Cổ phiếu Vinamilk (VNM) bứt phá cùng thanh khoản bùng nổ, một công ty chứng khoán “hô” lên 3 chữ số
Cổ phiếu VNM trở lại đường đua
Khối ngoại bất ngờ thay đổi thái độ với Vinamilk (VNM) khi mua ròng 3 phiên liên tiếp gần 290 tỷ đồng là một tín hiệu lạc quan có thể góp phần đưa “gã khổng lồ” ngành sữa lấy lại vị thế trên sàn chứng khoán.
Thị trường chứng khoán vừa khép lại tháng 3 với một phiên tăng nhẹ của VN-Index sau nhiều rung lắc. Cái tên mà không nhiều nhà đầu tư nghĩ đến là cổ phiếu VNM của Vinamilk lại bất ngờ tỏa sáng rực rỡ và gần như gồng gánh chỉ số tăng điểm.
VNM "gánh" VN-Index phiên 31/3
Cổ phiếu này tăng hơn 6% lên mức 80.900 đồng/cổ phiếu cùng giao dịch bùng nổ với khối lượng khớp lệnh 9,6 triệu đơn vị, gấp 4 lần bình quân trong 3 tháng qua. Đây cũng là mức thanh khoản cao thứ 2 trong lịch sử chỉ sau phiên ngày 22/9/2021 khi đó VNM tăng 3% với khối lượng giao dịch hơn 10 triệu đơn vị.
Nhìn lại quá khứ, lần gần nhất VNM tăng hơn 6% là vào phiên 10/5/2021 tức là hơn 10 tháng cổ đông Vinamilk mới được thấy một phiên bứt phá mạnh như thế này. Trước đó, cổ phiếu này đã có thời gian dài làm buồn lòng cổ đông khi miệt mài dò đáy trong nhiều tháng qua.
Thời điểm khó khăn nhất, VNM thậm chí đã xuống dưới 74.000 đồng/cổ phiếu (gần đáy 2 năm) với mức giảm 14% từ đầu năm và hơn 30% so với đỉnh 3 năm đạt được vào đầu tháng 1/2021. Vốn hóa của Vinamilk thời điểm đó đã lùi xuống mức 153.000 đồng/cổ phiếu và rơi khỏi top 10 trên sàn chứng khoán.
VNM trở lại cuộc đua sau thời gian dài dò đáy
Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi chóng mặt tại vùng đáy, VNM lấy lại mốc 80.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau 3 phiên tăng liên tiếp gần đây. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng vọt lên hơn 169.000 tỷ đồng đưa Vinamilk trở lại danh sách 10 doanh nghiệp giá trị nhất toàn sàn chứng khoán.
Đáng chú ý, sự trở lại của VNM có đóng góp rất lớn đến từ khối ngoại sau thời gian dài "lạnh nhạt". Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3 phiên liên tiếp với tổng giá trị lên đến gần 290 tỷ đồng, điều mà hiếm khi xảy ra trong suốt nhiều tháng qua.
Khối ngoại bất ngờ thay đổi thái độ với VNM là một tín hiệu lạc quan và được kỳ vọng sẽ góp phần đưa "gã khổng lồ" ngành sữa lấy lại vị thế trên thị trường chứng khoán.
Định giá vẫn còn hấp dẫn
Yếu tố giúp VNM hấp dẫn khối ngoại trở lại có thể đến từ mức định giá đã "mềm" hơn nhiều sau giai đoạn miệt mài giảm. KBSV cho rằng các diễn biến giá gần đây đã đưa mức P/E forward của VNM về 14.x lần, là mức tương đối hấp dẫn cho một doanh nghiệp có vị thế dẫn đầu ngành sữa nếu so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực.
Mức P/E forward của VNM đang thấp hơn khoảng 20-30% so với trung bình các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực và thấp hơn xấp xỉ 50% so với trung bình của chính VNM trong 5 năm gần đây (~22.x lần). Trong khi đó, Vinamilk vẫn giữ được hiệu quả kinh doanh vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực.
Năm 2022, KBSV dự phóng doanh thu thuần của Vinamilk đạt 62.090 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 11.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 1,92% và 3,45% so với cùng kỳ. Kết hợp 2 phương pháp DCF và so sánh P/E (tỷ trọng 50-50), KBSV định giá VNM có thể lên trên 100.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, CTCK này vẫn cho rằng các yếu tố ngắn hạn còn tương đối bất lợi đối với cổ phiếu VNM. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới do giá nguyên vật liệu nhiều khả năng sẽ vẫn bị neo ở mức cao bởi tình hình diễn biến phức tạp giữa Nga – Ukraina và hiệu ứng từ chuỗi cung ứng chưa được giải quyết.
KBSV dự phóng biên lợi nhuận gộp hợp nhất năm 2022 của Vinamilk sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ xuống mức 43,08% với giả định doanh nghiệp tiếp tục chốt nguyên liệu đầu vào cho 2 quý tiếp theo ngay trong quý 1/2022. Mức giá trung bình tại quý 1/2022 cao hơn 33,9% (SMP) và 17,6% (WMP) so với giá trung bình trong quý 3/2021 (đã chốt cho 2 quý liền kề) đồng thời đi kèm thông tin Vinamilk chia sẻ có 2 đợt tăng giá trung bình trong tháng 12/2021-1/2022 (3-4%).
Về dài hạn, nhà máy sữa tại Hưng Yên được chấp thuận chủ trương đầu tư và dự kiến đi vào hoạt động năm 2024 sẽ nâng tổng số nhà máy lên 14, tạo thêm động lực tăng trưởng cho Vinamilk khi mà mức tiêu thụ sữa/đầu người hiện tại của Việt Nam vẫn khá khiêm tốn tại Châu Á. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng với tổng công suất ước tính khoảng 400 triệu lít/năm, được chia thành 2 giai đoạn qua đó đưa nhà máy này trở thành nhà máy sản xuất sữa lớn nhất tại miền Bắc.
Trí Thức Trẻ