MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu Vietravel: Tăng thật sốc, giảm thật sâu

"Tham vọng" hàng không có thể quá lớn đối với Vietravel và nhà đầu tư lắc đầu với cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

4 phiên đẩy giá lên một gấp đôi

12,6 triệu cổ phiếu VTR của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) chính thức giao dịch trên thị trường UpCOM từ ngày 27/9/2019, vốn điều lệ 126 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên của VTR là 40.000 đồng/cp, tương ứng mức định giá trên 500 tỷ đồng. 

Ngay phiên giao dịch đầu tiên, chỉ 3 lệnh bán ra với khối lượng nhỏ giọt 1.300 cổ phiếu đối ứng với 120 lệnh chất mua với tổng khối lượng 74 ngàn cổ phiếu đã giúp VTR tăng kịch biên độ dao động trong ngày giao dịch đầu tiên tại UPCoM là ±40%, lên 56.000 đồng/cổ phiếu.

2 phiên sau đó, tình trạng tiết cung vẫn xảy ra và VTR tiếp tục phi lên ngưỡng 74.000 đồng/cổ phiếu. Phiên thứ 4 chào sàn và cũng là phiên cổ phiếu VTR đã đạt giá trị hơn gấp đôi giá tham chiếu chào sàn, lên ngưỡng 84.000 đồng/cp thì lệnh bán bắt đầu tung ra. Nhiều nhà đầu tư cũ đã chốt lãi. 32.000 cổ phiếu được khớp trong phiên tăng trần đó.

Cổ phiếu Vietravel: Tăng thật sốc, giảm thật sâu - Ảnh 1.

Cổ phiếu tăng sốc rồi giảm sâu

Chuỗi giảm sâu hình thành

Sau 4 phiên tăng trần và vốn hoá của VTR vượt xa 1.000 tỷ đồng, bước vào top doanh nghiệp "có cỡ" trên thị trường chứng khoán thì cổ phiếu VTR từ sắc tím đã chuyển màu sang sắc đỏ. Khối lượng đặt mua chẳng có là bao nhưng nhu cầu chốt lãi của những cổ đông cũ lại rất cao khiến cổ phiếu "lưỡng lự" giảm 100 đồng/cp ngày giao dịch thứ 5.

Sang phiên thứ 6, VTR đã thực sự không cứu vãn nổi tình thế khi tự mình leo một mạch lên đỉnh núi cao và không nhiều người quan tâm. Số người quan tâm không đáng kể khiến cổ phiếu rơi một mạch 12,1% nhưng cầu vẫn không vào. 

Đến hôm nay, 7/10/2019 và cũng là phiên giao dịch thứ 7 của VTR, nhà đầu tư trên thị trường chứng kiến cảnh rơi dần về giá sàn của VTR mà lực cầu vẫn không đáng kể. Chốt phiên giao dịch, VTR vẫn còn dư bán sàn 1,4 nghìn cổ phiếu và tổng khớp lệnh mới đạt 10.500 cổ phiếu!

Chuỗi giảm nhanh, thanh khoản yếu không kém gì lúc tăng nóng của VTR cho thấy một điều: nhà đầu tư không mấy mặn mà với cổ phiếu Vietravel như nhiều người đoán định trước đó.

Vì đâu cổ phiếu VTR không như kỳ vọng của nhiều người?

Vietravel hiện đang kinh doanh du lịch lữ hành nội địa và Quốc tế, xuất khẩu lao động, tổ chức các lớp dạy nghề lao động, tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức sự kiện…Ngay trước giai đoạn chuẩn bị lên sàn, Vietravel đã thể hiện rõ tham vọng lấn sân hàng không với dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). 

Có lẽ, chính bởi thông tin Vietravel Airlines được cấp giấy chứng nhận kinh doanh với số vốn ban đầu là 300 tỷ và kỳ vọng có thể bay sau 18 tháng tới đã khiến không ít nhà đầu tư kỳ vọng cao vào Vietravel. Những nhà đầu tư cũ đã không sẵn sàng "nhả" cổ phiếu Vietravel chốt lãi dù cổ phiếu đã tăng trần 4 phiên, định giá hơn gấp đôi giá chào sàn.

Nhưng, thực tế giao dịch trên thị trường cho thấy, nhà đầu tư cũ giữ cổ phiếu chắc bao nhiêu thì nhà đầu tư mới càng không mặn mà bấy nhiêu. Phiên giảm sàn với giá discount 21% so với đỉnh cũng không khiến giao dịch trở nên hứng khởi hơn.

Giải mã lý do cổ phiếu VTR trở nên ế ẩm, một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm trên sàn chứng khoán cho rằng, dù Vietravel thực sự có tiếng trong ngành du lịch, lữ hành và thậm chí đang ở thế bao sân của ngành này nhưng trên góc độ đầu tư thì cổ phiếu VTR không hấp dẫn.

Thứ nhất: Do mới lên sàn và cổ đông cũ kỳ vọng cao, không bán ra cổ phiếu nên không có lối cho nhà đầu tư lớn, tiềm năng vào. 

Thứ hai: Doanh thu của Vietravel có thể khiến nhiều người bị hấp dẫn ngay từ con số nghìn tỷ nhưng lợi nhuận 3 năm gần đây chưa năm nào quá 60 tỷ. Tuy công ty đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khá cao nhưng với quy mô nhỏ, lợi nhuận tích luỹ thêm hàng năm cũng không quá nhiều để có thể đặt kỳ vọng lớn.

Thứ ba: "Tham vọng" hàng không có thể quá lớn đối với Vietravel. Với quy mô vốn thấp, Tích luỹ chưa nhiều, vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý 2/2019 mới đạt 230 tỷ đồng nhưng quy mô nợ phải trả đã lên đến hơn 1.400 tỷ đồng. Tuy rằng, nếu phân tích kỹ lưỡng thì nợ thuê tài chính đâu đó khoảng 130 tỷ đồng chỉ tương đương vốn điều lệ của công ty còn lại đa phần là tín dụng của người bán và trả trước của người mua tức Vietravel có thể có lợi ích từ các khoản phải trả này nhưng dù gì đi chăng nữa thì con số thực sự là tiềm lực của Vietravel không lớn so với các doanh nghiệp ngành hàng không. 

Thứ tư: Vietravel vừa chốt phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ với tổng giá trị 700 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm, thời hạn 2 năm. Tức, mỗi năm, riêng phần lãi suất phải trả đã khoảng 77 tỷ đồng. Nếu hoạt động kinh doanh không bứt phá ra khỏi ngưỡng hiện tại tức lợi nhuận hàng năm vẫn loanh quanh dưới 60 tỷ đồng thì việc Vietravel có thể sẽ báo lỗ thời gian tới là có thể tính đến.

Cổ phiếu Vietravel: Tăng thật sốc, giảm thật sâu - Ảnh 2.

Với tất cả những điểm nêu trên cộng với phân tích cho thấy "bầu trời ngày càng 'chật chội', ngành hàng không Việt chịu áp lực kép sau thời tăng trưởng nóng 2 chữ số" thì theo nhà đầu tư nói trên, việc VTR giảm sàn mà không có nhiều lực cầu như phiên hôm nay không quá khó để lý giải.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên