Cổ phiếu thuộc diện kiểm soát của HOSE nhưng thị giá vẫn tăng 60% sau hơn một tháng, 4/5 phiên gần nhất đều "tím lịm"
Đợt sóng bất ngờ này của cổ phiếu OGC diễn ra trong bối cảnh trống thông tin hỗ trợ. Thậm chí mới đây, HĐQT doanh nghiệp đã công bố kế hoạch kinh doanh "đi lùi" trong năm 2022
Chốt phiên 4/3, thị giá cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (mã: OGC) tăng mạnh 5,2% lên mức 12.100 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý trong 4 phiên giao dịch trước đó, thị giá OGC đều tăng hết biên độ để kết phiên trong sắc tím. Như vậy, chỉ sau một tuần giao dịch, thị giá OGC đã tăng 38%.
Nếu so sánh với vùng giá hiện là thấp nhất trong năm 2022 của OGC là 7.470 đồng (phiên 27/1), giá cổ phiếu này đã tăng tới 62% chỉ sau hơn một tháng.
Đợt sóng bất ngờ này của OGC diễn ra trong bối cảnh trống thông tin hỗ trợ. Thậm chí mới đây, HĐQT doanh nghiệp đã công bố kế hoạch kinh doanh "đi lùi" trong năm 2022 với chỉ tiêu tổng doanh thu công ty mẹ dự kiến đạt 56 tỷ đồng, giảm 39% so với năm 2021. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 34,5 tỷ đồng - chưa đến 1/3 con số dự kiến thực hiện năm 2021. Về chỉ tiêu hợp nhất, doanh thu dự tăng 87% lên 956 tỷ đồng, LNST ngược lại giảm 45% chỉ còn 39 tỷ đồng.
Còn về kết quả kinh doanh năm 2021, riêng trong quý 4/2021, OGC ghi nhận doanh thu thuần giảm tới 74% so với cùng kỳ xuống mức 106 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh doanh của công ty con OCH – vốn chiếm tới 98% doanh thu của cả Tập đoàn – trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.
Song, nhờ hoàn nhập dự phòng khoản phải thu khó đòi với số tiền 50 tỷ đồng, bên cạnh đó là khoản thu nhập khác 19 tỷ đồng từ tiền đền bù vi phạm hợp đồng của đối tác theo phán quyết của cơ quan tòa án có thẩm quyền nên OGC vẫn lãi ròng gần 60 tỷ đồng trong quý 4/2021, gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả năm 2021, Ocean Group ghi nhận doanh thu thuần 410 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ, trong khi lãi ròng 145 tỷ đồng, tăng gần 30%.
Đáng chú ý, cổ phiếu OGC đang còn thuộc diện kiểm soát của HOSE do lỗ lũy kế nhiều. Tính đến thời điểm 31/12/2021, doanh nghiệp ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 2.523 tỷ đồng, gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu (1.402 tỷ). Nguyên nhân chính dẫn tới điều này là việc phải liên tục trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi của Công ty trong một số năm sau biến cố hồi 2014-2017. BCTC quý 4 ghi nhận khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đến cuối năm 2021 lên tới 3.975 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Trong khi đó, dự phòng phải thu dài hạn khó đòi chuyển biến tích cực hơn, giảm 40% so với đầu năm xuống còn 307 tỷ đồng.
Các khoản phải thu khác ngắn hạn của OGC có một số mục không thay đổi trong nhiều năm như khoản phải thu đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà là 673 tỷ đồng, ông Hà Trọng Nam (anh ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Ocean Group) 586 tỷ đồng, Công ty cổ phần Bình Dương Xanh 270 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ocean Group còn trích lập dự phòng một số khoản mục khác, như dự phòng đầu tư tài chính dài hạn biến động không đáng kể, dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Hiện tại, Ocean Group vẫn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 sau lần tổ chức bất thành lần 2 hồi cuối tháng 10/2021 do việc phê duyệt chương trình đại hội đã không được thông qua với 59,5% biểu quyết tại đại hội không tán thành, nguyên nhân do HĐQT công ty đã không đưa vào chương trình họp các kiến nghị theo đề xuất của nhóm cổ đông lớn được đại diện bởi IDS Equity Holdings.
Hiện OGC có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tương ứng với 300 triệu cổ phiếu. Có 16 cổ đông sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu, tương đương 51,02% cổ phần đã ủy quyền cho IDS Equity Holdings. Đáng chú ý trước đó vào cuộc họp báo ngày 1/12/2020 do ông Mai Hữu Đạt và Nguyễn Thành Trung tổ chức lại phủ nhận thông tin nhóm cổ đông IDS Equity Holdings đã sở hữu chi phối OGC.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị