MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu Viglacera tăng mạnh trong ngày chào sàn HoSE

Tại Việt Nam, Viglacera là doanh nghiệp đầu ngành trong nhiều lĩnh vực như vật liệu xây dựng, bất động sản, khu công nghiệp…Việc niêm yết trên HoSE được kỳ vọng sẽ giúp cổ phiếu VGC lọt vào danh mục của nhiều quỹ đầu tư lớn.

Hôm nay (29/5/2019), toàn bộ 448,35 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera đã chính thức chuyển sang giao dịch trên HoSE với giá tham chiếu 19.900 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường xấp xỉ 9.000 tỷ đồng. Biên độ dao động cổ phiếu trong phiên chào sàn HoSE là 20%.

Tại Việt Nam, Viglacera là doanh nghiệp đầu ngành trong nhiều lĩnh vực như vật liệu xây dựng, bất động sản, khu công nghiệp…Việc niêm yết trên HoSE được kỳ vọng sẽ giúp cổ phiếu VGC lọt vào danh mục của nhiều quỹ đầu tư lớn.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, tính đến nay, Viglacera chiếm 36% năng lực sản xuất kính xây dựng sản xuất trong nước với việc sản xuất, quản lý và vận hành 2 nhà máy sản xuất kính nổi, 1 nhà máy sản xuất kính tiết kiệm năng lượng và 1 nhà máy sản phẩm gia công sau kính. Sản lượng kính xây dựng sản xuất trong năm đạt xấp xỉ 60 triệu m2.

Viglacera cũng chiếm khoảng 11% năng lực sản xuất sứ vệ sinh, 3% năng lực sản xuất gạch ốp lát ceramic và 12% năng lực sản xuất gạch granite toàn ngành. Mỗi năm, Viglacera cung cấp ra thị trường hơn 1,5 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 12,5 triệu m2 gạch cotto, 28,7 triệu m2 gạch ốp lát ceramic – granite, 353 triệu viên gạch xây và gần 4,1triệu m 2 ngói các loại.

Trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp (KCN), Viglacera sở hữu 12 KCN, tổng diện tích 3.177,5ha, lớn hơn nhiều các doanh nghiệp cùng ngành. Trong đó, 717 ha đã được cho thuê bởi nhiều đối tác như Samsung, Canon, Orion, Sumitomo…là các nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Viglacera cũng đang có 12 dự án khu đô thị, nhà ở và văn phòng cho thuê với tổng diện tích 201 ha, trong đó có nhiều dự án nằm ở các vị trí đắc địa tại Hà Nội.

Theo báo cáo KQKD hợp nhất quý 1/2019 được công bố, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần 2.268 tỷ đồng – tăng 24%; Lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng – tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu cổ đông Viglacera, nhóm cổ đông Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) hiện đang nắm giữ khoảng 112 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 25%. Số cổ phần mà nhóm Gelex mua vào chủ yếu đến từ nhóm Dragon Capital và mua một phần trong phiên thoái vốn của Bộ Xây dựng. Trong khi đó, Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ gần 173 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 38,6% cổ phần.

Sự xuất hiện của cổ đông chiến lược Gelex được kỳ vọng giúp Viglacera nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản, nguồn vốn, cấu trúc tổ chức. Bên cạnh đó, với quy mô sản xuất lớn, vị thế đầu ngành, sở hữu những bất động sản giá trị, Viglacera được đánh giá sẽ có thêm sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư.

Phát biểu tại buổi chào sàn Viglacera, Thứ trưởng bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết: "Việc niêm yết cổ phiếu của Viglacera lên sàn Thành phố Hồ Chí Minh là cơ hội tốt cho việc huy động vốn của đơn vị tạo nguồn lực cho việc phát triển ổn định, bền vững của Tổng công ty, nhưng cũng là một thách thức lớn cho bộ máy điều hành, về tính minh bạch, công khai, tuân thủ cao hơn về chuẩn mực của công ty niêm yết, nhưng Tôi tin rằng với Bộ máy điều hành hiện nay cùng với vị thế của Viglacera, Tổng công ty sẽ ngày càng phát triển ổn định và bền vững, cổ phiếu của Viglacera sẽ ngày càng có giá trị trên thị trường, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư".

Trong phiên giao dịch đầu tiên trên HoSE, cổ phiếu VGC có thời điểm lên mức giá 21.300 đồng/cp, tăng mạnh so với giá tham chiếu chào sàn (19.900 đồng/cp).

Cổ phiếu Viglacera tăng mạnh trong ngày chào sàn HoSE - Ảnh 1.

Biến động cổ phiếu VGC từ đầu năm tới nay

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên