MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu thép đua nhau tăng điểm, phút huy hoàng rồi chợt tắt hay khởi đầu cơn "sóng" mới?

Cổ phiếu thép đua nhau tăng điểm, phút huy hoàng rồi chợt tắt hay khởi đầu cơn "sóng" mới?

Diễn biến khởi sắc của ngành thép đồng thuận với thông tin lợi nhuận trong quý 1/2023 đã được cải thiện đáng kể so với 2 quý trước đó, cộng thêm cú hích giải ngân đầu tư công.

Thị trường chứng khoán có phiên bùng nổ cuối tuần khi lực cầu mạnh mẽ về cuối phiên đẩy VN-Index đóng cửa mức điểm cao nhất trong ngày. Đà tăng hôm nay có dấu ấn đậm nét của nhóm cổ phiếu thép. HPG tăng 2,8% tăng 22.350 đồng/cp, khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 45 triệu đơn vị - cao nhất toàn sàn. Đây cũng là mức thị giá cao nhất trong vòng 6 tháng của mã đầu ngành này.

Tương tự, HSG, NKG, TLH, POM đồng loạt phủ sắc xanh, mức tăng đều trên 1%, thậm chí SMC tăng kịch trần 6,7% lên 12.000 đồng/cp.

Xét rộng hơn từ vùng đáy tháng 11/2022 tới nay, hầu hết các mã đều tăng trưởng mạnh về giá, HPG tăng 85%, HSG thậm chí tăng tới 122%, NKG tăng 108%, SMC tăng 70%,...

Cổ phiếu thép đua nhau tăng điểm, phút huy hoàng rồi chợt tắt hay khởi đầu cơn "sóng" mới? - Ảnh 1.

Diễn biến khởi sắc của ngành thép đồng thuận với thông tin lợi nhuận trong quý 1/2023 đã được cải thiện đáng kể so với 2 quý trước đó. Tổng lợi nhuận các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán ước đạt khoảng 500 tỷ đồng, dù còn khá khiêm tốn nhưng đã khởi sắc hơn hẳn so với mức âm 4.700 tỷ quý 4/2022. Đáng chú ý nhất phải kể đến việc Hòa Phát (HPG) đã có lãi trở lại bất chấp nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán trước đó vẫn dự báo anh cả ngành thép có thể tiếp tục lỗ.

Sự tự tin còn được thể hiện qua các bản kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận hầu hết để tăng trưởng dương so với thực hiện năm 2022. Hầu hết ban lãnh đạo trong mùa ĐHĐCĐ thường niên vừa qua đều đưa ra thông điệp những gì khó khăn nhất đối với ngành thép đã diễn ra trong nửa cuối năm trước, tình hình đã được cải thiện trong 3 tháng đầu năm 2023 và gần như chắc chắn sẽ có lãi trong quý 2.

Cổ phiếu thép đua nhau tăng điểm, phút huy hoàng rồi chợt tắt hay khởi đầu cơn "sóng" mới? - Ảnh 2.

Ở khía cạnh khác, câu chuyện đầu tư công cũng gieo nhiều kỳ vọng cho nhóm ngành thép khi đây là loại vật liệu xây dựng không thể thiếu trong hoạt động thi công. Tháng 4 vừa qua, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước tính đến ngày 30/4/2023, cả nước đã giải ngân được 110.633,6 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xét về số tuyệt đối tăng tới gần 15 nghìn tỷ đồng (khoảng 16%) so với cùng kỳ năm trước. Thông tin khởi sắc đã thổi lửa giúp nhóm cổ phiếu hưởng lợi trong đó có ngành thép thu hút dòng tiền của giới đầu tư.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng nhóm thép hiện chỉ ghi nhận Hòa Phát kinh doanh và có thị phần lớn mảng thép xây dựng - nguyên liệu chính trong thi công, trong khi các doanh nghiệp còn lại chủ yếu hoạt động trong mảng tôn mạ. Liều “dopping” mang tên đầu tư công vì thế sẽ không thể lan tỏa tới toàn bộ các doanh nghiệp ngành thép như kỳ vọng.

Ngay cả với Hòa Phát, nhiều chuyên gia cũng nhận định cú hích đầu tư công sẽ không được như kỳ vọng. Vietcombank Securities (VCBS) trong báo cáo mới cập nhật cho rằng tỷ trọng tiêu thụ thép trong đầu tư công là không đáng kể, chỉ 10%-15% và hiện nay tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm, vì vậy kỳ vọng về tăng trưởng tiêu thụ sẽ tiêu cực trong năm nay.

Cổ phiếu thép đua nhau tăng điểm, phút huy hoàng rồi chợt tắt hay khởi đầu cơn "sóng" mới? - Ảnh 3.

Chưa dừng lại, triển vọng kinh doanh ngành thép những tháng còn lại của năm 2023 được cho sẽ không hoàn toàn dễ dàng trong bối cảnh nhu cầu tiêu cực đang tiếp tục tạo áp lực lên giá thép và sản lượng tiêu thụ. Theo VCBS, các vấn đề về thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, nhu cầu xây dựng vẫn rất yếu và tác động xấu tới giá thép trong năm 2023. Điều này thể hiện qua chỉ số RMI Index duy trì mức rất thấp. Nhu cầu tại các thị trường như EU, Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao.

Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép tại Việt Nam sẽ tiếp tục suy yếu trong các quý tới và cần thời gian để hồi phục khi thị trường bất động sản dân dụng chưa ghi nhận nhiều biến chuyển thực sự.

Thực tế, giá thép đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Giá thép thanh vằn tại Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2022; giá một số loại thép trong nước cũng đã giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn trong một tháng qua.

Cổ phiếu thép đua nhau tăng điểm, phút huy hoàng rồi chợt tắt hay khởi đầu cơn "sóng" mới? - Ảnh 4.

Tương tự, Chứng khoán VNDirect chỉ ra rằng nhu cầu thép thực tế tại Trung Quốc không thực sự mạnh mẽ như kỳ vọng. Nhu cầu yếu sẽ khiến biên lợi nhuận các công ty trong ngành gặp nhiều biến động, đặc biệt là công ty nhỏ với kỹ năng quản lý hàng tồn kho hạn chế hơn.

Đặc biệt, triển vọng ngành BĐS dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành. Song, VNDirect cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường BĐS liệu sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để. Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023 và phải tới năm 2024 nguồn cung BĐS nội địa mới có thể được hồi phục. Do đó, mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, VNDirect dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

Cổ phiếu thép đua nhau tăng điểm, phút huy hoàng rồi chợt tắt hay khởi đầu cơn "sóng" mới? - Ảnh 5.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên