Cổ phiếu "vàng đen" bứt phá ngoạn mục, có mã tăng bằng lần chỉ sau chưa đầy 1 tháng giao dịch
Bắt đầu từ khoảng tháng 6/2021, giá than thế giới bắt đầu tăng phi mã từ mức 90 USD/tấn lên đến nay đã xấp xỉ 180 USD/tấn; gấp đôi chỉ sau hơn 3 tháng. Theo đà tăng giá của quốc tế, giá than nội địa cũng đã tăng lên mức bình quân hơn 2.000.000 đồng/tấn, tương ứng mức tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối quý 2 năm nay.
Cùng với dầu khí, than cũng được mệnh danh là cổ phiếu “vàng đen”. Từng được xem là nhóm cổ phiếu khá trầm lắng và không có nhiều dấu ấn trên sàn chứng khoán nhưng trong những phiên gần đây cổ phiếu than đang thu hút sự chú ý khi bứt phá mạnh với nhiều phiên tăng trần.
Hiện tại, đa phần các cổ phiếu than là đều đang niêm yết trên sàn HNX và là thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam TKV (Vinacomin). Điểm qua trên thị trường, những mã cổ phiếu ngành than đang giao dịch hiện đều tăng giá rất tích cực. Thống kê cụ thể trong phiên 22/9, có 6/10 cổ phiếu tiếp tục tăng điểm như TC6 của Than Cọc Sáu, TVD của CTCP Than Vàng Danh, THT của CTCP Than Hà Tu, TDN của Than Đèo Nai...
Diễn biến một số cổ phiếu ngành than 1 năm gần đây
Không chỉ lóe sáng nhất thời trong phiên vừa qua, phần lớn cổ phiếu ngành than đều đã trải qua chuỗi sóng tăng mạnh trước đó. Tính riêng từ đầu tháng 9 tới nay, cổ phiếu ngành than đã tăng ít nhất 34%, riêng cổ phiếu TC6 đã ghi nhận mức tăng tới 124% chỉ sau chưa đầy 1 tháng giao dịch; trong đó có đến 8 phiên đã kết phiên trong sắc tím.
Bên cạnh đó, TVD cũng "phi 82% từ mức 10.800 đồng lên 19.700 đồng/cổ phiếu hay THT cũng "vọt" từ 11.100 đồng lên 20.000 đồng/cổ phiếu; tương ứng mức tăng đạt 81%. Có thể nói, đây là mức sinh lời không hề nhỏ cho một khoản đầu tư giữa lúc thị trường chung đang khá giăng co và chủ yếu là "sideway".
Kỳ vọng hưởng lợi từ giá than quốc tế tăng phi mã và các yếu tố nội địa
Một trong những yếu tố không thể bỏ qua khi xét đến nguyên nhân tăng giá của cổ phiếu ngành than chính là biến động của giá than trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế. Bắt đầu từ khoảng tháng 6/2021, giá than thế giới bắt đầu tăng phi mã từ mức 90 USD/tấn lên đến nay đã xấp xỉ 180 USD/tấn; gấp đôi chỉ sau hơn 3 tháng. Theo đà tăng giá của quốc tế, giá than nội địa cũng đã tăng lên mức bình quân hơn 2.000.000 đồng/tấn, tương ứng mức tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối quý 2 năm nay.
Biến động giá than trên thị trường hàng hóa quốc tế (nguồn: TradingEconomic)
Theo phân tích, việc Trung Quốc đẩy mạnh ngành công nghiệp nhiệt điện than đã kích thích cầu về than trên thị trường tăng mạnh; ước tính cho thấy năm 20211 và 2022, Trung Quốc dự kiến sẽ phải nhập thêm từ 360 - 400 triệu tấn than để phục vụ nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung đang dần bị hạn chế cũng là một yếu tố đẩy giá than tăng cao. Các nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới như Indonesia, Úc, Mỹ, Nga, Nam Phi đều đã điều chỉnh sản lượng sản xuất vừa đủ thay vì quá dồi dào như trước đó.
Thực tế, than vẫn được xem là nguồn nguyên liệu giá rẻ cho hàng loạt ngành công nghiệp như dệt may, hóa chất, phân bón, nước ngọt...Do đó, những nguyên nhân trên đã kích thích đẩy giá than tăng cao và dự kiến đà tăng sẽ chưa dừng lại trong khoảng thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, thông tin có lợi cho các doanh nghiệp ngành than nội địa khi Bộ Tài Nguyên và Khoáng sản Indonesia vừa công bố danh sách 34 doanh nghiệp khai thác, kinh doanh than của Indonesia tạm thời bị cấm xuất khẩu do vi phạm quy định về nghĩa vụ tỷ lệ bán than tại nội địa khi theo hợp đồng cho công ty nhà nước. Điều này phần nào đã giúp giảm đi áp lực cạnh tranh đáng kể cho thị trường nội địa cũng như hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia khác; từ đó tạo điều kiện cho tăng trưởng về sản lượng tiêu thụ cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam.
Kết quả kinh doanh không mấy khả quan
Đà tăng giá mạnh này của giá than đã khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp than đang niêm yết cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành đều khá thất thường và không hoàn toàn lên xuống khi xét theo giá than quốc tế.
Nhìn vào BCTC 6 tháng đầu năm 2021, kết quả kinh doanh của các công ty ngành than thậm chí không mấy tích cực, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận mức sụt giảm hai chữ số.
Theo đó, trong nửa đầu năm 2021, TC6 ghi nhận doanh thu giảm tới 25% so sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 40% kế hoạch đề ra. Các khoản chi phí tăng cao cũng khiến doanh nghiệp báo lãi ròng chỉ hơn 3 tỷ đồng, giảm 80% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.
Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Than Miền Bắc (TMB) ghi nhận LNST 6 tháng đầu năm hơn 36 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ, nguyên nhân do việc tiêu thụ than gặp khó khăn và phải chi cho công tác phòng chống dịch. Chịu ảnh hưởng tương tự, TVD cũng ghi nhận lãi ròng giảm 31% về còn 22 tỷ đồng, TDN cũng báo lãi ròng giảm 17% về còn tỷ đồng.
Tình hình sản xuất than gặp khó khăn, doanh thu thuần bán niên của Than Hà Lầm (HLC) giảm 94 tỷ đồng về còn gần 191 tỷ đồng, song nhờ công tác quản lý chi phí đạt hiệu quả nên công ty vẫn duy trì mức lãi ròng đi ngang so với cùng kỳ 2020, đạt hơn 22 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh chưa quá tích cực nhưng cổ phiếu than vẫn có sức hút với dòng tiền đầu cơ trong bối cảnh giá cổ phiếu nhóm này vẫn chưa tăng nhiều so với các nhóm ngành khác như ngân hàng, vận tải biển, chứng khoán,...
Doanh Nghiệp Tiếp Thị