiên hôm qua cổ phiếu Tesla giảm thêm 21%, xuống còn 330,21 USD, khiến tổng cộng 82 tỷ USD giá trị vốn hóa bị bốc hơi.
- 05-09-2020Cổ phiếu Tesla lao dốc nhưng Elon Musk vẫn vượt qua thử thách và tiến thêm 1 bước đến phần thưởng 50 tỷ USD
- 25-07-2020Vì sao Tesla đang độc chiếm thị trường xe điện?
- 17-06-2020Tesla vừa trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vượt Toyota nhưng điều này liệu có hợp lý?
Trên phố Wall có 1 câu ngạn ngữ cổ: "hãy bán ở giá cao". Và đó chính xác là những gì Tesla vừa làm.
1 tuần trước, hãng thông báo sẽ huy động khoảng 5 tỷ USD bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Kế hoạch được công bố 1 ngày sau khi cổ phiếu Tesla được chia tách nhằm tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư trung bình. Và đến hôm qua Tesla cho biết thương vụ bán cổ phiếu mới đã được hoàn thành từ thứ 6 tuần trước.
Tesla không công bố chi tiết đã bán ra bao nhiêu cổ phiếu, ở mức giá bao nhiêu. Tuy nhiên hòa chung với làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ vừa qua, cổ phiếu này cũng đã rớt giá mạnh. Kể từ khi lập kỷ lục 498,32 USD hôm 31/8, tính đến chốt phiên thứ 6 tuần trước cổ phiếu Tesla đã giảm 16% giá trị.
Đến phiên hôm qua cổ phiếu này tiếp tục giảm thêm 21%, xuống còn 330,21 USD, khiến tổng cộng 82 tỷ USD giá trị vốn hóa bị bốc hơi. Nguyên nhân là do Tesla không được gia nhập chỉ số S&P 500 như các nhà đầu tư dự đoán trước đó. Nếu cổ phiếu được thêm vào S&P 500 sẽ tạo thêm lực mua lớn từ các nhà quản lý quỹ chỉ số.
Ngoài ra cổ phiếu Tesla cũng bị tác động tiêu cực sau khi General Motors cho biết sẽ rót 2 tỷ USD vào đối thủ Nikola cũng như phối hợp với hãng này để thiết kế và sản xuất những chiếc xe bán tải Badger – đối thủ đe dọa Cybertruck.
Dẫu vậy kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Tesla vẫn tăng khoảng 400% và Tesla đã tận dụng cơ hội để bán thêm cổ phiếu. Hồi tháng 2, công ty cũng huy động được 2,3 tỷ USD thông qua bán 3 tỷ cổ phiếu.
Hồi tháng 1, sau khi ghi nhận quý lãi đầu tiên, CEO Elon Musk bác bỏ ý tưởng cần phải phát hành thêm cổ phiếu khi được các chuyên gia phân tích đặt câu hỏi. Tuy nhiên ngay sau đó Tesla nhận thấy cần phải nắm bắt lợi thế có được từ đà tăng giá chóng mặt của cổ phiếu. Và nếu xác định cổ phiếu đã đạt được mức đỉnh mà khó có thể lặp lại trong một thời gian dài nữa, Tesla nhanh chóng phát hành thêm cổ phiếu để chốt lời.
Cú lao dốc hôm qua khiến tài sản của Musk "bốc hơi" 16,3 tỷ USD chỉ trong 1 ngày, mức giảm mạnh nhất trong lịch sử chỉ số Bloomberg Billionaire Index.
Vì đà tăng trưởng quá mạnh của cổ phiếu Tesla và kết quả kinh doanh khởi sắc, nhà đầu tư đã rất kỳ vọng Tesla sẽ được thêm vào chỉ số S&P 500 trong lần xem xét này. Tesla hiện nằm trong top 15 công ty lớn nhất ở Mỹ về giá trị vốn hoá, cũng là công ty ô tô giá trị lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên kích cỡ không phải là vấn đề duy nhất mà hội đồng xét duyệt chỉ số S&P 500 quan tâm. Không giống như các chỉ số cơ bản khác đã bổ sung thêm Tesla, việc thêm cổ phiếu vào chỉ số S&P không chỉ đơn thuần bị ảnh hưởng bởi các quy tắc, mà quan trọng hơn là quan điểm của hội đồng thẩm định.
Theo Stephanie Hill, chuyên gia về chỉ số tại Bank of New York Mellon, Tesla đủ tiêu chuẩn nếu xét theo các thước đo định lượng nhưng có lẽ chất lượng lợi nhuận là yếu tố chưa đạt. Ví dụ, lợi nhuận của Tesla chủ yếu đến từ việc bán regulatory credits cho các công ty ô tô khác. Ở California và ít nhất là 13 bang khác, bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào muốn bán ô tô tại bang sẽ phải bán một số lượng nhất định xe điện, xe lai hoặc các loại xe có lượng khí thải bằng không. Những công ty không làm được việc này sẽ mua "điểm" từ các công ty khác. Và vì chỉ bán xe điện, Tesla sẽ thừa điểm và có thể bán chúng đi trước khi hết hạn.
Theo các chuyên gia phân tích, đây không phải là điều gì sai trái nhưng sẽ không bền vững.
Tham khảo CNN, Bloomberg